Nhóm khoáng vi lượng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng ProPep trong thức ăn cho lợn con giống ngoại (PiDu x LY) từ 21 – 56 ngày tuổi tại Công ty TNHH MTV Lợn giống Lạc Vệ - Tiên Du – Bắc Ninh (Trang 25)

* Sắt (Fe) và Đồng (Cu)

Sắt và đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu, là thành phần của nhiều enzyme trong cơ thể. Thiếu sắt và đồng sẽ gây thiếu máu, lợn còi cọc, giảm tăng trọng.

Cơ thể lợn con mới sinh có khoảng 50 - 70mg Fe, nhu cầu mỗi ngày là 15mg Fe, trong khi đó, sữa lợn mẹ chỉ cung cấp được 1mg Fe/ngày. Vì vậy, lợn con sơ sinh rất dễ bị thiếu sắt nếu không được cung cấp kịp thời. Để khắc phục hiện tượng thiếu máu do thiếu sắt ở lợn sơ sinh, người ta tiến hành tiêm bổ sung sắt vào ngày tuổi thứ 3. Sắt được bổ sung cho lợn con dưới dạng dextran sắt hoặc gleptoferron, liều 100 - 200mg/lần tiêm

* Kẽm (Zn)

Zn phân bố khắp nơi trong cơ thể và đảm nhận nhiều chức năng trong trao đổi chất của axit nhân, tổng hợp protein, phân chia tế bào. Nếu thiếu Zn thì quá trình sử dụng axit amin trong tổng hợp protein không được hoàn thành. Thiếu kẽm sẽ gây các bệnh về da, làm giảm tính ngon miệng, tăng tiêu tốn thức ăn, sinh trưởng chậm và làm giảm khả năng sinh sản.

Bổ sung kẽm trong thức ăn giúp cải thiện tăng trọng và khả năng thu nhận thức ăn của lợn con. Theo Lei Nin Li và Xiong Dai Jun (2005), với 3.000mg/kg oxit kẽm có thể nâng cao 15 - 22% tăng trọng ngày, 9,5 - 14% lượng thức ăn thu nhận.

* Mangan (Mn)

Mn hấp thu ở ruột non, tích lũy ở gan. Lợn thiếu Mn ảnh hưởng tới quá trình tạo xương, xương biến dạng, bị bệnh cứng chân. Thừa Mn (1000pm trong thức ăn) gây độc làm rối loạn chức năng thần kinh, giảm hemoglobin máu, giảm thu nhận thức ăn, sinh trưởng chậm. Nhu cầu Mn (mg/kg thức ăn khô không khí) ở lợn là 20.

* Iod (I)

Phần lớn Iod ở tuyến giáp trạng, là một thành phần của hoocmon thyroxine có tác dụng điều hoà trao đổi chất, sinh trưởng, sinh sản của lợn. Thiếu Iod lợn có biểu hiện tạo bướu cổ "goiter", lợn nái đẻ con yếu, chết cao, không có lông. Nhu cầu Iod cho các loại lợn nuôi thịt cần 0,14mg - 0,43mg, lợn nái chửa 0,3mg, lợn nái nuôi con cần 0,7mg/con/ngày. Iod có nhiều trong bột cá, muối vô cơ Kl (loduakali). Trong thực vật rất ít Iod, nhất là vùng cao.

Tóm lại, các nguyên tố khoáng có vai trò nhất định trong cơ thể. Giữa chúng có mối quan hệ tương tác lẫn nhau, có thể làm tăng hoặc giảm khả năng hấp thu của một hay nhiều nguyên tố khác. Đồng thời, việc thiếu hay thừa khoáng đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể vật nuôi, làm giảm khả năng sinh trưởng, từ đó dẫn đến giảm năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Vì vậy, khi cân đối khẩu phần, cần tính toán bổ sung hợp lý các nguyên tố khoáng nhằm tạo hiệu quả hấp thu tối ưu nhất.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng ProPep trong thức ăn cho lợn con giống ngoại (PiDu x LY) từ 21 – 56 ngày tuổi tại Công ty TNHH MTV Lợn giống Lạc Vệ - Tiên Du – Bắc Ninh (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(61 trang)
w