Giọng điệu trữ tình đậm chất thơ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Sa Mạc của J.M.G. Le CLézio (Trang 46)

6. Đóng góp mới của đề tài

2.1.2.Giọng điệu trữ tình đậm chất thơ

Giọng điệu của người kể chuyện trong Sa mạc rất đa dạng với nhiều sắc

thái biểu cảm khác nhau, song nhìn chung giọng điệu trữ tình đậm chất thơ vẫn là giọng điệu nổi bật hơn cả. Bởi đây là giọng điệu thấm đẫm trong từng câu chuyện, từng trang viết của tác phẩm dù cho đó là câu chuyện kể về nỗi khốn khổ của đoàn người hành hương trên sa mạc khắc nghiệt hay câu chuyện về tình yêu thiên nhiên, tình người, tình cảm lứa đôi… giọng điệu trữ tình vẫn bao trùm lên tất cả tạo nên một khúc ca bi tráng.

Về hình thức, tác phẩm được trình bày như một bài thơ với việc để trống rất nhiều lề đặc biệt là là những đoạn văn, câu văn ngắn, nhịp điệu chậm rãi cùng với việc lặp lại các từ, trạng từ, các hình ảnh ở đầu mỗi đoạn văn tạo cho người ta cảm giác như đó là sự ngắt quãng, xuống dòng của một câu thơ, một đoạn thơ: “Họ xuất hiện như trong một giấc mơ, trên đỉnh cồn cát, nửa mờ nửa tỏ trong đám bụi mịt mù của cát do bàn chân họ sục lên” [16, tr.7]; “Họ

xuất hiện như trong một giấc mơ, trên đỉnh cồn cát, …[16, tr. 9]; “ Họ bước đi như trong một giấc mơ, họ biến mất” [16, tr. 425]; ….Với việc lặp lại các từ, các hình ảnh như: “Họ xuất hiện”, “Họ bước đi chầm chậm”, “Đã bao nhiêu ngày”, “Đã bao nhiêu giờ”, “Giờ đây” …ở đầu các câu văn, đoạn văn tạo cho người đọc cảm tưởng đó là sự gieo vần kết nối câu thơ, đoạn thơ. Hơn thế với nhịp điệu chậm đều, ngắt nhịp câu văn ngắn người đọc có cảm tưởng đang đọc những câu thơ giàu cảm xúc: “Đã bao nhiêu ngày khô héo và nghiệt ngã như đá lửa, đã bao nhiêu giờ mà họ nóng lòng chờ đợi để trông thấy điều đó. Biết bao khốn khổ trong thân thể bầm dập của họ, trong đôi môi chảy máu của họ, trong cái nhìn cháy xém của họ” [16, tr.18].

Cung bậc trữ tình thiết tha sâu lắng nhất trong giọng điệu của người kể chuyện được thể hiện rõ nét nhất trong những trang văn miêu tả tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người và tình cảm lứa đôi của nhân vật. Nhìn chung giọng điệu trữ tình được sử dụng nhiều nhất ở phần có tiêu đề Hạnh phúc với độ dài

gần 150 trang giấy A5 (chiếm gần 1/3 dung lượng tác phẩm). Nó thể hiện rõ

những phần mô tả tình cảm của Lalla với thiên nhiên, với chú bé chăn cừu Hartani đặc biệt là trong những câu chuyện cổ tích, câu chuyện huyền thoại của Naman và Aamma.

