0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (131 trang)

Vài nét khái quát về dân tộc Thái

Một phần của tài liệu BIỂU TƯỢNG CÁ TRONG CA DAO DÂN TỘC KINH VÀ MỘT SỐ DÂN TỘC THIỂU SỐ VÙNG NÚI PHÍA BẮC (Trang 56 -56 )

6. Cấu trúc luận văn

2.3.1. Vài nét khái quát về dân tộc Thái

Năm 2009, dân tộc Thái có 1.550.423 người [41, tr.718]. Người Thái có truyền thống định cư ở những vùng thung lũng, nơi có những cánh đồng màu mỡ, ven các dòng sông, con suối. Họ cư trú thành từng bản, mường. Mỗi mường thường có nhiều bản, với nhiều dòng họ khác nhau sinh sống. Dân tộc này chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng.

Người Thái từ lâu đời đã thực hiện chế độ hôn nhân ngoại hôn dòng tộc. Những người có quan hệ huyết thống với nhau không được kết hôn. Hôn nhân trong chế độ phong kiến Thái thường do cha mẹ và các bậc bề trên quyết định. Lệ thường trong các cuộc hôn nhân đều do cha mẹ tìm bạn đời và nhờ ông bà mối, họ hàng tổ chức các nghi lễ cưới hỏi. Hôn nhân thường được xác lập giữa các gia đình “môn đăng hộ đối”.

Sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và trong điều kiện khoa học kĩ thuật còn thô sơ, chưa phát triển, người Thái đã thần thánh hóa và tôn thờ các lực lượng tự nhiên. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh là tín ngưỡng phổ biến trong

cộng đồng người Thái. Do đó, họ có nhiều nghi lễ cúng như: xên hườn – cúng tổ tiên; xên pang – giỗ tổ; xên bản, xên mường – cúng thổ công, trời đất; xên

bun, xên khoan – cúng hồn cầu phúc; xên lảu nó - lễ rượu măng…Lễ hội để

người dân lễ tạ những người có công dựng bản, dựng mường, người có công chữa khỏi bệnh tật…là là cơ hội để người dân vui chơi, giải trí; trai gái gặp gỡ, tìm hiểu nhau.

Thừa hưởng nền văn minh cổ truyền phong phú của cha ông, người Thái đã góp phần cống hiến không nhỏ vào trong kho tàng văn hóa chung của dân tộc. Nhờ có ngôn ngữ và văn tự sớm, người Thái đã xây dựng được một nền văn học dân gian đặc sắc, đa dạng phong phú với nhiều thể loại: truyện cổ dân gian, truyện thơ, tục ngữ, dân ca, sử thi,…Thơ ca dân gian chiếm vị trí quan trọng trong văn học Thái. Ca dao, tục ngữ Thái là thể loại phong phú nhất về số lượng và nội dung đề cập. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, thơ hát trong các dịp hội hè, đám cưới,…là tiếng nói của nhân dân lao động, biểu hiện khá đầy đủ phong tục tập quán, cuộc sống lao động, quan niệm về đạo lý làm người và có giá trị nhân văn rất lớn nên được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người Thái sáng tác thơ để hát. Điệu khắp là làn điệu dân ca

được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt của người Thái: khắp báo sao – khắp

trai gái, khắp lồng tồng – khắp ngoài đồng ruộng, khắp cạ - khắp chèo thuyền,

khắp Chương – khắp người già kể chuyện Chương Han. Một số truyện thơ nổi

tiếng của người Thái như: Xống chụ xon xao, Khun Lú Nàng Ủa là những tác phẩm không chỉ dân tộc Thái yêu thích mà còn lưu truyền rộng rãi trên cả nước.

2.3.2.Thống kê tần số xuất hiện và giải mã biểu tượng cá trong ca dao dân tộc Thái

2.3.2.1. Thống kê tần số xuất hiện

Qua khảo sát, thống kê, chúng tôi thấy trong ca dao dân tộc Thái, cá là con vật xuất hiện với tần số cao nhất 134/756 lần (chiếm 17,7%) so với các

loài động vật nói chung và cá cũng xuất hiện ở vị trí thứ nhất với 134/159 lần (chiếm 84,3%) so với các loài động vật khác sống cùng dưới nước.

