Khai thác sử dụng (KTSD) tài liệu lưu trữ KHKT là công việc quan trọng nhất và là mục đích của công tác lưu trữ. Khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ có quan hệ với nhiều cơ quan, tổ chức và nhân dân, bị điều chỉnh bởi nhiều luật pháp của Nhà nước như Luật Dân sự, Lụât Di sản văn hoá, Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Dầu khí v.v… Pháp lệnh về lưu trữ quốc gia đã giành 7 điều quy định về khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ.
Việc KTSD tài liệu lưu trữ KHKT để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Ngoài mục đích chung như trên, việc KTSD tài liệu lưu trữ KHKT còn có những mục đích riêng của từng ngành KHKT.
1. Mục đích KTSD tài liệu lưu trữ KHKT ngành XDCB
Tài liệu lưu trữ ngành XDCB được bảo quản trong các kho lưu trữ của các cơ quan tư vấn thiết kế, thi công công trình, cơ quan chủ quản và cơ quan sử dụng công trình. Những tài liệu này được KTSD thường xuyên, rộng rãi để làm căn cứ thi công phê duyệt và sử dụng công trình. Tài liệu thiết kế công trình là bản hướng dẫn người công nhân xây dựng công trình đúng với ý đồ của người thiết kế. Không có tài liệu thiết kế thì không thể xây dựng công trình bảo đảm các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật. Tài liệu thiết kế các công trình bảo quản trong kho lưu trữ còn là những tài liệu quý giá để các nhà thiết kế nghiên cứu rút kinh nghiệm thiết kế những công trình xây dựng mới bảo đảm kỹ thuật, hạ giá thành, tiết kiệm vật tư, công sức… Đối với những công trình đã đưa vào sử dụng thì tài liệu lưu trữ của nó được dùng để quản lý tốt công trình, khai thác sử dụng đúng quy trình quy phạm kỹ thuật, đúng công suất thiết kế, đúng chức năng của nó. Đồng thời, những công trình xây dựng khi có sự cố xảy ra trước tuổi thọ thì tài liệu lưu trữ được dùng để làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm cho những cán bộ, cơ quan không làm đúng yêu cầu kỹ thuật. Đối với những công trình xây dựng có áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật độc đáo, tiên tiến mang tính dân tộc, tính khoa học… thì tài liệu thiết kế nó được sử dụng để nghiên cứu lịch sử phát triển các ngành khoa học xây dựng, các trường phái kiến trúc của nước ta. Những công trình xây dựng có ý nghĩa lịch sử thì tài liệu thiết kế được bảo quản trong các TTLTQG được sử dụng để làm nguồn sử liệu quý giá nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, lịch sử khoa học kỹ thuật, lịch sử nghệ thuật…
Trong lĩnh vực tài chính, tài liệu lưu trữ KHKT ngành xây dựng được sử dụng để làm căn cứ xét duyệt, cung cấp vốn cho các công trình. Tài liệu thiết kế các công trình được các cơ quan quy hoạch Nhà nước nghiên cứu để lập quy hoạch xây dựng các thành phố, khu công nghiệp…, lập kế hoạch về xây dựng cơ bản của từng ngành, từng vùng kinh tế, từng địa phương và toàn
quốc. Những công trình xây dựng đã bị hư hỏng vì chiến tranh tàn phá, động đất hoặc các lý do khác khi xây dựng lại cũng phải sử dụng rất nhiều tài liệu thiết kế các công trình đó. Khi tiến hành cải tạo, mở rộng bất kỳ công trình xây dựng nào cũng phải sử dụng tài liệu thiết kế cũ đã được lưu trữ.
2. Mục đích KTSD tài liệu lưu trữ KHKT ngành chế tạo sản phẩm công nghiệp công nghiệp
Tài liệu lưu trữ KHKT ngành chế tạo sản phẩm công nghiệp được sử dụng để hướng dẫn cán bộ kỹ thuật, công nhân trong các nhà máy chế tạo, lắp ráp, bảo dưỡng, vận hành các sản phẩm công nghiệp. Tài liệu lưu trữ ngành chế tạo sản phẩm công nghiệp được các nhà nghiên cứu thiết kế sử dụng để thiết kế các sản phẩm mới có hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao. Thông thường, những bộ thiết kế các sản phẩm mới đều sử dụng 80% thiết kế cũ. Muốn sử dụng lâu dài các sản phẩm công nghiệp cần phải nghiên cứu đầy đủ tính năng, tác dụng, cấu tạo của sản phẩm đó. Tài liệu thiết kế các sản phẩm góp phần quan trọng để người sử dụng sản phẩm khai thác triệt để công suất của sản phẩm đó.
