Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở tỉnh Quảng Ninh diễn ra mạnh mẽ, trong lúc đó cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện để đáp ứng theo kịp nhịp độ phát triển đô thị đó. Nước thải sinh hoạt tại Quảng Ninh mới được xử lý một phần tại các đô thị lớn, còn lại thải trực tiếp ra các nguồn tiếp nhận là sông, suối, kênh, mương sau đó đổ ra biển. Quảng Ninh mới chỉ có một số trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho khu vực Bãi Cháy (trạm xử lý nước thải Cái Dăm: công suất thiết kế: 3500 m3/ ngày) và 1 số phường ở Hạ Long (trạm xử lý nước thải Hà Khánh công suất thiết kế: 7500 m3/ ngày, trạm xử lý nước thải Vựng Đâng công suất thiết kế xử lý 2.000 m3/ngày.đêm, trạm xử lý nước thải khu đô thị Cột 5 – Cột 8).
Theo số liệu thống kê năm 2013 dân số tỉnh Quảng Ninh là 1.172,5 nghìn người. Nếu trung bình 1 người 1 ngày sử dụng 100 lít nước cho sinh hoạt thì lượng nước thải tương đương là 100 x 1.172,5.000 x 80%=93.800.000 m3
/ngày.
Lượng nước thải sinh hoạt phần lớn được xử lý sơ bộ qua hệ thống bể tự hoại, sau đó thải ra hệ thống thoát nước chung của khu vực (khu đô thị) dẫn đến nguồn tiếp nhận sông, suối, hồ gần nhất hoặc thải trực tiếp ra môi trường (khu vực
nông thôn). Riêng đối với thành phố Hạ Long, nước biển ven bờ (vịnh Hạ Long) trong những năm gần đây là nguồn tiếp nhận nước thải sinh hoạt cũng như công nghiệp của Thành phố đã trở nên ô nhiễm hơn. Đặc trưng của nước thải sinh hoạt sau khi qua bể tự hoại (xử lý với hiệu suất 60-75%) vẫn còn chứa các thành phần các chất gây ô nhiễm với nồng độ cao như: BOD: 100-200mg/l; COD: 200- 400mg/l; tổng N: 20mg/l; tổng P: 10-15mg/l; Coliforms: 10.000 MNP/100 ml (Nguồn: WHO,1993).
Với tính chất nước thải đã nêu trên vượt ngưỡng cho phép từ 2- 4 lần so với QCVN 14:2008/BTNMT- Nước thải sinh hoạt cột B, khi thải ra nguồn tiếp nhận chắc chắn sẽ gây ra các ảnh hưởng xấu đến chất lượng các nguồn nước xung quanh.