Trẻ mồ côi, lang thang

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Sa Mạc của J.M.G. Le CLézio (Trang 75)

6. Đóng góp mới của đề tài

3.2.2.Trẻ mồ côi, lang thang

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là đề tài được rất nhiều nhà văn trên thế giới quan tâm. Thế giới trẻ thơ hiện lên trong tác phẩm của mỗi nhà văn khác nhau song nhìn chung có một sự giống nhau dường như “vô tình”, đó là sự thể hiện tình cảm chân thành, tình yêu thương vô bờ mà các nhà văn giành cho thế hệ trẻ. Dù ở khía cạnh nào của đời sống xã hội, dù sống ở tầng lớp nào các em mãi là những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu, đáng được giành những tình cảm chân thành nhất.

Với J.M.G Le Clézio chúng ta thấy hầu như tác phẩm nào của ông cũng có bóng dáng các nhân vật là trẻ em hay những thiếu niên. Tiêu biểu như các tập

truyện ngắn: Mondo và những truyện khác, Người chưa bao giờ thấy biển,

Vòng xoáy; các tiểu thuyết: Con cá vàng, Người tìm vàng, Sa mạc… Đặc biệt đối tượng trẻ em mà Le Clézio hướng tới là những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi, sống lang thang giữa thành phố hiện đại và các em đều có một

thế giới nội tâm phong phú. Đọc Sa mạc chúng ta không khỏi cảm thấy đau

xót cho số phận những đứa trẻ sớm phải tự kiếm sống, các em bị ông bà chủ bóc lột sức lao động và đánh đập một cách dã man; bị lợi dụng, xô đẩy và trở thành những kẻ ăn cắp, bụi đời, cuối cùng chết một cách thương tâm. Ngoài những đứa trẻ sống lang thang, bụi đời qua lời kể của Radicz, nhân vật tiêu biểu được kể cụ thể về hoàn cảnh xuất thân, cuộc sống và đặc biệt là thế giới nội tâm trong tác phẩm là Lalla, Hartani và Radicz.

Lalla là cô bé mồ côi cha mẹ, được người cô ruột đem về nuôi tại cư xá nghèo vì vậy cô không phải lang thang bụi đời từ tấm bé nhưng từ khi rời khỏi cư xá, rời xa gia đình Aamma đến nhập cư tại Marseille – Pháp cô trở thành một kẻ lang thang sống “bên lề’’ xã hội. Thậm chí ngay cả khi cô đã nổi tiếng và trở nên giàu có, cô vẫn bị xếp “ngoài lề” của xã hội tiêu thụ vì cô thờ ơ với tất cả những cái mà xã hội tiêu thụ coi là có giá trị nhất đó là tiền bạc và

danh tiếng. Lalla là nhân vật có thể xếp vào các nhóm khác nhau như xếp vào nhóm những người nhập cư, nhóm trẻ mồ côi, lang thang hay nhóm nhân vật “tìm đường”... vì nhân vật này có đặc điểm của tất cả các nhóm trên. Ở đây chúng tôi xếp Lalla vào nhóm nhân vật “tìm đường” vì vậy hình tượng nhân

vật này sẽ được chúng tôi khai thác cụ thể ở mục 3.1.