Những sản phẩm công nghiệp có tác dụng to lớn trong việc sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, có đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốcthì được KTSD cho nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử quân đội v.v… Tài liệu thiết kế các sản phẩm còn là những tư liệu lịch sử để nghiên cứu sự phát triển công cụ lao động và hàng hoá tiêu dùng của xã hội loài người và nghiên cứu về lịch sử của ngành chế tạo sản phẩm. Nó được sử dụng để tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật, để trưng bày trong các cuộc triển lãm nhân dịp kỷ niệm những ngày lịch sử của các nhà máy, xí nghiệp đã chế tạo ra sản phẩm đó; tài liệu chế tạo các sản phẩm công nghiệp còn được sử dụng cho quảng cáo sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
3. Mục đích KTSD tài liệu về các công trình nghiên cứu khoa học
Tài liệu lưu trữ của các công trình nghiên cứu khoa học được KTSD để nghiên cứu những đề tài mới. Các nhà nghiên cứu khoa học KTSD tài liệu lưu trữ để đúc rút kinh nghiệm, tìm tòi sáng tạo trong khi nghiên cứu những vấn đề mới, rút ra những kết luận đúng đắn trong khoa học, tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí nghiên cứu khoa học. Tài liệu lưu trữ của các đề tài nghiên cứu khoa học đã được các hội đồng khoa học kết luận khẳng định tác dụng của nó thì được chuyển giao cho những cơ quan, xí nghiệp cần sử dụng để sản xuất, ứng dụng vào thực tiễn. Thậm chí một số tài liệu nghiên cứu khoa học được bán ra nước ngoài để thu ngoại tệ cho Nhà nước. Ngày nay khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì tài liệu lưu trữ của các công trình nghiên cứu khoa học càng được KTSD rộng rãi vào mục đích thực tiễn. Phần lớn tài liệu lưu trữ các công trình nghiên cứu khoa học là những nguồn sử liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử phát triển của các ngành khoa học, cũng như lịch sử của xã hội, lịch sử tư tưởng của các dân tộc, viết tiểu sử các nhà khoa học v.v…
4. Mục đích KTSD TLLT địa chất, TV-KT, trắc địa và bản đồ
Tài liệu lưu trữ địa chất được khai thác để phục vụ cho các ngành công nghiệp mỏ. Các báo cáo thăm dò địa chất là cơ sở quan trọng nhất để thiết kế, tổ chức khai thác các khoáng sản phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Các đoàn địa chất khai thác tài liệu lưu trữ địa chất để tiến hành thăm dò khảo sát các khoáng sản trên từng khu vực. Tài liệu lưu trữ địa chất được các cơ quan quy hoạch thành phố, các Viện quy hoạch và phân vùng kinh tế nghiên cứu để tiến hành công tác quy hoạch và phân vùng kinh tế quốc dân. Ngành xây dựng khai thác tài liệu địa chất để xác định địa điểm các công trình xây dựng như thủy điện, hồ chứa nước, cầu, đường, nhà cửa.
Tài liệu địa chất có vai trò to lớn trong việc quy định nền móng công trình xây dựng.
Tài liệu lưu trữ KTTV được khai thác để phục vụ cho các ngành làm cơ sở thiết kế các công trình xây dựng thuỷ lợi, thủy điện, giao thông vận tải, xây dựng công nghiệp … Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp khai thác tài liệu KTTV để phân vùng trồng trọt các loại cây lương thực, cây nông nghiệp, cây lấy gỗ, để chăn nuôi các loại gia súc và gia cầm … Tài liệu lưu trữ KTTV được sử dụng để dự báo thời tiết, dự báo thuỷ văn hàng ngày và nhiều ngày. Ngành hàng không, hàng hải, quốc phòng sử dụng rộng rãi tài liệu KTTV, hải văn để phục vụ cho công tác chuyên môn của mình như quyết định việc cất cánh và hạ cánh máy bay, xác định đường đi trên biển của tàu thuỷ …
Tài liệu lưu trữ trắc địa - bản đồ được khai thác để phục vụ cho hầu hết các ngành hoạt động trong xã hội. Các cơ quan làm công tác quy hoạch và phân vùng kinh tế khai thác tài liệu trắc địa bản đồ để lập quy hoạch và phân vùng kinh tế được chính xác. Các cơ quan làm công tác XDCB, địa chất, thuỷ văn khí tượng dùng tài liệu trắc địa bản đồ để xác định vị trí của các công trình, các khoáng sản … Ngành hàng không hàng hải sử dụng bản đồ để xác định đường bay, đường đi của các con tàu trên biển cả mênh mông. Khoa học lịch sử KTSD tài liệu bản đồ để nghiên cứu quá trình thay đổi về tự nhiên và xã hội đã diễn ra trên đất nước ta nói riêng và trên thế giới nói chung qua các thời kỳ lịch sử.