6. Các loài thuộc chiSolanum L có ở Việt Nam
6.16. Solanum torvum Sw Cà nồng
Tên khác: Cà dại hoa trắng, Cà hoang gai, Cà dữ.
Đặc điểm thực vật: Cây bụi, cao 1-3 m. Thân có gai vàng nhạt hoặc hơi đỏ chắc, cong, cỡ 2,5-7 x 2-8 mm và thỉnh thoảng có lông hình sao ở gốc. Lá hình trứng hoặc hình bầu dục, cỡ 8-25 x 6-18 cm, chóp nhọn, gốc tim hoặc nêm, mép lượng
sóng hoặc có 5-7 thuỳ, có lông hình sao; cuống lá dài 2-10 cm. Cụm hoa dạng chùm phân nhánh mọc ở ngoài nách lá, với nhiều hoa; cuống chung phần lớn 1 hoăch 2 nhánh, dài 1-3 cm, có lông hình sao; cuống hoa mảnh, dài 5-8 mm, có lông tuyến và lông hình sao. Đài hình chén, dài 4-5 mm, có lông tơ; thuỳ đài hình trứng- mũi mác, dài 2-3 mm. Tràng mầu trắng, dài 10-13 mm, có lông hình sao ở mặt ngoài; thuỳ tràng hình trứng hẹp, dài 8-10 mm. Chỉ nhị dài 1-1,5 mm; bao phấn dài 4-7 mm. Bầu có lông tuyến ở chóp; vòi nhuỵ nhẵn, dài 6-8 mm. Quả mọng vàng, nhẵn, đường kính 1-1,5 cm. Hạt hình đĩa, đường kính 1,5-2 mm.
Sinh học và sinh thái: Mùa hoa quả gần như quanh năm. Mọc rải rác ven rừng,
trên các bãi hoang, lùm bụi, ven đường, ở độ cao dưới 1000 m.
Phân bố: Lai Châu (Bình Lư), Điện Biên (Mường Phăng), Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Thuận Châu, Mộc Châu), Tuyên Quang (Na Hang), Cao Bằng, Thái Nguyên (Võ Nhai), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ (Hạ Hoà: Ao Châu; Thanh Sơn: Xuân Sơn), Vĩnh Phúc (Mê Linh, Tam Đảo), Bắc Giang, Hà Tây, Hà Nội (Phủ Lỗ), Hoà Bình (Lương Sơn, Mai Châu, Lạc Thuỷ), Hải Dương, Hải Phòng (Đồ Sơn), Hà Nam (Kim Bảng), Ninh Bình (Cúc Phương), Nghệ An (Pù Mát), Quảng Bình (Phong Nha; Bố Trạch: Ba Rền), Quảng Trị (Bến Hải), Thừa Thiên Huế (A Lưới, Hải Vân, Hương Thuỷ: Hương Phú; Phú Lộc: Rừng Nông), Kon Tum (Ngọc Linh; Đắk Glây, Đắk Tô, Kon Plông) Gia Lai (An Khê), Đắk Lắk (Krông Pắc: Khuê Ngọc Điền), Đắk Nông (Quảng Phú), Lâm Đồng (Bảo Lộc, Đức Trọng), Nam Bộ. Còn phổ biến ở các nước nhiệt đới.
Giá trị sử dụng: Lá làm ngủ, lợi tiểu (Phạm Hoàng Hộ, 1993) [4]. Rễ dùng trị đau vùng thắt lưng, đòn ngã tổn thương, đau dạ dày, đau răng, bế kinh; lá tươi giã đắp đinh nhọt, viêm mủ da (Võ Văn Chi, 1997) [2]. Quả xanh có thể dùng chế bột cary (Phạm Hoàng Hộ, 1993) [4]. Quả có thể được dùng làm rau ăn vì trong 100 g quả phơi khô có chứa 8,3g protein, 1,7 g chất béo, muối khoáng, Ca, Fe, vitamin A (Đỗ Huy Bích, 1995) [1]