Đây là loại rủi ro do những sai sót mang tính kỹ thuật trong quy trình thanh toán L/C, như sự khác nhau giữa bộ chứng từ thanh toán với nội dung quy định trong L/C hay việc các bên tham gia thực hiện sai một khâu trong quy trình nghiệp vụ thanh toán… Đặc thù của phương thức TDCT là các Ngân hàng chỉ làm việc trên bề mặt chứng từ nên nó có sự đòi hỏi rất khắt khe về sự phù hợp tuyệt đối giữa bộ chứng từ thanh toán và L/C. Vì vậy, những tranh chấp, kiện tụng xảy ra do sai sót trong quá trình lập chứng từ hay quy trình nghiệp vụ… của các bên có liên quan là không thể tránh khỏi. Theo số liệu thống kê, hiện nay tỷ lệ sai sót trong các bộ
chứng từ được xuất trình tại Chi nhánh là rất lớn, khoảng 30%. Những rủi ro loại này không những ảnh hưởng lớn tới uy tín mà đôi khi còn mang lại cả những tổn thất về vật chất cho Ngân hàng.
* Rủi ro trong thanh toán L/C nhập khẩu.
Ngân hàng tham gia nghiệp vụ này với tư cách là Ngân hàng phát hành. Vì L/C nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong thanh toán TDCT nên những rủi ro tác nghiệp cũng xảy ra ở nghiệp vụ này là chủ yếu.
Rủi ro từ phía khách hàng thường là những sai sót trong bộ chứng từ trình ngân hàng. Đó có thể là những sai sót nhỏ như sai tên, địa chỉ của các bên có liên quan, mô tả hàng hoá…như trường hợp của Công ty CP xe buýt Thăng Long đề nghị ngân hàng mở L/C trị giá 108,174.00 USD để nhập khẩu thiết bị mạng từ Công ty TORY LTD nhưng trong bộ chứng từ do bạn hàng nước ngoài lập khi gửi về đã ghi sai tên ngân hàng phát hành. Hoặc cũng có thể là sai sót lớn như thiếu loại chứng từ, nội dung chứng từ khác biệt so với L/C… Đó là trường hợp Công ty TNHH Hoá chất và Vật tư kỹ thuật Sông Lam mở L/C để nhập Axit stearic từ Singapore, trị giá L/C là 8,66250 USD, trong L/C có quy định về quy cách hàng hoá là: Nồng độ: 33%, nhưng trong bộ chứng từ do bên bán xuất trình tại Ngân hàng lại ghi là: Nồng độ: 38%, GP Bank đã từ chối chấp nhận chứng từ do có điểm không ăn khớp. Sau đó, ngân hàng nước ngoài đã phải gửi bộ chứng từ có sự chứng nhận lần thứ hai của Công ty giám sát về quy cách hàng hoá đúng như yêu cầu nhưng đã làm chậm trễ quá trình thanh toán, gây thiệt hại cho cả bên mua và bên bán. Những sai sót của bộ chứng từ có thể được người bán chủ động sửa chữa như sai sót trong hoá đơn thương mại, bảng kê chi tiết hàng hoá… nhưng cũng có những sai sót trong chứng từ do bên thứ ba lập mà người bán không thể khắc phục được như sai sót trong vận đơn, xuất xứ hàng hoá, phiếu kiểm định hàng hoá… Nói chung, đối với những sai sót loại này, Ngân hàng thường từ chối thanh toán để bảo vệ cho quyền lợi của khách hàng nhập khẩu trong nước nhưng nhiều khi không đước nhà xuất khẩu chấp nhận dẫn đến tranh chấp gây ra nhiều thiệt hại cho Ngân hàng cả về tài chính lẫn uy tín đối với khách hàng.
