Giai đoạn chuẩn bị kiểm toán

Một phần của tài liệu luận văn quản trị kinh doanh Thực trạng kiểm toán khoản mục doanh thu bán hàng và phải thu khách hàng trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Thăng Long thực hiện. (Trang 94)

Về thu thập thông tin khách hàng và khoản mục

Do những thông tin về khách hàng cũ đều được lưu trong hồ sơ kiểm toán năm trước và do hạn chế về thời gian nên các KTV thường dựa vào những thông tin có sẵn đó mà ít khi tập trung thu thập những thông tin bổ sung trên báo chí, tin tức… Do đó KTV nên có thể bỏ sót những thông tin thay đổi ảnh hưởng đến kết quả của cuộc kiểm toán. Vì vậy, KTV cần phải linh hoạt trong việc tiếp cận với những khách hàng lâu năm để thu thập được những thông tin bổ sung, đảm bảo rằng không bỏ qua những thông tin quan trọng ảnh hưởng đến báo cáo tài chính và kết luận của mình.

Đối với kiểm toán khoản mục doanh thu bán hàng và thu tiền, KTV cần phải xem xét xem trong năm tài chính hiện hành đơn vị có thay đổi về hoạt động kinh doanh, quy chế nội bộ, bộ máy kế toán, chính sách bán hàng, chính sách giá và nguyên tắc hạch toán,… qua tìm hiểu biên bản họp của lãnh đạo, phỏng vấn nhân viên kế toán và những người phụ trách phần hành này. Như vậy bảo đảm tiết kiệm được chi phí kiểm toán mà vẫn đảm bảo hiệu quả trong công việc.

Về thiết kế chương trình kiểm toán khoản mục doanh thu và phải thu khách hàng

Công ty Thăng Long sử dụng chương trình kiểm toán mẫu chung cho toàn bộ các cuộc kiểm toán BCTC. Với chương trình kiểm toán mẫu cho tất cả các loại hình doanh nghiệp mà không xét tới đặc điểm riêng của mỗi doanh nghiệp tạo sự không phù hợp mà KTV phải điều chỉnh khi tiến hành kiểm toán. Với khoản mục doanh thu và phải thu khách hàng, Công ty ABC có số lần bán hàng trong năm ít (gần 20 hoá đơn bán hàng) nhưng giá trị lớn (trên 5 tỷ đồng/ 1 hoá đơn) vì vậy KTV quyết định kiểm tra toàn bộ 100%. Như vậy, chương trình kiểm toán mẫu có những nội dung thừa như: “Chọn mẫu ... để kiểm tra chứng từ chi tiết (đề nghị ghi rõ phương thức lựa chọn mẫu); Chọn .... tháng bất kỳ và mỗi tháng chọn .... nghiệp vụ trên Sổ Cái (hoặc

sổ chi tiết) để đối chiếu sự khớp đúng giữa sổ kế toán và chứng từ gốc về nội dung, ngày, tháng, số tiền. Đồng thời kiểm tra sự chấp thuận của người có thẩm quyền của khách hàng. Nếu kết quả tốt: Chấp nhận. Nếu kết quả xấu: Mở rộng phạm vi kiểm tra chi tiết”. Những quyết định về thủ tục kiểm toán của KTV khác với chương trình kiểm toán mẫu thì chương trình kiểm toán sẽ không còn ý nghĩa nữa và nó cũng không được coi là một cơ sở kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán.

Về đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan khoản mục doanh thu bán hàng và phải thu khách hàng.

KTV đánh giá hệ thống KSNB qua kỹ thuật phỏng vấn và sử dụng bảng câu hỏi. Hai kỹ thuật này tiết kiệm thời gian và chi phí nhưng có thể không thu được thông tin chính xác do người được phỏng vấn và trả lời câu hỏi không trung thực. Ngoài ra, các câu hỏi có thể không phù hợp với đặc điểm kinh doanh của khách hàng. Với hai khoản mục doanh thu bán hàng và phải thu khách hàng nằm trong chu trình bán hàng và thu tiền có rất nhiều sự kiểm soát mà KTV không nắm bắt được nếu chỉ hỏi nhân viên mà cần phải có sự quan sát quá trình thực hiện.

Với những khách hàng có quy mô lớn thì hệ thống câu hỏi không thể thể hiện đầy đủ hệ thống kiểm soát của khách hàng con những khách hàng quy mô nhỏ, hệ thống KSNB yếu thì những câu hỏi đó không thể tìm ra được những thiếu sót của nó. Vì vậy, những đánh giá sơ bộ về hệ thống KSNB sẽ bị ảnh hưởng khi quá trình thu thập thông tin không đầy đủ.

Về đánh giá tính trọng yếu và rủi ro kiểm toán trong kiểm toán khoản mục

Trong quy trình kiểm toán của Công ty Thăng Long, việc đánh giá trọng yếu và rủi ro kiểm toán chưa được thực hiện theo bất cứ quy trình nào. Với từng khoản mục, tính trọng yếu và rủi ro chỉ mới được đánh giá trên kinh nghiệm của kiểm toán viên để thực hiện các thủ tục kiểm toán mà chưa thể hiện trên giấy tờ làm việc. Với khoản mục doanh thu và phải thu khách hàng, dựa trên thủ tục phân tích và thử nghiệm kiểm soát, kiểm toán viên tiến hành chọn mẫu theo kinh nghiệm như lấy phát sinh có giá trị lớn, vào những thời điểm nhạy cảm. Khi quyết định có hay không thực hiện điều chỉnh một nghiệp vụ, KTV cũng không thể có một con số để so sánh mà cũng chỉ dựa trên kinh

nghiệm. Kết luận chấp nhận khoản mục là trung thực, hợp lý, không có sai sót trọng yếu đến BCTC cũng theo kinh nghiệm. Việc quy trình kiểm toán thiếu việc thực hiện xác định mức trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán đã gây ra những khó khăn cho KTV khi thực hiện kiểm toán, KTV phải cân nhắc quyết định của mình mà không có căn cứ khoa học.

Một phần của tài liệu luận văn quản trị kinh doanh Thực trạng kiểm toán khoản mục doanh thu bán hàng và phải thu khách hàng trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính do Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Thăng Long thực hiện. (Trang 94)