Các hệ thống thanh toán điện tử đòi hỏi một lượng lớn lao động được đào tạo tốt về CNTT- TT để cung cấp các ứng dụng cần thiết, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ và chuyển giao các tri thức kỹ thuật thích hợp. Thiếu các kỹ năng để làm việc trên Internet và làm việc với các phương tiện hiện đại khác, hạn chế về khả năng sử dụng tiếng Anh - ngôn ngữ căn bản của Internet cũng là những trở ngại cho việc phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử.
Hiện nay, đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với nguồn nhân lực về TMĐT, nhiều trường cũng đã đưa TMĐT vào giảng dạy. Theo kết quả điều tra “Tình hình đào tạo TMĐT tại các trường đại học và cao đẳng năm 2008” của Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho thấy trong số 108 trường tham gia khảo sát, có 49 trường đã triển khai hoạt động đào tạo
từ mốc năm 2003. Tuy nhiên, số lượng giảng viên giảng dạy vừa thiếu về số lượng vừa chưa đáp
ứng được nhu cầu đào tạo, giảng dạy thiếu sự gắn kết giữa học và hành, có sự khác biệt đáng kể về nội dung và chất lượng của giáo trình giảng dạy giữa các trường… Kết quả của cuộc điều tra trên cũng chỉ ra rằng chỉ có 15% trường đại học và cao đẳng có giảng viên được đào tạo chuyên ngành TMĐT; 45% có giảng viên khác được bồi dưỡng thêm về TMĐT, 50% trường có giảng viên tự nghiên cứu để giảng dạy; Về giáo trình, có 13 trường đại học và cao đẳng có quy định thống nhất, 36 trường do giảng viên tự biên soạn…
Bên cạnh đó, nhân viên của ngân hàng cũng cần được trang bị tốt những kiến thức về nghiệp vụ để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực phát triển nhanh chóng là ngân hàng, tạo sự đa dạng, nhanh chóng, tiện lợi của những sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, sự năng động, thân thiện của nhân viên cũng rất cần thiết để đưa những sản phẩm, dịch vụ mới đến với khách hàng, để những sản phẩm, dịch vụ này ngày càng phổ biến hơn.