Hầu như trong các câu chuyện kể của mình, người kể chuyện lộ diện (cụ thể là các nhân vật Naman và Aamma) đều sử dụng giọng điệu trữ tình đậm chất thơ vì nó không chỉ thể hiện sự ngưỡng mộ và nó còn thể hiện ước mơ về cuộc sống có những phép nhiệm màu và những điều kì diệu lung linh. Ví như trong câu chuyện cổ tích kể về sự tích chú chim sơn ca giải cứu nàng công chúa xinh đẹp bằng giọng hót mê hồn của mình, Naman đã sử dụng rất nhiều giọng điệu khác nhau những giọng điệu chính của câu chuyện vẫn là giọng điệu trữ tình đậm chất thơ. Như đang thủ thỉ tâm sự, người kể chuyện dẫn dắt người nghe lạc vào thế giới huyền diệu, nơi điệu nhạc mê hồn làm mê mẫn tất

cả vạn vật, biến cái sợ hãi thành say mê, biến sự hung dữ trở nên huyền diệu, đáng yêu: “trong khu rừng giữa bầy thú dữ, nàng công chúa xinh đẹp vừa bước đi với say sưa với điệu nhạc quyến rũ còn các loài dã thú thì như bị thôi miên, chúng nằm dọc theo lối đi liếm hai bàn tay của nàng công chúa, không gây cho nàng chút đau đớn nào” [16, tr 174]. Giọng điệu trữ tình đậm chất thơ cũng là giọng điệu được Aamma sử dụng chủ yếu trong những câu chuyện kể về người Đàn Ông Xanh đặc biệt là kể về Lalla Hawa. Từ sự ngưỡng ngộ, thương yêu và cảm thông, Aamma vừa kể về Lalla Hawa vừa hát theo những lời bà ta hát bằng giọng hát mượt mà, truyền cảm. Điều đó làm cho câu chuyện trở thành khúc ca ngọt ngào, gợi cho độc giả nhiều xúc cảm mới mẻ.

Để diễn tả sự đam mê đối với cỏ cây, hoa lá, những loài côn trùng cũng như gió, cát và thiên nhiên sa mạc của Lalla, người kể chuyện dường như không chỉ kể bằng giọng diệu trữ tình mà anh ta còn kể bằng cả niềm đắm say của mình. Vì vậy đọc những câu văn dạt dào cảm xúc ấy độc giả cũng như được hoà mình với Lalla, mở rộng tất cả các giác quan của mình để cùng đắm say với vạn vật đặc biệt là thiên nhiên: “Cô uống thứ ánh sáng nhợt nhạt đến từ đám sao và bất chợt cô thấy nó gần quá, như trong bài hát mà Lalla Hawa đã hát, đến đỗi cô chỉ cần đưa bàn tay ra để hái một nắm ánh sáng lộng lẫy đang lấp lánh kia. (…) Cái đói, cái khát, cái lo lắng cũng được xoa dịu bởi ánh sáng của thiên hà và trên làn da của cô có dấu vết của sao trời trông như những giọt nước [16, tr. 230].

Đặc biệt là giọng điệu kể về những cảm xúc khi Lalla ở bên Hartani, đây thực sự là quãng thời gian Lalla cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Để làm nổi bật điều đó, tác giả đã ưu ái giành những trang văn viết về những cuộc gặp gỡ, đùa vui của hai đứa trẻ mồ côi, hai tâm hồn cô đơn bằng giọng điệu trữ tình, lãng mạn: “Bởi Lalla là người độc nhất mà chú (Hartani) hiểu được và cô cũng là người độc nhất hiểu được chú” nên khi họ ở bên nhau không cần có

ngôn ngữ , chỉ cần hành những hành động, cử chỉ là họ đã hiểu rõ về nhau. Họ cùng nhau khám phá thiên nhiên. Họ vui đùa cùng nhau bằng cách luân phiên nhau thổi vào các ống sậy dài, ngắn khác nhau. Điệu nhạc buồn buồn như thoát ra từ cảnh vật chan hoà ánh sáng, từ những cái lỗ của những cái hang dưới đất, từ cả bầu trời hiu hiu gió. Rồi họ nắm tay nhau khám phá thiên nhiên trên sa mạc. Hartani đã nắm bàn tay của Lalla, dìu cô đi dọc theo lối hẹp, bước xuống về phía bên trong trái đất…người con trai chăn cừu siết chặt bàn tay cô, giúp cô thêm can đảm.