Nhân vật thứ hai mà chúng tôi muốn nhắc tới là cậu bé câm Hartani – cậu bé mồ côi sống giữa sa mạc bao la. Cậu bị bỏ rơi, được người ta nhận về nuôi và trở thành cậu bé chăn cừu, ngay cả bản thân Hartani cũng không biết cha mẹ mình là ai, từ đâu tới. Hartani sống lang thang cùng với các loài vật trên sa mạc vì vậy cậu không chỉ thân thuộc thế giới sa mạc mà còn am hiểu các loài vật sống trên sa mạc đến mức cậu có thể điều khiển chim muông và các con vật như “một phù thuỷ”. Sự cô độc của cậu được miêu tả thông qua việc cậu không tiếp xúc với ai ngoại trừ Lalla (thực tế cậu bị mọi người xa lánh, chỉ có Lalla không như vậy). Tai Hartani rất thính có thể nghe và hiểu được tất cả thế giới động, thực vật nên cậu thực sự không phải bị câm điếc mà vì cậu không hiểu ngôn ngữ của con người. Có lẽ bởi cậu không được tiếp xúc với con người (do mọi người xa lánh) nên tiếng nói cũng như cuộc sống của con người trở nên xa lạ với cậu. Mù chữ lại câm điếc, Hartani giao tiếp thậm chí là kể chuyện với Lalla bằng ánh mắt, đôi bàn tay và cả sự im lặng đó chính là thứ ngôn ngữ đặc biệt của họ.

Nỗi bật nhất trong kiểu nhân vật những đứa trẻ mồ côi, lang thang sống “ngoài lề xã hội” là Radicz – một tên ăn mày và trộm cắp. Radicz hiện ra trong tác phẩm là một đứa trẻ “thân hình ốm yếu, mái tóc đen và dài che phủ khuôn mặt hình tam giác của nó với đôi má hóp, đôi mắt sâu” [16, tr.389]. Dưới hình thức tự thuật, người kể chuyện đồng nhất với nhân vật kể về chính cuộc đời mình: “Trước kia mình không ở với ông chủ, bồ biết đó. Mình ở với cha mẹ trong một chiếc xe đi từ phiên chợ này tới phiên chợ khác. Gia đình

mình có một gian hàng bán bia, không phải với những khẩu các bin mà với những trái cầu và vỏ đồ hộp. Và rồi cha mình chết, và vì gia đình đông anh em và không đủ tiền, mẹ mình đã bán mình cho ông chủ và mình tới đây, Marseille” [16, tr. 398]. Radicz trở thành kẻ ăn mày và là kẻ cắp chuyên nghiệp như nhiều “đồng nghiệp” cùng ở với ông chủ. Tuy nhiên Radicz không giống những đứa trẻ khác, cậu không muốn tỏ ra “láu cá” với kiểu có “đàn bà” cho riêng mình hay phải hút thuốc lá để tỏ ra là “người lớn”, cậu có vẻ chín chắn và với những suy nghĩ, những mơ ước giản đơn về cuộc sống. Tâm hồn nhạy cảm của cậu được thể hiện ngầm ẩn trong những cái nhìn sâu thẳm, trong nỗi buồn và sở thích của cậu. Cậu thích được ngắm biển lúc hoàng hôn, thích tận hưởng không gian thành phố lúc sáng tinh mơ, khi không khí còn trong trẻo và đặc biệt cậu “thích quẹt những que diêm và nhìn chúng cháy…”. Đây là hình ảnh ẩn dụ gợi độc giả nhiều cảm xúc nhất. Nó gợi đến hình ảnh quẹt diêm đêm giao thừa của cô bé bán diêm trong truyện cổ cùng tên của nhà văn Anđecxen, phải chăng ẩn sau những ngọn lửa màu cam lộng lẫy nhảy múa mỗi khi que diêm cháy là những gì mà cậu bé mơ ước: được hưởng thụ một cuộc sống yên bình, sung túc bên những người thân yêu và sưởi ấm tâm hồn cô đơn lạnh giá. Quẹt cháy que diêm và nhìn những ngọn lửa nhảy múa là khát vọng thắp sáng ước mơ của đứa trẻ lang thang côi cút.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả giành riêng một phần với gần mười ba trang giấy để miêu tả toàn bộ khung cảnh và diễn biến vụ ăn cắp đồ trong xe ô tô và cái chết thương tâm của Radicz. Tình trạng sống lang thang bằng nghề xin ăn và trộm cắp, móc túi đã đã khiến cho Radicz luôn luôn thấy sợ hãi, luôn luôn cảm thấy cái chết đang rình rập giăng bẫy ở khắp nơi. Cậu cảm thấy một điều gì đó khác thường và nó làm cậu sợ hãi: “bấy giờ Radicz lại mơ hồ cảm thấy sự đe dọa đang đè nặng lên tất cả mọi thứ ở nơi này, trong bãi đậu xe của những toà nhà, sự nguy hiểm đang lãng vãng đâu đây…” [16, tr.322].

