Kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả quản lý danh mục đầu tư chứng khoán tại công ty TNHH quản lý quỹ ssiam (Trang 101)

Thực tế cho thấy, hiệu quả quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ không chỉ chịu tác động từ những nhân tố bên trong mà còn chịu ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài, trong đó ảnh hưởng từ phía thị trường và chính sách điều hành của các cơ quan nhà nước liên quan

Sau nhiều năm phát triển, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là đang dần trở lại với giá trị thực. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro cho nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là rủi ro xuất phát từ sự thao túng của các tin đồn hay hiện tượng thiếu minh bạch trong công bố thông tin, hiện tượng làm giá khá phổ biến trên thị trường nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Hiện nay, theo điều 8 của Luật chứng khoán, "Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài Chính có những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong việc quản lý Nhà nước về chứng khoán, thị trường chứng khoán‟‟. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán là một thị trường hoạt động rất nhạy cảm, cần phải có sự điều hành, kiểm tra một cách linh hoạt. Nếu để Uỷ ban chứng khoán trong một bộ thì thẩm quyền và vị thế của Uỷ ban này bị hạn chế.

Ngoài ra, uỷ ban chứng khoán không có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật nên không thể "Phản ứng‟‟ linh hoạt trước những biến động nhanh nhạy trên thị trường. Do vậy, luật chứng khoán nên điều chỉnh theo hướng để Uỷ ban chứng khoán được trao quyền nhiều hơn. Điều này phù hợp với nguyên tắc quản lý thị trường chứng khoán của tổ chức quốc tế các Uỷ ban chứng khoán (IOSCO) : „‟Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cần hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các chức năng và thẩm quyền của mình‟‟.

Bên cạnh đó, khả năng kiểm soát thông tin của các cơ quan quản lý nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán tại Việt Nam

hiện nay còn nhiều hạn chế. Việc công khai hoá thông tin là trách nhiệm của những chủ thể nhất định. Thông tin trung thực, rõ ràng là điều kiện vô cùng quan trọng trong quá trình quản lý danh mục đầu tư của công ty quản lý quỹ vì đây là nguồn dữ liệu đầu vào cho hoạt động phân tích, là cơ sở cho các quyết định về tài chính (đầu tư vào loại chứng khoán nào, trong bao lâu, nên bán loại chứng khoàn nào, khi nào…), từ đó tác động tới kết quả đầu tư, tác động đến giá trị tài khoản ròng, và tới hiệu quả quản lý danh mục đầu tư. Mặt khác, thông tin minh bạch cũng có giá trị tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán, từ đó tác động tới xu hướng vận động của thị trường, tác động tới giá trị và khả năng thanh khoản của các chứng khoán. Tuy nhiên, đây là điều mà hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang còn rất thiếu và rất yếu.

Thực tế cho thấy nếu chỉ dừng lại ở các qui định trong Luật chứng khoán về nghĩa vụ công bố thông tin của các chủ thể thì e rằng khó có thể kiểm xoát được hoạt động này. Hiện nay, các công ty niêm yết khi công bố báo cáo tài chính thường bỏ quan phần ý kiến kiểm toán trong khi đó, đây lại là phần quan trọng nhất trong một báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, các hiện tượng như công ty chứng khoán vi phạm nguyên tắc ưu tiên về thời gian đặt lệnh, ưu tiên đặt lệnh của mình trước rồi mới tới khách hàng cũng gây ảnh hưởng không khớp tới kết quả khớp lệnh, từ đó ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư đã được thông qua của công ty quản lý quỹ trong quá trình quản lý doanh mục đầu tư. Do vậy, các văn bản về luật chứng khoán nên được điều chỉnh theo hướng cần phải có những quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn về việc công bố thông tin của các chủ thể thuộc điện cần phải công bố thông tin (Công ty niêm yết, công ty chứng khoán…), đưa ra những quy định về tăng cường các biện pháp kiểm soát các công ty chứng khoán cũng như đưa ra những quy định khắt khe hơn về kiểm toán độc lập, kiểm soát nội bộ trong nội bộ công ty chứng khoán và tăng thật nặng mức xử phạt các vi phạm hành chính trong việc công bố thông tin đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra từ năm 2008 cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tăng cường vốn của nhiều công ty khiến lượng cung trên thị trường chứng khoán tăng cao, trong khi chính sách thắt chặt tín dụng cũng như sự thận trọng của các ngân hàng được thực hiện vào thời gian này lại khiến lượng vốn đổ vào thị trường bị giảm sút. Cung tăng, cầu giảm và bắt ổn kinh tế đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Sau quá trình sụt giảm nghiêm trọng, từ giữa năm 2010 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang lâm vào tình trạng „‟ảm đạm‟‟, niềm tin của các nhà đầu tu đang mất dần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động rất lớn tới giá cả chứng khoán cũng như xu hướng vận động chung của thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả quản lý danh mục đầu tư của SSIAM nói riêng và hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.

