Phương pháp luận

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng môi trường nước mặt và đề xuất các giải pháp quản lý giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ở tỉnh Quảng Ninh (Trang 28)

Đề tài nghiên cứu này được thực hiện theo phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng và tiếp cận hệ thống trong quản lý tài nguyên nước, từ các kết quả số liệu tham khảo để tìm hiểu các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước mặt và các áp lực môi trường mà tỉnh Quảng Ninh đang phải chịu để đánh giá mức độ ô nhiễm chất lượng nước mặt, qua đó xem xét đến thực trạng công tác quản lý môi trường nước cũng như quản lý các nguồn thải để tìm ra giải pháp giảm thiểu phù hợp.

Hệ sinh thái là một hệ thống bao gồm các quần xã sinh vật và con người, có cùng các điều kiện môi trường bao quanh nó với sự tương tác lẫn nhau, liên tục không ngừng mà kết quả của sự tác động đó quyết định đến chiều hướng phát triển của quần xã và sinh cảnh của toàn hệ [12].

Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái đặt con người và việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên là trung tâm của vấn đề của các tác động, từ đó có thể tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa việc bảo vệ và sử dụng tính đa dạng sinh học ở những vùng có nhiều người sử dụng tài nguyên và các giá trị quan trọng của thiên nhiên. Chính vì vậy nó thích hợp với các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các vùng bảo tồn, quy hoạch đô thị và nhiều lĩnh vực khác [13].

Gill Shepherd đã đưa ra 5 bước thực hiện nhằm áp dụng tiếp cận hệ sinh thái vào thực tiễn một cách hiệu quả, bao gồm: (1) Xác định các bên tham gia chính, xác định ranh giới hệ sinh thái và xây dựng mối liên hệ giữa chúng; (2) Mô tả đặc trưng cấu trúc, chức năng của hệ sinh thái và xây dựng cơ chế quản lý, quan trắc hệ sinh thái; (3) Xác định những vấn đề kinh tế quan trọng ảnh hưởng đến hệ sinh thái và các thành phần của nó; (4) Chỉ ra những ảnh hưởng có thể có của hệ sinh thái mục tiêu đối với các hệ sinh thái lân cận; và (5) Đưa ra các mục tiêu dài hạn và những cách thực hiện mềm dẻo nhằm đạt được các mục tiêu đó.[6]

Dựa vào cộng đồng là nguyên tắc mà người sử dụng tài nguyên cũng đồng thời là người quản lý tài nguyên đó. Điều này giúp phân biệt nó với các chiến lược quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác có tính tập trung cao hoặc không có sự tham gia của cộng đồng, phụ thuộc trực tiếp vào nguồn tài nguyên. Quản lý thiên nhiên dựa vào cộng đồng là chiến lược toàn diện nhằm xác định những vấn đề mang tính nhiều mặt ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường thông qua sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng cũng là một quá trình mà qua đó những cộng đồng địa phương được tăng quyền lực về chính trị và kinh tế để họ có thể dành quyền kiểm soát hợp lý và tiếp cận một cách hợp pháp đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phương pháp này hiện nay được áp dụng khá rộng rãi nhằm

quản lý tài nguyên một cách mềm dẻo và cân bằng mối quan hệ của người dân với quản lý tài nguyên. [11]

Một phần của tài liệu Đánh giá chất lượng môi trường nước mặt và đề xuất các giải pháp quản lý giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước ở tỉnh Quảng Ninh (Trang 28)