6. Cấu trúc luận văn
2.4.1. Vài nét khái quát về dân tộc Mường
Năm 2009,dân tộc Mường có 1.268.963 người. [41, tr.718]. Họ cư trú chủ yếu ở tỉnh Hòa Bình và các tỉnh miền núi lân cận như: Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Ninh Bình. Theo nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học, người Mường là một trong những cư dân bản địa ở Việt Nam.
Người Mường thực hiện chế độ ngoại hôn, người cùng dòng họ tròn năm đời không được lấy nhau. Hôn nhân người Mường là hôn nhân một vợ, một chồng. Hình thái gia đình phụ quyền đã chi phối tập quán trong hôn nhân. Đối với người Mường, việc hôn nhân của con cái chủ yếu do cha mẹ quyết định.
Đồng bào Mường tin vào đa thần giáo, coi vạn vật hữu linh. Các thần linh là những siêu nhiên có khả năng tác động tốt hoặc xấu đến cuộc sống con
người. Người Mường quan niệm con người có 90 vía, nếu vía đi lạc không về thì thân chủ sẽ bị ốm. Do đó khi có người ốm, ngoài việc chữa bằng thuốc thang thì người Mường còn tổ chức cúng ma. Lễ kéo si là một nghi lễ cúng
ma để cúng vía cho người ốm và để cầu cho họ được khỏe mạnh. Các gia đình đồng bào Mường đều thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, người Mường còn thờ thổ công, một số nơi thờ thành hoàng, thờ Phật, thờ Thánh Tản Viên. Người Mường có nhiều lễ hội như: lễ hội Sắc bùa, lễ hội Đoọc moong, lễ Khai hạ, lễ hội Pồn pông để cầu chúc sức khỏe, sự may mắn, mùa màng bội thu và cũng là dịp người dân được thỏa sức vui chơi, giao lưu cộng đồng.
Văn học dân gian người Mường rất phong phú, bao gồm sử thi, truyện thơ, các làn điệu dân ca, thơ ca nghi lễ. Người Mường có một số truyện thơ nổi tiếng như: Nàng Nga Hai Mối, Nàng Ờm chàng Bồng Hương, Út Lót Hồ
Liêu… Các làn điệu dân ca Mường rất phong phú, đa dạng như: hát Sắc bùa,
hát Thường (xường), hát Bọ mẹng, hát ví, hát ru con, hát đồng dao, hát đố, hát đập hoa…. Về sử thi, phải kể đến sử thi mo tang lễ mà “Đẻ đất, đẻ nước” là tác phẩm nổi tiếng nhất của người Mường. Trong mo, tuy có những yếu tố hoang đường, nhưng qua một tác phẩm tầm cỡ như vậy, ta thấy được sự phát triển tư duy và khả năng trí tuệ của dân tộc Mường.