Cá tình yêu, hôn nhân

Một phần của tài liệu Biểu tượng cá trong ca dao dân tộc Kinh và một số dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc (Trang 33)

6. Cấu trúc luận văn

1.4.2.3. Cá tình yêu, hôn nhân

Ca dao tình yêu là bộ phận lớn nhất và vô cùng phong phú, hấp dẫn trong ca dao trữ tình dân tộc Kinh. Nội dung những bài ca dao trữ tình về tình yêu nam nữ đã phản ánh được mọi biểu hiện của tình yêu, trong tất cả các chặng đường, các cung bậc cảm xúc: Những lời ướm hỏi, tỏ tình; những lời yêu thương, nhớ nhung, thề nguyền; hôn nhân hạnh phúc hay đau khổ, bất hạnh. Nghệ thuật thể hiện trong ca dao tình yêu thật phong phú, đa dạng, một trong những cách tạo hiệu quả cao đó là tác giả dân gian đã sử dụng thế giới biểu tượng: trầu – cau, loan – phượng, mận – đào, cá – nước…để biểu tượng cho thế giới tình yêu muôn màu muôn vẻ.

Trong bất cứ câu chuyện tình nào thì giai đoạn đầu tiên rất quan trọng, đó là giai đoạn trai gái gặp gỡ tìm hiểu, tỏ tình. Hình ảnh “câu cá”, “thả lưới,

buông câu”; “xe nhợ uốn cần”…thường dùng để biểu trưng cho việc chàng

trai chinh phục hay ngỏ lời cầu hôn cô gái:

Đến đây cận thuỷ xa ngư Hỏi rằng cá đã vào lừ ai chưa?

- Con cá đợi gió chờ mưa Trời chưa phong vũ, cá chưa vào lừ.

[Đ 500]

Cá là hình ảnh ẩn dụ cho người con gái chưa chồng. Ở hai câu trên người con trai đã mượn cá để gửi gắm tình cảm của mình với người con gái . Chàng trai ướm hỏi xa xôi nhưng cô gái đã hiểu và đồng cảm. Hai câu sau cô gái đáp lại: “Con cá đợi gió chờ mưa” có nghĩa là cô vẫn chưa yêu ai và chàng trai có thể bày tỏ tình cảm.

Trong tình yêu, cá còn biểu tượng cho nỗi nhớ và cả sự ngóng trông, chờ đợi:

Mong chàng như cá mong mưa Nhớ chàng như bữa cơm trưa đói lòng.

[Đ 466]

Anh trông em như cá trông mưa

Ngày trông đêm tưởng như đò đưa trông nồm.

[A 529]

Hình ảnh “cá – nước”, “cá vượt Vũ Môn”, “rồng – cá”…thường dùng để biểu trưng cho tình yêu hạnh phúc, đẹp lứa vừa đôi, may mắn chọn được người như ý:

Hai ta tốt lứa đẹp đôi

Rồng mây cá nước duyên trời đã xe.

[N 446]

Tình cờ gặp được nàng đây Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.

Ca dao trữ tình người Kinh viết về tình yêu đã ca ngợi rất nhiều mối tình thủy chung, hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có những mối tình ngang trái, đôi lứa cách chia hoặc hôn nhân bất hạnh:

Theo nhau cho trọn lời vàng đá Không hay chừ kẻ Á, người Âu Gối loan chẳng đặng giao đầu

Con chim bơ vơ núi Ngự, con cá thảm sầu sông Hương.

[T 505]

Thiếp đây khác thể chim trời

Chàng như cá nước biết mấy đời gặp nhau.

[C 491]

Trai gái không đến được với nhau, hôn nhân không toại nguyện có rất nhiều nguyên nhân: do hoàn cảnh khách quan, có khi lại do chính chàng trai, cô gái.

Tình yêu không thành do chàng trai tỏ tình nhưng cô gái không đồng ý nhận lời yêu:

Cá chẳng ăn câu thật là cá dại Câu anh cầm câu ngãi câu nhân.

[C 13]

Tiếc công anh xe sợi nhợ, uốn cây cần Xe rồi sợi nhợ, con cá lần ra khơi.

[T 1030]

Tình yêu không thành có thể do chàng trai đến muộn, cô gái đã có người yêu hoặc có chồng:

Quanh đi quẩn lại em đã có chồng Như chim vào lồng như cá cắn câu.

Ăn trầu người như chim mắc nhợ Uống rượu người như cá mắc câu Thương em chẳng nói khi đầu Để cho bác mẹ ăn trầu khác nơi Đau lòng em lắm, anh ơi!

[Ă 47]

Người xưa có câu: “Cưới vợ thì cưới liền tay. Chớ để lâu ngày lắm kẻ

dèm pha”. Đúng vậy, trong nhiều trường hợp, chàng trai đã đánh mất cơ hội

đến với người mình yêu thương:

Ngồi buồn giả chước đi câu

Cá ăn không giựt mảng sầu căn dươn 1

[N 444] Vì vậy, người ta mới khuyên rằng:

Ai về nói với ông câu Cá ăn thì giật để lâu hết mồi.

[A 199]

Tình yêu không thành, hôn nhân không hạnh phúc là do một trong hai người phụ bạc:

Cá vàng lơ lửng giếng xanh

Thong dong chốn ấy một mình thảnh thơi Ai ngờ cá lại ham mồi

Bỏ nơi mát mẻ, tìm nơi lạnh lùng.

[C 36]

Trong tình yêu, có khi kẻ thứ ba xuất hiện là nguyên nhân gây chia rẽ lứa đôi khiến người trong cuộc không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối:

Anh đừng thấy cá phụ canh Thấy tòa nhà ngói phụ tranh rừng già.

[A 326]

Tiếng đồn chị Bốn có duyên Chồng chị đi cưới một thiên cá mòi.

[T 1117]

Tình yêu không thành, hôn nhân bất hạnh còn do nhiều nguyên ngang trái, éo le khác:

Con sông bên lở bên bồi

Một con cá lội mấy người buông câu.

[T 224]

Công anh xe chỉ uốn câu

Vì chưng trời động con cá lần ra khơi.

[C 1797]

Anh ngồi bậc lở anh câu

Khen ai khéo mách, cá sầu chẳng ăn.

[A 409]

Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược Anh mảng thương nàng biết được hay không.

[A 408]

Dù lý do gì chăng nữa thì sự lỡ làng, bất hạnh trong tình duyên luôn đem lại những tiếc nuối, đau khổ cho người trong cuộc:

Cá sầu ai chẳng quật đuôi Như lan sầu huệ, như tôi sầu chồng.

[C32]

Tình yêu có nhiều cung bậc cảm xúc hạnh phúc, giận hờn, vô vọng, đau khổ…nhưng điều quan trọng hơn cả là tâm hồn cha ông ta luôn khát vọng hướng tới tình yêu đẹp:

Một mai nên vợ nên chồng Như cá gặp nước như rồng gặp mây.

[V77]

Biểu tượng cá đã góp phần thể hiện thành công chủ đề tình yêu rất phong phú và đặc sắc. Tìm hiểu biểu tượng cá trong ca dao dân tộc Kinh, chúng ta được sống trong một thế giới tâm hồn trong sáng, lành mạnh, giàu khát vọng về tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Chúng ta hiểu hơn thế giới tình cảm của ông cha và tìm thấy ở đó những giá trị đích thực làm nên sự trường tồn của biểu tượng này.

Một phần của tài liệu Biểu tượng cá trong ca dao dân tộc Kinh và một số dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)