Quyền của người lập di chúc

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ (Trang 48)

- Đối với di chúc miệng

2.3. Quyền của người lập di chúc

Theo quy định tại các Điều 648, 662 BLDS, người lập di chúc có các quyền sau đây.

2.3.1. Chỉ định người thừa kế

Người lập di chúc có quyền chỉ định bất kỳ ai là người thừa kế của mình, người đó có thể là những người ngoài các quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, huyết thống, thậm chí có quyền chỉ định một cơ quan, tổ chức, nhà nước là người thừa kế di sản của mình.

2.3.2. Truất quyền hưởng di sản

Thông qua quyền này, người lập di chúc có thể phế truất quyền hưởng di sản của một người thừa kế theo pháp luật nào đó. Người đã bị truất quyền hưởng di sản sẽ không được thừa kế dù họ có đầy đủ các điều kiện để hưởng di sản theo pháp luật.

2.3.3. Phân định tài sản cho từng người thừa kế

Về nguyên lý, khi người để lại di sản lập di chúc và trong đó đã xác định những người thừa kế thì đã bao hàm cả việc phân định di sản. Tuy nhiên, người lập di chúc còn có quyền phân định một cách cụ thể cho người thừa kế nào hưởng phần di sản là bao nhiêu hoặc di sản là hiện vật gì.

2.3.4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế

Theo quy định của pháp luật thì người hưởng di sản thừa kế đồng thời là người phải thực hiện những nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại. Tuy nhiên, người lập di chúc có quyền chỉ định ai trong số những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ, phần nghĩa vụ mà người đó phải thực hiện là bao nhiêu. Vì vậy, nếu người để lại thừa kế đã xác định rõ tỷ lệ nghĩa vụ mà từng người thừa kế phải thực hiện thì mỗi người phải thực hiện phần nghĩa vụ đó trong phạm vi di sản mà mình được hưởng. Nếu người lập di chúc đã giao nghĩa vụ cụ thể cho người thừa kế thì chỉ người được giao nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2.3.5. Dành một phần di sản để di tặng, thờ cúng

Di tặng là việc người lập di chúc để lại di sản dành một phần tài sản trong khối di sản để tặng cho người khác sau khi người để lại di sản chết.

Người được nhận di sản theo di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Trừ "trường hợp toàn bộ di sản không đủ thanh toán nghĩa vụ tài sản của người di tặng" (Xem Điều 671 BLDS).

Con người Việt Nam từ xa đến nay vốn coi việc thờ phụng tổ tiên là bổn phận hết sức thiêng liêng và hệ trọng. Tôn trọng và ghi nhận truyền thống này của dân tộc, BLDS quy định cho người để lại di sản có quyền trích một phần di sản để dùng vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, nhằm bảo vệ quyền thu hồi nợ của người khác, người lập di chúc không được để di sản dùng vào việc thờ cúng nếu toàn bộ di sản của họ không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản mà họ để lại.

2.3.6. Quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc

Để đảm bảo quyền tự định đoạt của người lập di chúc, pháp luật nước ta cho phép người đó có quyền sửa đổi, bổ sung và hủy bỏ di chúc đã lập.

Sửa đổi di chúc là việc người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện của mình phủ nhận (làm thay đổi) một phần di chúc đã lập. Vì vậy, những phần di chúc không bị sửa đổi vẫn có hiệu lực pháp luật, phần di chúc đã bị sửa đổi không còn hiệu lực mà thay vào đó, pháp luật sẽ căn cứ vào ý chí thể hiện trong sự sửa đổi sau cùng.

Bổ sung di chúc là việc người lập di chúc quy định thêm một số vấn đề mà trong di chúc đã lập chưa nói đến, nhằm làm cho di chúc cụ thể, chi tiết và rõ ràng hơn. Vì vậy khi người lập di chúc bổ sung di chúc thì cả di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực như nhau.

Nếu di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

Hủy bỏ di chúc là việc người đã lập di chúc lại bằng ý chí tự nguyện của mình để truất bãi di chúc đã lập. Việc hủy bỏ di chúc có thể được thực hiện thông qua nhiều hành vi khác nhau như xé, đốt ....

2.3.7. Quyền thay thế di chúc

tuy đã lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác nhưng sau đó nếu họ thấy việc định đoạt của mình chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp thì có quyền lập một di chúc khác để thay thế di chúc đã lập.

Tại khoản 3 Điều 662 BLDS đã quy định: "Trong trường hợp người lập di chúc đã thay thế di chúc bằng một di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ. Như vậy, khi người lập di chúc đã thay thế di chúc thì những di chúc đã lập trước hoàn toàn không còn hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng chỉ khi nào người lập di chúc bằng ý chí tự nguyện sau của mình để phủ nhận một ý nguyện trước đó về việc định đoạt di sản thừa kế thì mới được coi là thay thế di chúc.

2.3.8. Quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản

Để bảo đảm ý nguyện của mình không bị người khác xâm phạm, tránh việc di chúc bị hư hỏng, thất lạc, cũng như để di sản không bị mất mát hư hỏng và được phân chia cho những người thừa kế đúng với sự định đoạt của mình trong di chúc thì người lập di chúc có quyền xác định rõ trong di chúc của mình về người giữ di chúc, người quản lý di sản và người phân chia di sản.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(75 trang)
w