Cư trú nhiều năm bên các dòng sông, con suối, người Thái sớm nhận thấy nguồn tài nguyên vô tận là cá và các loài khác sống ở dưới nước nên họ thường xuyên có các hoạt động đánh bắt cá để phục vụ cuộc sống. Người dân ở đây có nhiều cách đánh bắt cá: đánh bắt cá nhân hay tập thể. Hoạt động đánh bắt tập thể thường được tiến hành trong những dịp đặc biệt như đầu mùa nước hoặc những dịp chuẩn bị lễ tết. Người Thái có kiểu đánh cá tập thể gọi là “phá pa vắng hảm” (phá cá ở vũ ng cấm). Xưa kia, việc đánh cá này có ý nghĩa như một ngày hội lớn của người Thái. Niềm vui thú trong ngày dự hội phá cá vũng cấm chẳng khác gì người yêu mời đến làm hộ ruộng. Người Thái có câu ngạn ngữ: “ăn nưng chụ van na, ăn nưng phia phá pa văng hảm” (một đường người tình mời làm ruộng, một đường phìa phá cá vũng cấm sẽ đi đường nào?).

Người Thái còn thông qua việc đánh bắt cá để dự báo thời tiết. Hôm nào đánh bắt được quá nhiều hoặc quá ít (khác với bình thường) thì khi đó thời tiết có sự thay đổi đang nắng sẽ mưa to hoặc ngược lại…

Trong phong tục cưới xin của người Thái, việc đánh bắt cá là một trong những điều kiện các chàng trai, cô gái thử tài nhau. Chàng trai phải biết quăng chài, thả lưới, đánh bắt cá; các cô gái phải biết xúc cá.

Người Thái khi sống quen thuộc với công việc đánh cá nên khi chết đi thì trong bài cúng ma có những đoạn kể về công việc chèo thuyền, đánh cá của họ.

Người Thái còn mượn cá để tính thời gian. Chẳng hạn, người Thái nói: “Tôi ở bản Hốc đã bốn năm” thì cũng có thể nói: “Tôi ở bản Hốc được bốn

mùa lúa dưới ruộng, bốn mùa cá ở nước” (xí khảu naư na, xí pa naư nặm).

Người Thái có câu nói cửa miệng:“Pay kin pa, ma kin lẩu”(đi ăn cá, về uống rượu). Cá là món ăn người Thái rất ưa thích và được chế biến theo

nhiều cách, nhưng họ thích nhất là món cá nướng: Pa Pỉnh tộp, Pa chí,…ăn

với xôi đồ. Món ăn “trộn cá nắm xôi” là món ngon mà người Thái cũng ưa

thích. Các món canh cá của người Thái cũng rất hấp dẫn, cá thường nấu với măng chua hoặc các loại quả chua. Ngoài ra, người Thái còn chế biến các món cá gỏi hoặc mắm cá chua…Cá là món ăn, lễ vật không thể thiếu trong các dịp quan trọng như: lễ tết, cúng tổ tiên, lễ cúng vía, đám cưới…Đặc biệt, người Thái còn có cả tết “kín pá” (tết ăn cá). Vào dịp này, đồng bào Thái chế biến rất nhiều món ăn từ cá với nhiều hương vị, màu sắc hấp dẫn [15; 75].

Trong tập quán sinh đẻ và nuôi dạy con cái của người Thái: “nếu đứa bé là con trai, người ta chuẩn bị một số công cụ kiếm ăn như chài, lưới, nỏ…đặt bên cạnh cái nia cho đứa bé nằm bên bếp. Nếu là gái, bên cạnh cái nia đó sẽ bày một số công cụ dệt vải, hái rau như cái sa quay sợi và cái giỏ “xoọng, xạ” để hái rau, cái vợt để xúc cá…” [39, tr.146].