Bất chợt họ dừng lại: Lối đi hẹp chan hoà ánh sáng, mở ra ngay bầu trời. Lalla không hiểu tại sao lại có thể như vậy: Kia là bầu trời, trước mặt họ, bao la, dịu nhẹ. Cô vẫn lặng im, hơi thở cô nghẹn lại, đôi mắt cô mở trừng, Nơi đây chỉ có bầu trời, nó sáng đến nỗi người ta tưởng mình là một cánh chim bay” [16, tr.146]

Với việc mở ra một khung cảnh vô cùng lãng mạn giữa không gian bao la, hai bạn trẻ cùng nắm tay nhau khám phá thế giới. Họ tưởng như mình đang

bay lượn giống những chú chim. Chính giọng điệu của nhà vănlàm cho độc

giả tưởng như đó là hiện thực và chính họ đang cảm nhận được tất cả cảnh tượng: “Từ từ họ vạch ra những vòng tròn to trên mặt đất, xa đến không còn nghe ra một tiếng động nào, chỉ có tiếng sột soạt êm như ru của gió trong những lông cánh, cao đến tưởng chừng không còn trông thấy những tảng đá, những bụi gai, những ngôi nhà bằng ván và giấy quét hắc ín. Tiếp đó khi đã cùng bay với nhau thật lâu và khi đã say khướt với gió với ánh sáng và với màu xanh của bầu trời, họ trở về phía miệng hang ở trên vách đá đỏ, họ đáp xuống nhẹ nhàng, không xô lăn một hòn đá, không lay động một hạt cát” [16, tr.148]. Với việc mở rộng các giác quan để cảm nhận thế giới sống động, bút pháp của Le Clézio dựa trên những biểu hiện giàu cảm xúc của nhân vật, tạo nên một loại trữ tình mới mẻ. Con người giao hoà với thiên nhiên và tìm thấy

niềm hạnh phúc thanh thoát, nhẹ nhõm, những cảm xúc tinh thần gắn liền sâu sắc với thế giới thiên nhiên bao quanh con người. Điều đó cùng làm tăng thêm cảm xúc cho những trang văn miêu tả tình cảm của đôi bạn trẻ khi họ ở bên nhau trải qua những phút giây yêu đương, ân ái dưới bầu trời sao lấp lánh, hào tan vào đất trời, vũ trụ bao la: “Ánh sáng những vì sao dịu dàng rơi xuống như một cơn mưa. Nó không gây tiếng động, không làm bụi bay lên, không làm lay động bất luận một cơn gió nào. Giờ đây nó soi sáng cả đồng đá và gần bên miệng giếng, cái cây bị cháy xém trở nên nhẹ nhàng và yếu đuối như một làn khói. Mặt đất không còn bằng phẳng lắm. Nó trải dài ra như mũi trước con thuyền, và dịu dàng tiến tới trước, vừa lướt đi vừa lảo đảo và tròng trành, từ từ tới giữa những vì sao lộng lẫy, trong lúc hai đứa trẻ đang ghì chặt vào nhau, thân thể nhẹ tênh, đang thực hiện những cử chỉ yêu đương”[16, tr. 263]. Có thể nói những trang văn miêu tả tình yêu thiên nhiên đậm chất trữ tình xuất hiện dày đặc trong phần có tựa đề là Hạnh phúc (phần nói về tình yêu thiên nhiên và tình cảm đôi lứa của cô gái Lalla). Với ngôn ngữ giàu hình ảnh và tính biểu cảm cao Le Clézio đã tạo nên những trang văn dạt dào cảm xúc, những trang văn đem đến sự rung động chân thành cho người đọc từ chính lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời của tác giả. Từ đó người đọc cảm nhận được quan niệm của tác giả: tình yêu cái đẹp vẫn còn tồn tại trong cuộc sống hiện đại tràn đầy những khó khăn và bất ổn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong Sa Mạc của J.M.G. Le CLézio (Trang 46)