KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1.10. Thời điểm xử lý các chấn thương
Quyết định xử lý phẫu thuật đối với bệnh nhân chấn thương vùng hàm mặt phụ thuộc vào nhiều yếu tố [111]: tình trạng toàn thân và thương tích khi
mới đến viện ngay sau chấn thương, có các mối đe dọa dẫn đến nguy cơ tử vong hay không, có các chấn thương khác đi kèm hay không (sọ não, lồng ngực, tai mũi họng, mắt, chấn thương các tạng trong ổ bụng, chấn thương chi...), tình trạng thương tích cụ thể của khối mặt hàm, đặc biệt là những thương tích có nguy cơ gây cản trở hô hấp cấp hay trào ngược dịch vào khí phế quản hay không.
Nguyên tắc chung là phát hiện và xử lý trước tiên các nguy cơ có thểđe dọa tính mạng người bệnh (hồi sức hô hấp, tuần hoàn, giảm đau...), sau đó mới xử lý đến các thương tích cụ thể vùng hàm mặt. Nếu mức độ di lệch xương gãy ít hoặc không có, giảm đau và chống phù nề, cho kháng sinh nếu có kèm vết thương phần mềm. Theo dõi trong vòng 1 - 3 tuần mới xét đến điều trị phục hồi triệt để [112].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, số bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật trong tuần đầu chiếm tỷ lệ cao nhất (98,2%). Khi bệnh nhân đã được hồi phục lại sức khỏe, mặt bớt phù nề, bệnh nhân sẽ chịu đựng được quá trình mổ, sau mổ sẽ phục hồi sức khỏe tốt hơn. Có 1 bệnh nhân được phẫu thuật sau khi nhập viện được một tuần (1,8%), vì bệnh nhân do điều kiện kinh tế không chi trả được cho cuộc phẫu thuật nên xin trì hoãn. Trong chấn thương hàm mặt, khi có những vấn đề về chảy máu và hô hấp được xử lý tốt, thì gãy xương có thể trì hoãn từ 7 - 10 ngày mà không ảnh hưởng đến kết quảđiều trị. Số bệnh nhân được phẫu thuật trong 3 ngày đầu cũng chiếm tỷ lệ khá cao (94,6%), là những bệnh nhân có vấn đề hô hấp và chảy máu, những bệnh nhân đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe để tiến hành một cuộc phẫu thuật sớm. Thời gian từ khi bị tai nạn đến khi mổ, trung bình là 1,8 ± 1,32 ngày (từ 0 - 9 ngày). Đa số bệnh nhân trong nghiên cứu được mổ vào ngày thứ 4 sau tai nạn. Chúng tôi cũng đã phân tích mối liên quan giữa thời gian bị tai nạn đến khi được mổ đối với các loại gãy xương thì nhận thấy: các trường hợp gãy XHT (1 hoặc 2 bên) có kèm theo gãy xương GMCT thường được mổ sớm hơn so
với những trường hợp gãy xương hàm trên đơn thuần (gãy 1 hoặc 2 bên) với p = 0,05.
Thời gian nằm viện trung bình của các bệnh nhân là 6,3 ± 1,25 ngày (1- 8), trung bình là 6 ngày. Đa số bệnh nhân (85,5%) có thời gian nằm viện từ 4 - 7 ngày. Khi phân tích mối liên quan giữa thời gian nằm viện của các bệnh nhân với các thể gãy xương thấy hai nhóm gãy xương hàm trên đơn thuần và gãy có phối hợp với GMCT là tương đương nhau, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,210).