Như vậy, đối với người Thái, hoạt động đánh bắt cá không chỉ để kiếm ăn mà còn mang nhiều ý nghĩa khác như: giải trí, gắn kết cộng đồng, trai gái thử tài nhau, dự báo thời tiết... Con cá không chỉ là thức ăn hàng ngày mà còn có mặt trong nhiều dịp lễ tết quan trọng. Từ cuộc sống đời thường, hình ảnh con cá bước vào ca dao, dân ca một cách tự nhiên và trở thành biểu tượng truyền tải tư tưởng, tình cảm của người dân tộc Thái.

2.3.2.2. Giải mã ý nghĩa biểu tượng cá trong ca dao dân tộc Thái

Qua khảo sát, nghiên cứu, bước đầu chúng tôi nhận thấy biểu tượng cá trong ca dao dân tộc Thái mang những nét nghĩa cơ bản sau:

* Cá biểu trưng cho sự phồn thực

Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng sùng bái sự sinh sôi nảy nở của con người và tự nhiên. Hình thức tín ngưỡng này được các nhà khoa học cho là thuộc cơ tầng văn hóa nguyên thủy, rất phổ biến ở các nền văn hóa nông nghiệp lúa nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì nguồn cá luôn luôn dồi

dào lại có khả năng sinh sản kì lạ với số trứng nhiều vô kể nên cá còn được xem là biểu tượng cho sự sinh sôi, phát triển. Trong tâm thức người Thái, cá là hiện thân của thần nước mà nước cũng là biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển. Tìm hiểu ca dao Thái, chúng tôi thấy biểu tượng cá có mang nét nghĩa biểu trưng này:

Bên suối nhỏ cá bơi lượn đầy [83, tr.867]; Nuôi cá chín nghìn ruột [83,

tr.595]; Tạo hãy xếp đá cho cá ngủ/ Làm ổ cho cá đến/ Hãy đan phên giữ cá

mẹ/ Đan phên chắn cá chép [2, tr.534]; Thuở ấy, sớm tối tổ tiên/ Ước nước về nhiều/ Ước cát về trộn/ Dẫn nước vào mương lớn mương lò mọi dòng/ Dẫn nước vào mương lớn mương nhỏ mọi nơi/ Ếch nhái kêu thửa trên/ Cá chép ruộng quẫy đẻ thửa dưới [2, tr.325].

Theo phong tục người Thái Đen ở Mường Lò thì món cá Pa bẳng - pa

háp (cá muối đựng ống và cá sấy) không thể thiếu được trong lễ cưới để dâng

cúng tổ tiên của nhà gái trong lễ cưới thể hiện lòng hiếu thảo của chú rể đối với tổ tiên và gia đình bên nhà gái. Ngoài ra, cá ống pa bẳng và cá giỏ pa háp còn mang đậm yếu tố văn hóa phồn thực của cư dân nông nghiệp. Trong lễ cưới, đồng bào dâng cúng tổ tiên cá pa bẳng và pa háp thể hiện những mong muốn về sự sinh sôi, nảy nở, sự phát triển của tự nhiên và con người, đồng bào luôn luôn mong muốn cho tất cả đều được phát triển, đều được sinh sôi...Chú rể làm cá pa bẳng, pa háp dâng cúng tổ tiên còn cầu xin cho được

đông con nhiều cháu, cầu xin tổ tiên phù hộ cho được duy trì và phát triển giống nòi [90].

