Hậu quả của thiếu máu do thiếu sắt

Một phần của tài liệu TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG, THIẾU máu và HIỆU QUẢ bổ SUNG sắt HÀNG TUẦN ở PHỤ nữ 20 35 TUỔI tại HUYỆN lục NAM TỈNH bắc GIANG (Trang 36)

Thiếu máu do thiếu sắt làm giảm khả năng chống nhiễm trùng ở tất cả các nhóm tuổi, làm giảm năng lực thể chất và hiệu suất công việc của thanh thiếu niên và người lớn [50], [144]. Như vậy, thiếu máu thiếu sắt không chỉ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ mà còn để lại nhiều hậu quả cho xã hội.

Đối với phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ

Phụ nữ có dự trữ sắt thấp hơn nam giới (dự trữ sắt ở phụ nữ chiếm 1/8 lượng sắt của cơ thể, trong khi ở nam giới là 1/3), vì thế phụ nữ dễ bị thiếu sắt nếu khẩu phần ăn không đủ sắt hoặc nhu cầu tăng lên. Phụ nữ bị mất máu theo chu kỳ kinh nguyệt và cần nhiều chất sắt trong quá trình mang thai để tăng hồng cầu cho sự phát triển của người mẹ, rau thai và của thai nhi. Thiếu máu do thiếu sắt làm tăng tỉ lệ mắc bệnh, làm giảm khả năng lao động, giảm hoạt động thể lực ở người lớn, gây mệt mỏi, kém tập trung. Thiếu máu gây ra tình trạng thiếu oxy ở các mô, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não. Thiếu máu ảnh hưởng đến các hoạt động cần tiêu hao năng lượng. Nghiên cứu ở nhiều nơi cho thấy năng suất lao động của người thiếu máu thấp hơn những người bình thường. Người ta còn nhận thấy tình trạng thiếu sắt (chưa bộc lộ thiếu máu) cũng làm giảm khả năng lao động [19]. Thiếu máu được cải thiện khi các đối tượng này được uống viên sắt [70].

Đối với phụ nữ có thai

Những người mẹ bị thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu nặng (Hb<70g/L), tỷ lệ tử vong khi sinh khá cao. Trong thời kỳ mang thai, người mẹ bị thiếu máu có mức tăng cân thấp, nguy cơ đẻ non, sẩy thai hoặc đẻ con nhỏ, yếu, nguy cơ suy dinh dưỡng; biểu hiện khuyết tật quá trình myelin hóa, làm chậm

dẫn truyền thần kinh, dẫn đến chậm phát triển về trí lực, và trẻ thường bị thiếu máu, thiếu sắt ngay trong giai đoạn 6 tháng đầu ngay sau khi sinh [70].

Đối với sự phát triển của trẻ

Thiếu máu do thiếu sắt gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và vận động của trẻ; làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em là bị suy dinh dưỡng ngay trong thời kỳ bào thai. Nguyên nhân này thường do thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu sắt, làm giảm phát triển chiều cao, cân nặng và chức năng của hệ thống miễn dịch. Hậu quả gián tiếp của thiếu máu là làm giảm năng suất lao động và ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển trí tuệ, vận động, giảm các chỉ số phát triển, chỉ số thông minh của trẻ em lứa tuổi tiền học đường và học đường. Thiếu máu do thiếu sắt ảnh hưởng tới trẻ từ 6 tới 24 tháng tuổi, làm giảm khả năng tập trung, giảm hoạt động thể lực, tăng sự căng thẳng và mệt mỏi. Tùy vào độ tuổi khi xuất hiện thiếu máu và mức độ thiếu máu, uống viên sắt có thể cải thiện tình trạng này, tuy nhiên một số hậu quả trí tuệ cũng như nhận thức xã hội có thể sẽ tồn tại mãi mãi [95].

1.2.4. Tình hình thiếu máu của phụ nữ tuổi sinh đẻ trên thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG, THIẾU máu và HIỆU QUẢ bổ SUNG sắt HÀNG TUẦN ở PHỤ nữ 20 35 TUỔI tại HUYỆN lục NAM TỈNH bắc GIANG (Trang 36)