Đối với các nhà đầu tư không chuyên, thị trường chứng khoán có thể được coi là canh bạc nhưng đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt là công ty quản lý quỹ như SSIAM việc kinh doanh trên thị trường chứng khoán đòi hỏi phải có sự đầu tư nhiều về mặt công sức, trí tuệ và tiền bạc, trước hết là dành cho việc xây dựng một quy trình nghiệp vụ, nhờ đó giúp giảm thiểu rủi ro và tăng giá trị tải sản ròng cho toàn bộ danh mục đầu tư.
Dễ thấy trong quy trình quản lý danh mục đầu tư của SSIAM mới chỉ dừng lại ở việc điều tra, lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng dựa trên dữ liệu phân tích trong quá khứ mà thiếu những phân tích manh tính dự báo xu hướng về tương lai. Do vậy, điều mà SSIAM cần phải chú trọng khi xây dựng quy trình quản lý danh mục đầu tư là bổ sung thêm nhiệm vụ phân tích xu hướng thị trường cho các chuyên viên của mình.
Có 3 xu hướng cần theo dõi và nhận định một cách xác đáng, đó là: xu hướng của thị trường chứng khoán, xu hướng của lĩnh vực đầu tư liên quan, xu hướng giá của chứng khoán mà công ty đang nắm giữ. Vai trò của nhận định xu hướng chính xác là tối quan trọng, nó cho biết thời điểm nên mua vào hay bán ra chứng khoán, hỗ trợ tối đa cho quá trình đón đỉnh và bắt đáy của công ty trong quá trình giao dịch chứng khoán, nhằm tạo ra danh mục đầu tư tốt nhất có thể.
Mặt khác, dễ thấy, để có được một danh mục đầu tư mang lại hiệu quả tốt hơn so với chỉ số chung của thị trường, đòi hỏi nhà quản lý phải biết cách dồn tiền đầu tư vào những khu vực có ưu thế hơn của thị trường, đó có thể là
một số chứng khoán hay một ngành nào đó, được gọi là chuyển đổi đầu tư ngành. Sự chuyển đổi đầu tư này thường xuyên bị tác động bởi những nhân tố vĩ mô của nền kinh tế. Ví dụ, khi giá dầu tăng, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư tiền để mua cổ phiếu của các ngành hàng không và vận tải mà đầu tư vào các công ty khai thác dầu. Khi đó, giá của các hàng hóa và sản phẩm của nhiều ngành có liên quan cũng thay đổi theo. Hoặc những thay đổi trong tỷ lệ lãi suất có thể dẫn việc chuyển đổi đầu tư vào một số khu vực nhạy cảm về lãi suất trên thị trường như ngân hàng. Do đó, phân tích xu hướng là một trong những bước quan trọng cần phải được SSIAM xem xét trong quá trình nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư của mình.
Ngoài ra, đối với công ty TNHH quản lý quỹ SSIAM, trong quá trình quản lý danh mục đầu tư, không chỉ nên chú trọng vào việc phân tích từng cổ phiếu riêng lẻ mà còn cần phải chuyên môn hóa hơn nữa trong việc phân tích đầu tư, đặc biệt là phân tích cơ bản, phân tích nền kinh tế nói chung, phân tích ngành và đưa ra dự báo. Những công việc trên cũng cần phải đưa vào quy trình nghiệp vụ như một yêu cầu bắt buộc đối với các chuyên viên đầu tư. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp công ty có thể cơ cấu lại danh mục đầu tư theo ngành tại những thời điểm thích hợp nhằm đảm bảo có được một danh mục đầu tư hiệu quả tại mọi thời điểm.
Về lý thuyết, có thể sử dụng các phương pháp phân tích khác nhau để nghiên cứu từng yếu tố có thể ảnh hưởng đến mỗi ngành. Trong đó, có 3 phương pháp cơ bản. Một là phương pháp phân tích trực quan, là phương pháp phân tích tập trung nhiều vào từng ngành và lợi nhuận thu được của chính ngành đó, từ đó, có thể xác định được cổ phiếu ngành nào là cổ phiếu có tiềm năng nhất. Hai là phương pháp phân tích kỹ thuật, là phương pháp lập và nghiên cứu những biểu đồ của các chỉ số ngành khác nhau và từ đó xác định các dấu hiệu giao dịch. Ba là phương pháp phân tích định lượng, sử dụng các mô hình để xếp hạng các nhóm ngành dựa vào lợi nhuận thu được, tỷ lệ
lãi suất, thay đổi về giá v.v...các con số này được đưa vào một công thức và sau đó các ngành được xếp hạng dựa vào các kết quả thu được. Nhìn chung, nhiều nhà kinh doanh thường hết hợp ba phương pháp trên để nghiên cứu các ngành hoặc nhóm ngành cụ thể nhưng điều quan trọng là tìm ra các khu vực thị trường có tiềm năng nhất hoặc khu vực ít có tiềm năng nhất để có các chính sách đầu tư một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc đầu tư, chú trọng hơn nữa vào phân tích cơ bản, phân tích ngành, phân tích xu hướng của nền kinh tế, phân tích xu hướng của thị trường nói chung và của từng ngành nói riêng để lựa chọn cổ phiếu thích hợp cho danh mục đầu tư của mình, việc sử dụng phương pháp phân tích kỹ thuật và phân tích thị trường hiệu quả là điều không thể thiếu trong quy trình quản lý danh mục đầu tư để có được những phản ứng kịp thời, đúng đắn trước những biến động trên thị trường. Trong đó phân tích kỹ thuật là phương pháp dựa trên các nghiên cứu về sử dụng các đồ thị biểu diễn số lượng và giá cả nhằm tìm ra thời điểm giao dịch đúng lúc và phân tích thị trường hiệu quả là phương pháp phân tích nhận định rằng thị trường trong đó giá cả của chứng khoán đã phản ánh đầy đủ, tức thời tất cả thông tin hiện có trên thị trường. Việc giá tăng hay giảm là do thị trường phản ứng đối với các thông tin.
Thông thường, để đánh giá cổ phiếu một cách đầy đủ thì cần phải tiến hành phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích thông tin không cân xứng với tỷ trọng đóng góp lần lượt là 50% ;- 30% ;- 20%. Sở dĩ phân tích cơ bản chiếm tỷ trọng cao (50%) vì đó là nền tảng của hoạt động phân tích tài chính và một cổ phiếu phải có tiềm năng tăng trường trong dài hạn thì mới có thể tăng giá trong ngắn hạn được.
Tóm lại, trong quy trình quản lý danh mục đầu tư, SSIAM cần phải xác định những quy định cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng đối với việc áp dụng và thực hiện phân tích cơ bản, đặc biệt là phân tích ngành, phân tích giá trị nội tại của cổ phiếu; kết hợp linh hoạt với phân tích xu hướng dựa trên các chỉ
bảo của thị trường (các chỉ số PE, BV của từng công ty, của từng ngành…đối với đầu tư dài hạn và các chỉ số như giá, khối lượng giao dịch…đối với đầu tư lướt sóng), phân tích kỹ thuật và phân tích thị trường hiệu quả. Đâu là điểm then chốt nhằm giúp công ty chủ động và linh hoạt hơn trong quá trình ra quyết định đầu tư, đặc biệt là trong việc lựa chọn đúng các cơ hội đầu tư tốt nhất để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý danh mục đầu tư của mình.