Ngoài những sai sót do nguyên nhân từ phía khách hàng, rủi ro trong thanh toán L/C nhập khẩu còn bắt nguồn từ bản thân Ngân hàng. Trong nghiệp vụ này, Ngân hàng có nhiệm vụ mở L/C, tu chỉnh L/C, kiểm tra chứng từ và thanh toán. Ở bất kỳ khâu nào, sai sót cũng có thể xảy ra nhưng thường gặp nhất là trong nghiệp vụ kiểm tra chứng từ. Khi xem xét và kiểm tra chứng từ, nếu phát hiện có sai sót thì Ngân hàng phải thông báo ngay cho bên mua, nếu họ vẫn chấp nhận thanh toán thì ngân hàng sẽ tiến hành thanh toán và thu phí bất hợp lệ của bộ chứng từ. Trong trường hợp ngược lại, Ngân hàng phải gửi điện thông báo sai sót cho Ngân hàng nước ngoài trong vòng 7 ngày. Tại Chi nhánh đã xảy rủi ro trong thanh toán bộ chứng từ do bên xuất khẩu là Công ty HEESUNG CABLE LTD của Hàn Quốc lập khi xuất khẩu dây cáp điện cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đại Liên.
Khi phát hiện ra có sự sai sót trong chứng từ, Ngân hàng không gửi điện từ chối thanh toán ngay cho Ngân hàng nước ngoài là KOREA EXCHANGE BANK mà lại thông báo cho Công ty Đại Liên trước làm cho điện từ chối đến chậm, quá thời hạn 7 ngày nên ngân hàng nước ngoài đã bác bỏ lời từ chối, gây thiệt hại lớn cho Ngân hàng. Cũng có trường hợp Công ty CP xây lắp Công nghiệp yêu cầu chi nhánh mở L/C để nhập khẩu thiết bị máy móc từ Công ty CPC CORP. Khi nhận được bộ chứng từ từ phía nhà xuất khẩu, ngân hàng đã không phát hiện ra sai sót nhỏ trong mô tả hàng hoá rất phức tạp mà vẫn tiến hành thanh toán. Nhưng doanh nghiệp nhập khẩu đã căn cứ vào sai sót đó để trì hoãn việc thanh toán, gây thiệt hại lớn cho Ngân hàng.
* Rủi ro trong thanh toán L/C xuất khẩu
Mặc dù chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong thanh toán TDCT nhưng những rủi ro phát sinh trong nghiệp vụ này cũng không phải hiếm. Nguyên nhân của rủi ro cũng có nguồn gốc từ phía khách hàng và từ chính Ngân hàng, ngoài ra còn có những nguyên nhân khách quan khác.
Bộ chứng từ do khách hàng của ngân hàng, nhà nhập khẩu lập cũng gặp nhiều sai sót. Đó cũng có thể là những sai sót đơn giản, hoặc những sai sót khá nghiêm trọng, ảnh hưởng tới qua trình thanh toán. Ví dụ như trường hợp Công ty HATRAPACO xuất khẩu tủ gỗ sang Công ty HOME DECOR của Italia với giá trị L/C là 25,145.00 USD, trong L/C quy định chuyển tải qua Hồng Kông, nhưng vì không thuê được tàu nên Công ty đã giao hàng chuyển tải qua Singapore, do đó bị nhà nhập khẩu từ chối thanh toán. Hay trong bộ chứng từ của Công ty AZIZ MOHAMMED TRADING lập để thanh toán L/C cho UNIMEX khi công ty này nhập khẩu gạo khi gửi sang GP Bank chỉ có hai bản vận đơn gốc (trong UCP 600 quy định chứng từ phải có đủ 3 bản vận đơn gốc). Nói chung, số chứng từ có sai sót chiếm một tỷ lệ lớn, mà chứng từ không phù hợp với L/C thì việc thanh toán không thể thực hiện được, làm cho thời gian thanh toán luôn bị kéo dài do phải sửa chữa nhiều lần. Phần lớn những sai sót này được ngân hàng phát hiện, thông báo cho nhà xuất khẩu để kịp thời sửa chữa, xử lý. Nhưng cũng có những lỗi không thể sửa chữa được mà phải chờ sự đồng ý của bên mua, làm kéo dài thời gian thanh toán, khiến cho nhà xuất khẩu không thể đáp ứng yêu cầu vòng quay của vốn. Hơn nữa, bên bán còn phải chịu phạt sai sót chứng từ theo quy định của L/C. Và những sai sót dù nhỏ trong chứng từ cũng có thể là lý do để người mua giảm giá hoặc từ chối thanh toán. Trong trường hợp này thì người bán phải chịu rủi ro lớn nhất, song với tư cách là người cố vấn và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, uy tín của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng khi quá trình thanh toán không suôn sẻ, quyền lợi của khách hàng không được bảo vệ.
