IV. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG 1 Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
3. Năng lực và nguyên tắc bồi thường thiệt hạ
3.1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Người gây ra thiệt hại có thể là bất cứ chủ thể nào: Cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước... Nhưng việc bồi thường thiệt hại phải do người có “khả năng” bồi thường và chính họ phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không do chính họ thực hiện. BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 606 BLDS) mà không quy định về năng lực bồi thường của các chủ thể khác. Bởi vậy, các chủ thể khác luôn luôn có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ dân sự, BLDS quy định năng lực chịu trách nhiệm của cá nhân phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân.
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi đầy đủ phải tự bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Điều này xuất phát từ “khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác
lập, thực hiện quyền và thực hiện nghĩa vụ dân sự” (Điều 17 BLDS) họ phải chịu trách
nhiệm do hành vi bất hợp pháp của họ bằng tài sản của chính họ. Tuy nhiên, trong điều kiện này, nhiều người tuy có đầy đủ năng lực hành vi nhưng khả năng về tài sản của họ trên thực tế không có (ví dụ: Người đủ 18 tuổi không có bất cứ khoản thu nhập nào, họ không có tài sản riêng để bồi thường). Vì vậy, khi quyết định bồi thường đối với những người này có thể động viên cha mẹ bồi thường thay cho con em họ, nếu cha mẹ tự nguyện bồi thường, thì ghi nhận sự tự nguyện đó mà không buộc cha mẹ phải bồi thường thay cho con em họ.
Người dưới 18 tuổi là những người không có hoặc không đầy đủ năng lực hành vi. Vì vậy, cha mẹ là người phải bồi thường thiệt hại do con em họ gây ra. Tuy nhiên, cách thức dùng tài sản để bồi thường được quy định đối với những người vị thành niên khác nhau. Đối với người dưới 15 tuổi, thì cha mẹ phải dùng tài sản của mình để bồi thường; nếu tài sản của cha mẹ không đủ mà con có tài sản riêng, thì lấy tài sản của con để bồi thường. Đối với những người từ 15 đến dưới 18 tuổi, thì áp dụng ngược lại, lấy tài sản của con để bồi thường, cha mẹ chịu trách nhiệm bổ sung phần còn thiếu.
Những người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện quản lý, thì trường học, bệnh viện phải bồi thường. Nếu các tổ chức nêu trên chứng minh được họ không có lỗi trong quản lý, thì cha mẹ, người giám hộ phải bồi thường. “Thời gian quản lý” được hiểu là thời hạn trong đó các tổ chức theo quy định về nghề nghiệp có nghĩa vụ giáo dục, chữa bệnh mà họ đã không thực hiện chức năng của họ, do lỗi của họ quản lý không tốt, để người không có năng lực hành vi, người dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại cho những người khác (như tổ chức lao động cho các học sinh không tốt, đi tham quan, dã ngoại do trường tổ chức, không có các biện pháp an
toàn, bảo hộ, việc nhân viên bệnh viện không có biện pháp quản lí các bệnh nhân bị bệnh tâm thần...).
Người giám hộ đương nhiên, người giám hộ được cử đối với những người phải có giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLDS được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Người giám hộ có nghĩa vụ bổ sung. Tuy nhiên, nếu người giám hộ chứng minh được rằng họ không có lỗi trong việc giám hộ thì họ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Trong trường hợp này sẽ không có người bồi thường thiệt hại bởi những người được giám hộ không có khả năng về năng lực hành vi dân sự để bồi thường, nếu họ có tài sản, có thể dùng tài sản của họ để bồi thường.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLDS người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không còn cha mẹ, cha mẹ mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không buộc phải có người giám hộ. Nếu người này có hành vi gây thiệt hại có thể lấy tài sản của họ để bồi thường. Nếu họ không có tài sản, thì sẽ không phải bồi thường thiệt hại.
3.2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Xuất phát từ đặc điểm các quan hệ tài sản mà Luật dân sự điều chỉnh cũng như địa vị pháp lí các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự, những điều kiện khách quan cũng như chủ quan của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại, tính khả thi của quyết định bồi thường... BLDS đã quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 605 BLDS. Nguyên tắc chung là thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời. Bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra là nguyên tắc công bằng, hợp lý phù hợp với mục đích cũng như chức năng phục hồi của chế định pháp luật này. Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại, tạo điều kiện cho họ sớm khắc phục tình trạng tài sản khi bị thiệt hại. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của cá nhân bị xâm hại. Việc quyết định bồi thường kịp thời có ý nghĩa to lớn đối với nạn nhân trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại, bởi các chi phí cho việc cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện này nhiều khi vượt quá khả năng của nạn nhân. Cho nên việc quy định về thủ tục tố tụng để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này là rất cần thiết trong Bộ luật tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của bản án, quyết định của Tòa án, phù hợp với những điều kiện thực tế của các đương sự tham gia quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khoản 2 Điều 605 BLDS quy định có thể “giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài” của người gây
thiệt hại.
Quy định này chỉ định hình mà không quy định về định tính việc giảm mức bồi thường bao nhiêu? Việc giải quyết mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại (vô ý nặng, nhẹ). Tòa án phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm mức bồi thường.
Tương tự như trên, thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại là cơ sở để giảm mức bồi thường. Khái niệm “quá lớn” không thể quy định cụ thể bởi cùng thiệt hại với đại lượng không đổi, đối với cá nhân này là rất
lớn nhưng với người khác lại không coi là lớn. Mặt khác, cũng cần phân biệt việc giảm mức bồi thường với việc tạm hoãn thi hành án, vì trong khi thi hành án người không có khả năng kinh tế trước mắt có thể được tạm hoãn thi hành án.
Mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại đã thỏa thuận hoặc quyết định có thể bị thay đổi, nếu mức bồi thường “không còn phù hợp với thực tế”. Việc xem xét các điều kiện thực tế và xác định sự phù hợp căn cứ vào yêu cầu của các bên, vào thực tế cần phải sự thay đổi mức bồi thường (người được bồi thường tăng thu nhập, người phải nuôi dưỡng phải chi phí thêm để chữa bệnh...). Việc xem xét này do Tòa án xác định căn cứ vào thực tế của các bên tham gia vào quan hệ đó theo yêu cầu của họ. Vì vậy, mức bồi thường có thể tăng nhưng cũng có thể bị giảm.