Do vậy, để vực dậy niềm tin của những nhà đầu tư, để cứu vãn và hỗ trợ cho thị trường chứng khoán lúc này, theo đề xuất của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cần phải có những giải pháp cấp bách. Một là có thể xem xét miễn, giãn thuế hoặc tạm thời ngừng việc đánh thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư chứng khoán cho tới khi thị trường có những dấu hiệu khả quan hơn. Hai là phân cấp cho Uỷ ban chứng khoán chịu trách nhiệm hướng dẫn những văn bản mang tính chất nghiệp vụ như mua bán chứng khoán trong ngày, mở tài khoản của các nhà đầu tư, quy định trần cho vay… nhằm hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư khi gia nhập thị trường. Ba là, bên cạnh quy định bỏ việc thu phí lưu ký chứng khoán đối với các nhà đầu tư đã được ban hành gần đây nhất, hai sở giao dịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng nên xem xét tính tới việc giảm các loại phí đang thu của các công ty chứng khoán thành viên, nhằm giảm bớt khó khăn trong thời gian này. Đồng thời, việc tập trung vào những giải pháp hỗ trợ thanh khoản thị trường như có chế cho phép mua bán chứng khoán cùng phiên, cho phép nhà đầu tư

mở nhiều tài khoản, rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2 cũng nên được xem xét để hỗ trợ tối đa cho thị trường tăng điểm lúc này.

Ngoài ra, một điều đễ nhận thấy khác là các nhà đầu tư nước ngoài thường tỏ ra e ngại trong việc đầu tư vốn vào những quốc gia có tỷ giá luôn biến động hoặc có quá nhiều biến động bất thường không thể dự báo trước được. Tuy nhiên, với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại vẫn liên tục lặp lại trong nhiều năm, cùng với tình trạng lạm phát cao, việc duy trì tỷ giá cố định là điều khó có thể thực hiện được. Do vậy, tại SSIAM, hiệu quả quản lý danh mục không chỉ phụ thuộc vào giá trị tài sản ròng, vào mức độ rủi ro, khả năng thanh khoản mà còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách điều hanhh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong thời gian tới đây, để tránh tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư ngoại và thu hút nguồn gốc vồn đầu tư bằng ngoại tệ vào thị trường Việt Nam cũng như giảm sốc tới thị trường tài chính, Ngân hàng nhà nước nên điều chính tỷ giá linh hoạt nhưng trong biên độ hẹp. Điều này có thể giúp các công ty đầu tư, công ty quản lý quỹ như SSIAM có đủ thời gian để lên kế hoạch tái cơ cấu tài sản đầu tư cũng như có thể phản ứng kịp thời trước những thay đổi về tỷ giá, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý danh mục đầu tư của mình.

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả quản lý danh mục đầu tư chứng khoán tại công ty TNHH quản lý quỹ ssiam (Trang 101)