Trong nghiệp vụ thanh toán L/C xuất khẩu, với tư cách là ngân hàng của nhà xuất khẩu, NHNo & PTNT Nam Hà Nội có nhiệm vụ kiểm tra L/C, thông báo L/C, kiểm tra bộ chứng từ hàng xuất và giải quyết bộ chứng từ sau khi đã kiểm tra. Cũng
giống như đối với thanh toán L/C nhập khẩu, những rủi ro tác nghiệp rủi ro mà Ngân hàng thường gặp do nguyên nhân từ chính bản thân ngân hàng hay phát sinh trong khâu kiểm tra chứng từ. Chỉ một sự thiếu cẩn trọng không phát hiện ra sai sót dù nhỏ trong bộ chứng từ cũng có thể khiến cho nhà xuất khẩu không được thanh toán, khiến cho uy tín của ngân hàng bị giảm sút.
Ngoài hai nguyên nhân chủ yếu trên, ngân hàng còn gặp phải rủi ro tác nghiệp do một số nguyên nhân khách quan khác. Ví dụ như trường hợp Công ty XNK Điện Biên sau khi xuất hàng là gỗ giáng hương cho bên đối tác (TICHING CO. LTD đã xuất trình bộ chứng từ tại chi nhánh GP Bank. Sau khi kiểm tra chứng từ thấy phù hợp, ngân hàng gửi bộ chứng từ cho LAND BANK OF TAIWAN để yêu cầu thanh toán. Nhưng sau một thời gian hợp lý mà vẫn không nhận được tiền thanh toán từ phía ngân hàng phát hành, chi nhánh đã điện giục thanh toán và nhận được điện trả lời rằng họ đã nhận bảo lãnh và sẵn sàng thanh toán khi nhận được chứng từ. Sau khi kiểm tra với cơ quan chuyển phát nhanh, ngân hàng mới biết rằng bộ chứng từ đã bị thất lạc trên đường đi. Hoặc có trường hợp do đường truyền kém làm cho L/C nhận được không rõ ràng, thậm chí không đọc được và nhận sai số điện; hay khi thông báo L/C, cũng do đường truyền kém làm bức điện không rõ ràng, khiến ngân hàng phát hành phải yêu cầu lập lại bức điện.
Có thể nói rằng, kiểm tra chứng từ là một khâu hết sức quan trọng trong thanh toán, cả L/C nhập khẩu và L/C xuất khẩu, hầu hết những rủi ro tác nghiệp đều phát sinh trong khâu này. Chính vì vậy, cán bộ ngân hàng cần phải luôn luôn thận trọng để không bỏ qua sai sót của người lập chứng từ, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và cũng chính là bảo vệ cho uy tín của ngân hàng.
2.4.1.3. Rủi ro đạo đức.
Có thể thấy rằng, ngân hàng nói riêng và các bên tham gia thanh toán nói chung luôn phải đối mặt với rủi ro đạo đức do bên đối tác cố tình vi phạm, không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình vì họ thường ở rất cách xa nhau, thậm chí không hề gặp mặt nhau trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thanh toán L/C. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới sự tín nhiệm và uy tín của các bên có liên quan. Vì thế, việc lựa chọn bạn hàng trong buôn bán ngoại thương là một vấn đề hết sức quan trọng, chính thiện chí của các bên đối tác sẽ quyết định đến sự an toàn của quá trình thanh toán.
