CHƯƠNG III: KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VIỆC SỬ DỤNG Ô TÔ
3.1 Giải pháp cơ bản mang tính lâu dài: khoán kinh phí thay cho việc xe ô tô phục vụ công tác các cơ quan đơn vị
hành chính sự nghiệp
Theo kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, thông thường mọi chi phí của công chức Nhà nước được đưa vào trong lương. Việc này được biết đến như một giải pháp mang tính hiệu quả và lâu dài. Nó mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Về phía Nhà nước, việc chi phí hóa thành tiền lương mọi khoản thanh toán cho cán bộ đã giảm đáng kể chi phí quản lý, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng tài sản Nhà nước. Còn người được thủ hưởng sẽ chủ động hơn trong việc sử dụng các dịch vụ của Nhà nước giao cho. Nếu giải quyết tốt những vấn đề trên, hiệu quả mà chúng mang lại sẽ không nhỏ trong toàn xã hội.
Theo ông Trần Quốc Thuận, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: Giải pháp này đã có nhiều người đưa ra rồi. Chúng ta phải học tập các nước như Hàn Quốc, Úc, Pháp, Thụy Điển. Họ là những nước giàu nhưng đâu có chế độ xe công, chỉ có chế độ xe công đối với nguyên thủ quốc gia và những vị đó cũng rất hạn chế việc dùng xe công. Tôi đã từng ở Thụy Điển 20 ngày và thấy chỉ có chủ tịch quốc hội, thủ tướng, nhà vua đi xe công, thỉnh thoảng họ còn sử dụng cả tàu hỏa, xe điện. Tại sao mình lại không làm như họ? Bây giờ ta phải làm đi. Phải tính bình quân giá trị chiếc xe, chi phí cho người lái xe của một cán bộ được sử dụng xe công rồi chuyển cái đó vào tiền lương. Như thế họ mới chắt chiu đồng tiền ấy, dành dụm nó.
Ở Việt Nam, việc quản lý hành chính nói chung cũng như quản lý ô tô dùng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước còn tồn tại nhiều bất cập; mặc dù đã có nhiều phương án đưa ra song vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Do vậy, phương án “thí điểm kinh phí cho người có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại phục vụ công
tác, thành lập doanh nghiệp dịch vụ để đảm bảo nhu cầu thuê xe phục vụ công tác chung và của các chức danh, đơn vị có tiêu chuẩn, chế độ sử dụng phương tiện đi lại” đã được đề ra như một giải pháp mang tính cơ bản và lâu dài. Hiệu quả mà giải pháp này mang lại là rất to lớn nếu nó được triển khai một cách có hệ thống bắt đầu từ việc thí điểm ở một số cơ quan, địa phương sau đó nhân rộng trong phạm vi toàn quốc.
Về phía Nhà nước: phương án này sẽ giải quyết được tình trạng sử dụng xe công sai mục đích; chống thất thoát, lãng phí trong khâu trang bị, mua sắm xe; tiết kiệm, làm giảm bớt chi phí về phương tiện phục vụ công tác thông qua hiệu quả kinh tế từ việc sử dụng cung cấp dịch vụ xe công của đơn vị kinh doanh vận tải chuyên môn hóa, giảm chi phí về lương lái xe, sử dụng tối đa thời gian để không tại các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Về phía các cơ quan hành chính sự nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước đang trực tiếp quản lý, sử dụng xe ô tô công, đó là: giảm bớt nhiệm vụ quản lý hành chính liên quan đến quản lý, sử dụng xe ô tô công, tạo điều kiện để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong chi tiêu, phù hợp theo chủ trương khoán kinh phí của Chính phủ đang triển khai tại các cơ quan hành chính hiện nay.
Bên cạnh thực hiện việc phương án trên, cần phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng xe ô tô công và xử lý các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật.