6. Các loài thuộc chiSolanum L có ở Việt Nam
6.17. Solanum violaceum Ortega – Cà dại hoa tím
Tên đồng nghĩa: S. indicum auct. non L.
Tên khác: Cà ấn, Cà dại hoa xanh.
Đặc điểm thực vật: Cỏ cao đến 60-100 cm; thân có lông hình sao và gai cứng. Lá hình trứng, cỡ 5-13 x 2,5-8,5 cm, chóp tù hoặc nhọn, gốc tim hoặc cụt, mép 5-7 thuỳ lượn sóng, có lông hình sao trên cả hai mặt, có gai như kim thẳng; cuống lá dài 1,5-4 cm. Cụm hoa dạng chùm mọc ở ngoài nách lá, dài 2-6 cm, có lông tơ và gai; cuống chung dài 1,5 cm; cuống hoa dài 4-15 mm. Đài dài 4-7 mm; thuỳ đài hình mũi mác, không đều, dài 3-5 mm, có lông tơ và gai. Tràng mầu lam-tím, cỡ 1- 1,2 x 1-2 cm; thuỳ tràng hình trứng, cỡ 5-8 x 2-5 mm. Chỉ nhị dài 1 mm; bao phấn dài 5-6 mm. Bầu nhẵn; vòi nhuỵ dài 8-10 mm, có lông hình sao. Quả mọng da cam sáng, hình cầu, đường kính 0,8-1,3 cm; đài quả cong gập góc. Hạt gần như hình đĩa, đường kính 2 mm.
Sinh học và sinh thái: Mùa hoa quả quanh năm. Mọc rải rác trên các bãi hoang,
lùm bụi, ruộng, ven đường, nơi sáng.
Phân bố: Điện Biên, Hà Giang (Đồng Văn), Cao Bằng (Thị xã Cao Bằng), Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Tây, Hà Nội (Phủ Lỗ, Yên Phụ, đường Hoàng Hoa Thám, Vĩnh Tuy), Hoà Bình, Hải Phòng, Hà Nam (Kim Bảng), Nam Định, Ninh Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Lâm Đồng (Đà Lạt, Bảo Lộc). Nam Bộ. Còn có ở ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Malaixia.
Alcaloid: Trong rễ và lá có chứa Solanin, Solanidin (Võ Văn Chi, 1997) [2].
Giá trị sử dụng: Quả ăn được, kích dục; rễ lợi tiểu (Phạm Hoàng Hộ, 1993) [4]. Làm thuốc trị sưng Amydal, đau dạ dày, đau răng, đòn ngã tổn thương; cũng dùng trị hen xuyễn, ho, sinh đẻ khó, sốt, bệnh giun, đau bụng (Võ Văn Chi, 2003) [2]. Hạt rang cháy lấy khói xông và than giã nhỏ xát chữa đau răng, sâu răng (Đỗ Tất Lợi, 2005) [10].