Rủi ro đạo đức từ phía nhà nhập khẩu xảy ra đối với ngân hàng trong trường hợp khách hàng không có thiện chí, tìm mọi cách để không thực hiện nghĩa vụ của mình. Đó là khi khách hàng yêu cầu ngân hàng phát hành thư bảo lãnh cho nhận hàng trước khi nhận được chứng từ giao hàng qua Ngân hàng và cam kết thanh toán tiền hàng, đồng thời không khiếu nại gì về bộ chứng từ nếu có sai sót, uỷ quyền cho ngân hàng tự động ghi nợ vào tài khoản của mình để thanh toán. Nhưng khi nhận hàng, doanh nghiệp đã bội ước, không thực hiện cam kết với Ngân hàng do không
tiêu thụ được hàng hoá, kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ cho ngân hàng làm cho ngân hàng còn phải chịu thêm rủi ro tín dụng. Hoặc có trường hợp khách hàng cố tình viện cớ bộ chứng từ có sai sót để trì hoãn thanh toán hay xin giảm giá khi hàng hoá nhập về mà không tiêu thụ được do sự biến động của thị trường tiêu thụ trong nước nằm ngoài dự đoán của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp bị thua lỗ và không có khả năng thanh toán cho ngân hàng, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thậm chí cả khả năng tài chính của Ngân hàng (trong trường hợp tài trợ nhập khẩu). Ví dụ như trường hợp Công ty CP Thành An yêu cầu Chi nhánh mở L/C để nhập khẩu thép không gỉ từ Công ty R.M CREATIONS nhưng khi hàng về đến cảng thì Công ty không muốn nhận hàng vì vào thời điểm đó, giá cả của mặt hàng này trên thị trường đã bị giảm xuống, chắc chắn sẽ chịu thua lỗ. Do đó, nhà nhập khẩu đã căn cứ vào lý do chứng từ bị sai một ký tự trong tên địa chỉ rất dài của người hưởng lợi để từ chối nhận hàng, làm cho ngân hàng bị mất uy tín với bên đối tác nước ngoài.
Đặc trưng của phương thức TDCT là việc thanh toán chỉ dựa trên cơ sở chứng từ mà không căn cứ vào thực trạng hàng hoá, nên nhiều khách hàng nước ngoài đã lợi dụng khe hở này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng và ngân hàng nhập khẩu. Họ có thể dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như lập chứng từ giả phù hợp với L/C để nhận thanh toán từ ngân hàng mà trên thực tế hàng hoá không đúng như hợp đồng đã ký về số lượng hay chất lượng, hoặc thậm chí không giao hàng hoá. Đó là trường hợp của Công ty VILEXIM khi nhập khẩu đồng nguyên liệu từ ATLAS TECHNOLOGY nhưng hàng hoá nhập về chỉ là đồng phế thải, không đúng như quy định của L/C. Khi mở Container, hải quan đã không cho phép nhập vào Việt Nam do vi phạm các quy định về môi trường. Và Toà án nhân dân thành pháp Hải Phòng cũng có quyết định khẩn cấp tạm thời đình chỉ thanh toán L/C. Về phía GP Bank, trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được bộ chứng từ, chi nhánh đã lập điện thông báo cho Ngân hàng nước ngoài về quyết đình chỉ trả tiền trên nhưng ngân hàng nước ngoài không có ý kiến phản hồi. Có thể thấy rằng, trong những trường hợp như thế này, nếu không thẩm định, kiểm tra chính xác giá trị của bộ chứng từ thì nguy cơ phải đối mặt với rủi ro của cả ngân hàng và khách hàng là hoàn toàn có thể xảy ra, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của ngân hàng.
Còn trong một số trường hợp khách hàng mở L/C trả chậm, do chưa phải thanh toán ngay với đối tác nước ngoài nên các nhà nhập khẩu có tâm lý xem thường việc quản lý, tiêu thụ hàng hoá hoặc khi tiêu thụ được hàng nhưng do chưa đến hạn thanh toán với nước ngoài, doanh nghiệp đã lợi dụng vốn để kinh doanh mặt hàng khác mong kiếm được nhiều lợi nhuận hơn nhưng lại gặp rủi ro, kinh doanh thua lỗ dẫn đến việc mmất khả năng thanh toán cho ngân hàng. Để đảm bảo uy tín của mình, ngân hàng tiến hành cho doanh nghiệp vay bắt buộc để trả nợ cho nhà xuất khẩu, và có thể sau đó, doanh nghiệp cũng trả hết nợ cho ngân hàng nhưng quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng đã bị giảm sút.