Có khoảng hơn 15 loại vitamin được coi là thành phần không thể thiếu trong khẩu phẩn ăn cho gia súc, gia cầm. Chúng được chia làm hai nhóm:
- Nhóm vitamin hoà tan trong dầu mỡ: Vitamin A, D, E, K
- Nhóm vitamin hoà tan trong nước: Vitamin C, vitamin nhóm B.
2.6.5.1. Vitamin A
Vitamin A có tác dụng bảo vệ lớp tế bào biểu mô và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lớp ngoài của màng nhày nhiều hệ cơ quan như hệ hô hấp, hệ thần kinh và cơ quan sinh sản. Vitamin A cũng có chức năng thị giác, giúp con vật nhận biết ánh sáng và phân biệt tế bào (Olson, 1994).
Tiền chất của vitamin A là β-caroten. β-caroten có nhiều trong thực vật và được chuyển hoá thành vitamin A trong thành ruột lợn. Tuy nhiên, lợn con dưới 10 ngày tuổi không có khả năng này. Ở 20 ngày tuổi, lợn con có thể chuyển hoá được khoảng 25 - 30% β-caroten thành dạng vitamin A hoạt động. Lượng
vitamin A nói riêng và các vitamin cần thiết khác được cung cấp cho lợn con sơ sinh từ sữa mẹ. Sữa lợn mẹ hầu như đã đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vitamin cho lợn con (Nguyễn Quế Côi, 2006). Trong sữa đầu, hàm lượng vitamin A cao gấp 6 lần so với sữa thường, do đó, cần cho lợn con bú sữa đầu.
2.6.5.2. Vitamin D
Các vitamin nhóm D bao gồm D1, D2 và D3, trong đó D2 (dạng có trong sản phẩm thực vật) và D3 (dạng có trong sản phẩm động vật) có vai trò quan trong đối với lợn trong quá trình trao đổi và chuyển hoá canxi - phốt pho. Vitamin D giúp tăng cường sự hấp thu canxi ở ruột non, tăng tái hấp thu canxi từ xương và tăng bài xuất phốt pho từ thận. Thiếu vitamin D sẽ gây ra thiếu khoáng, dẫn đến còi xương ở lợn con và chứng nhuyễn xương, xương dễ gãy ở lợn trưởng thành.
Cơ thể lợn có thể tự tổng hợp vitamin D khi có tác động của ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, trong điều kiện chăn nuôi công nghiệp hiện nay, lợn được nuôi nhốt nên trong khẩu phần cần bổ sung thêm vitamin D. Có thể bổ sung vitamin D cho lợn bằng cách sử dụng dầu gan cá hoặc vitamin D công nghiệp. Khi cân đối khẩu phần, cần tính toán đủ nhu cầu vì nếu thừa vitamin D sẽ gây độc cho lợn. Nếu cho lợn sau cai sữa uống vitamin D3 với liều 250.000UI trong vòng 4 tuần liên tục sẽ làm giảm lượng thu nhận thức ăn, giảm sinh trưởng, gan sưng to, hoại tử ở tim, phổi và thận.
Nhu cầu vitamin D ở lợn con là 220UI/1kg khẩu phần (NRC, 1998).
2.6.5.3. Vitamin E
Vitamin E có chức năng sinh học chính là chống oxy hoá màng tế bào. Vitamin E ngăn cản quá trình hình thành peroxit của những axit béo chưa no, bảo vệ màng phospholipid. Ngoài ra, vitamin E còn tham gia chuyển hoá các axit amin có chứa lưu huỳnh, liên quan đến quá trình sinh sản và sự phát triển của hệ cơ.
Ở lợn, thiếu vitamin E nghiêm trọng gây loét dạ dày, gan bị hoại tử, mỡ bị nâu vàng, viêm thận, khó thở và viêm da; đồng thời cũng xảy ra hiện tượng hệ cơ yếu và gây chết đột ngột dơ cơ tim quá yếu không đẩy được máu đi nuôi cơ thể (Vũ Duy Giảng và cộng sự, 2000).
Nhu cầu vitamin E cho lợn con theo NRC (1998) là 16UI/1kg khẩu phần.
2.6.5.4. Vitamin K
Vitamin K có liên quan đến quá trình đông máu, đó là thành phần không thể thiếu để tổng hợp nên prothrombin ở gan. Prothrombin là tiền chất của enzyme thrombin, enzyme xúc tác chuyển hoá fibrinogen trong huyết tương thành fibrin làm cho máu đông. Do đó, thiếu vitamin K sẽ làm chậm quá trình đông máu hoặc gây ra hiện tượng xuất huyết.
Vitamin K có thể được tổng hợp trong cơ thể lợn nhờ hệ vi khuẩn đường ruột nhưng trên thực tế, vẫn xảy ra trường hợp thiếu vitamin K, đặc biệt khi thức ăn bị mốc.