Nhiễm giun là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt đã được nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước khẳng định, vì vậy để tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây thiếu máu ở địa phương, chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm phân cho tất cả các đối tượng trong 6 xã.
Kết quả trong bảng 3.6 cho thấy tỷ lệ nhiễm giun đũa trong nghiên cứu là 19,4%, cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Song Tú (9,3%) [32] và
cũng cao hơn kết quả ở Huế của Nguyễn Văn Hòa và CS là 5,4% [82]. Tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng nhiễm giun tóc là 5,2%, thấp hơn kết quả nghiên cứu tại xã Tiền Yên, năm 2006 (27,2%) [28] và cũng thấp hơn kết quả của Nguyễn Văn Hòa và CS là 15,3% [82].
Tỷ lệ nhiễm giun móc trong nghiên cứu của chúng tôi là 14,2%, thấp hơn tỷ lệ nhiễm của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Yên Bái là 78,15% [107] và cũng thấp hơn kết quả nghiên cứu ở Huế năm 2009 là 28,2% [82]. Nhiễm giun móc cần được phát hiện và xử trí sớm vì theo Olse, thiếu máu xuất hiện ngay khi nhiễm giun móc nhẹ [106]. Nhiễm giun gây mất máu ở ruột, ngay cả trường hợp nhiễm nhẹ cũng có thể làm mất 2ml máu trong 1 gam phân [133].
Tỷ lệ nhiễm giun của nghiên cứu thấp được lý giải qua thông tin về nguồn nước sạch mà đa số hộ dân đã sử dụng, cũng như việc sử dụng nhà vệ sinh riêng của phần lớn các gia đình. Một khả năng khác giải thích cho tình trạng này là người dân ở đây không có thói quen sử dụng phân tươi. Việc sử dụng thuốc trừ sâu quá nhiều trong những năm gần đây đã làm hạn chế sự phát triển trứng giun, sán ngoài môi trường. Ngoài ra, tác động của chương trình phòng chống giun sán cũng như sự phổ biến của thuốc tẩy giun dẫn đến tỷ lệ nhiễm giun có chiều hướng giảm đi.
Tuy tỷ lệ nhiễm giun ở địa bàn nghiên cứu thấp hơn so với các tỉnh lân cận nhưng vẫn cần được ưu tiên can thiệp để giảm tỷ lệ nhiễm giun hơn nữa, đặc biệt là tình trạng nhiễm giun móc vì theo nhiều nghiên cứu nhiễm giun móc là một yếu tố làm giảm hàm lượng Ferritin, gây thiếu máu mạn tính ở phụ nữ [75], [92], [117]. Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định nhiễm giun móc là vấn đề lớn nhất đe dọa sức khỏe của phụ nữ trưởng thành và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản [136].
Phân tích mối liên quan giữa tình trạng nhiễm giun và thiếu máu cho thấy tình trạng thiếu máu ở phụ nữ trong địa bàn nghiên cứu liên quan có ý
nghĩa thống kê đến tình trạng nhiễm giun đũa và giun móc. Những người nhiễm giun đũa có nguy cơ thiếu máu cao gấp 2 lần so với những người không nhiễm giun (OR=2,01; p<0,05). Giun móc cũng có mối liên quan chặt chẽ với tình trạng thiếu máu (OR = 2,2; p<0,05) (bảng 3.7). Kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với kết quả điều tra năm 1995 cho thấy những phụ nữ bị nhiễm giun móc có nguy cơ thiếu máu cao 1,48 lần so với những phụ nữ không bị nhiễm giun móc [103].
Kết quả nghiên cứu gần đây của Nguyễn PH và CS. năm 2006, một lần nữa khẳng định nhiễm giun móc là yếu tố mạnh nhất liên quan đến thiếu máu [104]. Ngày nay các can thiệp phòng nhiễm giun được tiến hành một cách đồng bộ và đã được chứng minh có hiệu quả ở nhiều nước đang phát triển bao gồm tẩy giun định kỳ, truyền thông vận động cải thiện môi trường sống, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý phân, rác thải hợp lý và hướng dẫn các biện pháp phòng nhiễm giun.