Cá biểu trưng cho sự phồn thực, nét nghĩa ban đầu là gửi gắm ước mơ về sự sinh sôi nảy nở. Nếu vạn vật sinh sôi phát triển, mùa màng tươi tốt cũng có nghĩa là cuộc sống của người dân sẽ được no đủ. Vì vậy, từ nét nghĩa ban đầu đã nảy sinh nét nghĩa mới đó là biểu trưng cho sự no đủ. Mặt khác, cơ cấu bữa ăn của người Thái cũng giống một số dân tộc khác là cơm – rau – cá nên

bữa ăn có cơm, cá được coi là cuộc sống no đủ. Tục ngữ Thái nói về sự sung túc của kinh tế có câu: “khảu báu ứt, pa báu dák” (không đói cơm, đói gạo, không thiếu cá). Vùng quê nào, mọi người ai cũng có bữa ăn ngon, mặc đẹp thì gọi chốn đó có “khảu dú nă pa dú nặm” (thóc lúa ở ruộng, con cá dưới nước). Khi nói về sự trù phú của sông, suối nơi quê hương mình, người Thái có câu: “pa dú nặm son cho lai bun” (cá ở nước tụ họp nhiều lứa). Ngày xưa, người Thái có được “khẩu đón, tón pa khao” (gạo trắng, miếng cá bạc) là

niềm ao ước của họ. Vì vậy, để có được cuộc sống no đủ, giàu có, người Thái cầu mong Tạo nuôi phù hộ cho họ có nhiều thóc gạo, nhiều cá:

Tạo nuôi hãy dâng cơm xuống nuôi/ Cho cá xuống bón [2, tr.532]; Tạo nuôi người phù hộ, hãy phù hộ/ Phù hộ ao cả hồn, ao cả vía/ Ao cá thả, ao cá

thiên nhiên [2, tr.534]; Tạo nuôi hãy phù hộ/ Hãy coi hãy giữ/ Coi khó mới

được ăn cá/ Trông khó mới được dùng no [2, tr.534].

Như vậy, trong ca dao Thái, người dân đã mượn cá biểu trưng cho ý nghĩa phồn thực, thể hiện sự mong muốn, khát khao vạn vật được sinh sôi, nẩy nở, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ.

* Cá – sự may mắn

Đối với dân tộc Thái ở Việt Nam, con cá xuất hiện trong suốt vòng đời của một con người từ lúc trong bụng mẹ, sinh ra đến khi trưởng thành và chết. Điều kì lạ là khi tìm hiểu biểu tượng cá trong ca dao Thái, chúng tôi thấy suốt quá trình mang thai, tháng nào bà mẹ cũng ăn cá:

Bé trong bụng mẹ hai tháng/ Mẹ thèm cá cá sảm/ Bé trong bụng mẹ được ba tháng…/ Ăn chua ăn cá tép/ Bé trong bụng mẹ bốn tháng/ Mẹ thèm chua cá voi/ Bé trong bụng mẹ được năm tháng…/Thèm ăn cá chua trầy/ Bé trong bụng mẹ sáu tháng/ Thèm ăn chua cá kim/ Bé trong bụng mẹ bảy tháng/ Muốn ăn chua cá xét/ Bé nằm trong bụng mẹ tám tháng/ Muốn ăn chua cá pấu [2, tr.476].

Trong truyện thơ Xống chụ xon xao – Tiễn dặn người yêu cũng kể: Mẹ

em yêu và mẹ anh yêu, Thèm ăn gỏi cá chua, Bé xinh vào lòng mẹ hai tháng, Mẹ yêu thèm ăn dở chua me, Bé xinh vào lòng mẹ ba tháng, Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá diếc, Bé xinh vào lòng mẹ bốn tháng, Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá trắm, Bé xinh vào lòng mẹ năm tháng, Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá pộc, Bé xinh vào lòng mẹ sáu tháng, Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá chày, Bé xinh vào lòng mẹ bảy tháng, Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá mương, Bé xinh vào lòng mẹ tám tháng, Mẹ yêu thèm ăn gỏi cá vũ…

Có thể lí giải điều này là do cá không chỉ là thức ăn bổ dưỡng mà còn là món ăn có ý nghĩa tâm linh, mang lại sự khỏe mạnh cho thai nhi.