Quả đúng như linh cảm của Radicz, thành phố không hề trong lành đáng yêu chút nào, đó chỉ là sự yên lặng đáng sợ để che đậy cái bẫy giết người đang giăng ra mà thôi. “Radicz từng thấy khá rõ các khuôn mặt của đám cảnh sát, các bộ đồng phục đen của họ. Cùng lúc nó cảm thấy cái nhìn hắc ám, đầy chết chóc đang quan sát nó từ một bao lớn của tòa nhà nơi có tấm mành mành vừa được kéo lên thật nhanh [16, tr. 462]. Bị hoàn cảnh xã hội xô đẩy phải sống cuộc sống lang thang, trộm cắp là điều mà những đứa trẻ như Radicz không hề mong muốn. Chúng khát khao thoát khỏi cuộc sống hiện tại – cuộc sống của những kẻ luôn bị xua đuổi và là đối tượng người ta luôn tìm cách loại bỏ, khát khao được hưởng cuộc sống yên bình bên gia đình thực sự. Có lẽ đây là ý nghĩa sâu xa nhất mà nhà văn muốn đưa ra khi miêu tả những sở thích tưởng như giản đơn của Radicz. Hơn hết mọi câu chuyện về những đứa trẻ lang thang sống ngoài lề xã hội độc giả sẽ không khỏi bị ám ảnh bởi câu chuyện kể về cuộc rượt đuổi dẫn đến cái chết thương tâm của Radicz - một tên ăn cắp. Người kể chuyện lúc này như hoà vào cùng nhân vật để cùng hồi hộp, cùng bấn loạn và cùng chạy trốn rồi anh ta lại thoát ra khỏi nhân vật như một kẻ chỉ dẫn, một người cổ động, khích lệ nhân vật: “Hãy còn mấy cái nhảy nữa, hãy còn, hỡi đôi chân, hãy còn mấy nhịp đập nữa, hỡi trái tim, hãy còn, bởi biển không còn xa lắm đâu, biển và trời lẫn lộn vào nhau, nơi không còn nữa nhà cửa, người ngợm, xe cộ” [16, tr. 464]. Chỉ một chút thôi, vài bước nhảy, vài nhịp đập của con tim thì cậu bé khốn khổ có thể thoát khỏi sự rượt đuổi, thoát khỏi những nhà cửa, người ngợm, xe cộ khủng khiếp để đến nơi “biển trời trộn lẫn vào nhau”. Nhưng điều đó là không thể bởi tất cả chỉ là ảo giác, Radicz chỉ có thể thoát khỏi tất cả khi đôi chân cậu không thể nhảy nữa, tim cậu không còn đập nữa. Cái chết thương tâm của Radicz không chỉ gợi cho độc giả cảm xúc đau buồn mà nó sẽ luôn ám ảnh trong tâm trí họ, cảnh tỉnh họ về thực trạng xã hội hiện đại - xã hội đã xô đẩy và huỷ hoại cuộc đời

của những đứa trẻ ngây thơ. Thông qua cuộc đời, số phận Radicz nhà văn muốn gửi tới độc giả thông điệp đầy tính nhân văn cao cả đó là hãy giành sự quan tâm và tình yêu thương cho những đứa trẻ phải sống lang thang “ngoài lề” xã hội đừng để chúng phải chịu những kết cục bi thương như Radicz.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Sa Mạc của J.M.G. Le CLézio (Trang 75)