Tăng cường quản trị rủi ro trong quản lý danh mục đầu tư

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả quản lý danh mục đầu tư chứng khoán tại công ty TNHH quản lý quỹ ssiam (Trang 96)

Rủi ro là một trong hai yếu tố thường được các chuyên gia tài chính sử dụng nhiều nhất để đánh giá hiệu quả đầu tư nói chung. Rủi ro trong đầu tư chứng khoán được định nghĩa là sự khác biệt giữa lợi nhuận thực tế và lợi nhuận mong đợi. Để đạt được tỷ lệ lợi nhuận cao trong đầu tư chứng khoán, các chuyên gia đầu tư cần phải quản lý được mức rủi ro này.

Trong quản trị rủi ro, có hai trường phái chính là “ngại rủi ro: và “chống chọi với rủi ro”. Trường phái “ngại rủi ro” thiên về xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, nhằm đảm bảo lợi nhuận mục tiêu trên cơ sở mức rủi ro chấp nhận được. Trường phái “chống chọi với rủi ro” thực chất chỉ có những nhà đầu tư liều lĩnh mới thực hiện. Theo trường phái này, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thu được lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, với tư cách là một tổ chức chuyên nghiệp, quản lý danh mục đầu tư trên cơ sở nhận vốn ủy thác từ khách hàng. SSIAM phải đảm bảo được mức rủi ro mà nhà đầu tư nào cũng có thể chấp nhận được, đặc biệt là những giới hạn đã được quy định rõ trong hợp đồng ủy thác đầu tư.

Trong đầu tư nói chung và trong quản lý danh mục đầu tư nói riêng, có hai loại rủi ro mà nhà quản lý phải đối mặt, bao gồm rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thông. Đối với các nhân tố mang tính rủi ro hệ thống hiện tại, biện pháp phòng tránh rủi ro của SSIAM chỉ dừng lại ở mức chấp nhận hay giảm thiểu bằng việc lựa chọn khách hàng có nhu cầu đầu tư dài hạn.

Tuy nhiên, trên thực tế cần phải xác định rõ rằng: rủi ro hệ thống bao gồm rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro sức mua và rủi ro tỷ giá và không phải trong trường hợp nào nhà quản lý danh mục đầu tư cũng không thể phòng tránh hay giảm thiểu.

Rủi ro thị trường xuất hiện do phản ứng của các nhà đầu tư đối với các biến động trên thị trường, tạo phản ứng dây chuyền, gây ảnh hưởng tới giá chứng khoán làm méo mó giá trị chứng khoán so với giá trị cơ sở. Đối với loại rủi ro này, để có thể phòng tránh được mức tối đa ảnh hưởng, công ty cần phải có khả năng dự báo tốt diễn biên thị trường, xác định thời điểm hợp lý trong việc tham gia, rút lui khỏi thị trường, xác định thời điểm cắt lỗ hợp lý. Để làm được điều này, trước hết, công ty phải xây dựng bộ phận chuyên nghiên cứu thị trường, đầu tư áp dụng phần mềm phân tích dự báo; đồng thời xây dựng quy trình đầu tư chi tiết, trong đó xác định rõ các giới hạn về rủi ro ngay từ thời điểm công ty bắt đầu nhận vốn đầu tư ủy thác từ khách hàng. Đa số các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói chung, không chỉ những nhà đầu tư tổ chức mà còn nhà đầu tư cá nhân thường hạn chế rủi ro bằng việc tự đặt ra cho mình một mức rủi ro có thể chấp nhận được, rồi từ đó tìm phương án đầu tư có thể mang lại mức lợi nhuận tối đa trên cơ sở mức rủi ro đã được định ra từ trước.

Rủi ro lãi suất là trường hợp giá chứng khoán thay đổi do lãi suất thị trường dao động thất thường. Giữa lãi suất thị trường và giá chứng khoán có mối quan hệ tỷ lệ nghịch. Khi lãi suất thị trường tăng, nhà đầu tư có xu hướng bán chứng khoán để lấy tiền gửi vào ngấn hàng dẫn đến giá chứng khoán giảm và ngược lại. Đối với loại rủi ro này, công ty có thể thực hiện đa dạng hóa tài sản tài chính trong danh mục bằng cách bổ sung vào danh mục đầu tư của mình loại tài sản “tiền gửi có kỳ hạn” tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng chỉ là giải pháp có tính tạm thời, trên cơ sở dự báo tình hình lãi suất, tránh trường hợp bỏ qua những cơ hội đầu tư tốt khác trên thị trường vì thực chất, gửi tiền tại ngân hàng chỉ là một trong

những biện pháp được sử dụng để phòng tránh nguy cơ mất giá của đồng tiền hơn là một biện pháp đầu tư hiệu quả.

Một nhân tố rủi ro hệ thống khác là rủi ro sức mua. Rủi ro sức mua là tác động của lạm phát tới các khoản đầu tư. Lợi tức thực tế của chứng khoán đem lại là kết quả của lợi tức danh nghĩa sau khi khấu trừ đi lạm phát. Đối với một thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu đi xuống hay thậm chí là đi ngang trong dài hạn, việc cố gắng duy trì cơ cấu danh mục đầu tư vào các loại cổ phiếu hay trái phiếu có thể dẫn công ty tới việc phải đối mặt với rủi ro sức mua. Do vậy. để hạn chế rủi ro sức mua, trong danh mục đầu tư của mình, SSIAM nên cân nhắc tới những loại tài sản có giá trị cao, có khả năng lưu giữ giá trị và khả năng thanh khoản tốt trên thị trường như các loại kim loại quý, đá quý được nhà nước cho phép mua bán tự do trên thị trường.

Bên cạnh rủi ro hệ thống, trong quản lý danh mục đầu tư, SSIAM còn phải đối mặt với rủi ro phi hệ thống. Rủi ro phi hệ thống là rủi ro chỉ tác động đến một hoặc một nhóm tài sản, nghĩa là chỉ liên quan đến một loại hoặc một nhóm chứng khoán cụ thể nào đó. Nhìn chung, trong quản lý danh mục đầu tư, các chuyên gia thường quan niệm, rủi ro phi hệ thống có thể được loại bỏ thông qua đa dạng hóa. Rủi ro phi hệ thống bao gồm rủi ro kinh doanh và rủi ro tải chính.

Tóm lại, quản trị rủi ro là một vấn đề vô cùng quan trọng cần được công ty TNHH quản lý quỹ SSIAM chú trọng quan tâm nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, khả năng kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng (đặc biệt là ủy ban chứng khoán) còn chưa thực sự hiệu quả, thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường ngày càng giảm sút. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vấn đề là ở chỗ công ty phải nâng cao khả năng dự báo và có biện pháp, quy định rõ ràng hạn chế rủi ro.

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả quản lý danh mục đầu tư chứng khoán tại công ty TNHH quản lý quỹ ssiam (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)