Khi đứa trẻ mới chào đời, người mẹ lấy đôi đũa mới gắp miếng cá chấm vào miệng, làm như vậy đứa bé sơ sinh được may mắn hưởng miếng cơm cá mà lớn khôn, khỏe mạnh:

Canh cá chín để nhà bón em/ Mẹ đi nương bắt được trứng quà2/ Đi ruộng được trứng cuốc/ Trứng cá ăn trong võng…con mẹ nhé [3, tr.231].

Ăn trong địu, ăn trong võng có nghĩa là bà Mụ mớm cho con ăn chóng lớn. Như vậy, cá không chỉ là món ăn thông thường mà còn được quan niệm là món ăn mang lại sự may mắn cho đứa trẻ.

Theo phong tục người Thái, khi đứa trẻ đầy tháng, cả hai bên nội ngoại sẽ tổ chức làm vía đầy tháng cho đứa trẻ. Lễ vật trong lễ này gồm một con gà sống, một con cá to và đùi lợn. Ba vật đó tượng trưng cho trời (vật biết bay là gà), vật trên mặt đất là lợn, giống dưới nước là cá. Cả ba yếu tố tự nhiên đó sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho đứa trẻ [39, tr.147].

Trong ca dao Thái, bài “Cúng vía trẻ” cũng cho thấy cá là món ăn may mắn mang lại sức khỏe cho đứa bé:

Bụng bé đựng cá chiên/ Bụng to đựng cá chép/ Vía thong dong nằm ngon, ngủ ngon [2, tr.479].

Theo các nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hạnh, Lò Văn Biến, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) tin rằng con người có 80 vía; khi vía vui thì người khỏe mạnh, khi vía buồn thì con người mệt mỏi, còn khi vì một lí do nào đó mà bỏ đi thì người bị ốm đau. Do đó, khi mệt mỏi, ốm đau, người Thái ở Mường Lò thường tổ chức cúng vía để tìm vía thất lạc trở về” [2, tr.473].

Vía còn muốn ăn cá [2, tr.519]; Bụng nhỏ đựng cá chầy/ Bụng to đựng cá chép cá mè/ Dùng cá chiên, cá bống, cá chép/ Vía hai tay không rời/ Vía hai chân đi không mỏi không mệt. [2, tr.521]; Mời vía ở ao cá thiên tạo/ Cá con cả của hồn ao cả nuôi. [2, tr.525]; Vía miệng trở vào miệng ăn cá [2, tr.542]; Bụng nhỏ dùng cá chiên/ Bụng lớn dùng cá chép cá mè/ Vía hai tay

vung không tuột/ Vía hai chân đi không mỏi [2, tr.543].

Cá mang lại sự may mắn vì vía đang mỏi mệt, ốm đau nếu ăn cá thì sẽ được khỏe mạnh “hai tay không rời”, “hai chân di không mỏi”.

Cũng vì xuất phát từ quan niệm cá là con vật báo điềm lành, là biểu tượng của sự may mắn nên ngày xưa người Thái thường chọn cá là một trong những vật phẩm đính hôn dâng cho cha mẹ của cô dâu:

Lấy cá trôi ướp ống chua/ Lùa cá chua vào vại/ Gom cá lại vào

“bẳng” vào “dấng”…/Cá mú khô đủ lễ bày. [2, tr.431]; Anh sắp đưa bánh

chưng đến nhà em, bốn vạn cái đó em ơi/ Chàng sắp làm con cá nướng đến treo nhà nàng, bốn vạn, trăm, nghìn/ Sắp làm bánh chưng đến nhà “bông hoa” biếu đủ bên ngoại được chăng? [3, tr.631]; Có đầu cá đẹp/ Có mâm cao cỗ đầy [2, tr. 449].

Theo Phạm Hổ Đấu và Trần Thị Liên trong cuốn “Đời sống văn hóa

Một phần của tài liệu BIỂU TƯỢNG CÁ TRONG CA DAO DÂN TỘC KINH VÀ MỘT SỐ DÂN TỘC THIỂU SỐ VÙNG NÚI PHÍA BẮC (Trang 56 -56 )

×