3.3.7.1 Xác định các rủi ro hiện có và rủi ro tiềm ẩn trong các sản phẩm và hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Để quản trị rủi ro tín dụng một cách hiệu quả thì việc xác định những rủi ro tiềm ẩn và rủi ro hiện có trong bất cứ sản phẩm hay hoạt động của ngân hàng là cần thiết. Mức độ rủi ro tín dụng mà ngân hàng có thể chấp nhận được chỉ có thể được thiết lập sau khi đã xác định được các yếu tố tạo nên rủi ro tín dụng. Cần phải xem xét kỹ các đặc thù rủi ro tín dụng của từng sản phẩm để phát hiện rủi ro tín dụng. Cụ thể:
- Khách hàng và các ngành nghề khác nhau chứa đựng các rủi ro khác nhau nên việc lựa chọn các khách hàng mục tiêu và ngành nghề mục tiêu là rất thiết yếu đối với chất lượng tín dụng.
- Các sản phẩm tín dụng khác nhau chứa đựng rủi ro khác nhau.
- Rủi ro thanh toán gắn với các công cụ tài chính khác nhau: rủi ro của các đối tác không trả được nợ vào lúc đáo hạn của một hợp đồng được hiểu là rủi ro thanh toán. Đây là rủi ro mà bên đối tác không thanh toán cho ngân hàng sau khi ngân hàng đã thực hiện thanh toán cho bên đối tác.
- Khả năng cấp tín dụng và chuyên môn của cán bộ tín dụng : rủi ro tín dụng phụ thuộc vào năng lực của cán bộ tín dụng trong việc phát hiện và hạn chế rủi ro từ khi xem xét quyết định cho vay cũng như trong thời gian vay. Năng lực cấp tín dụng phụ thuộc vào chuyên môn của cán bộ tín dụng và các nguồn lực của ngân hàng. Các nguồn lực này liên quan đến khả năng của hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng trong việc kiểm soát toàn bộ danh mục, phân tích và báo cáo rủi ro một cách kịp thời.
- Mức độ tập trung của danh mục tín dụng: mức độ tập trung trong danh mục tín dụng theo các đặc thù riêng trực tiếp ảnh hưởng đến rủi ro của danh mục tín dụng và có khả năng gây nên thất thoát trầm trọng hơn nếu ngân hàng có mức độ tập trung cao vào các khoản vay có các đặc điểm này.
3.3.7.2 Đo lường rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng được đo lường thông hai phương pháp chính:
- Phương pháp ước tính tổn thất tín dụng dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu đánh giá nội bộ IRB( Internal Ratings Based) ED= PDx EADxLGD
Cách xác định PD: Xác suất không trả nợ của khách hàng
Cách xác định EAD: Tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm không trả được nợ Cách xác định LGD: Tỷ trọng tổn thất ước tính
- Phương pháp xác định giá trị rủi ro VaR (Value at Risk): Giới thiệu VaR, cách xác định VaR cho danh mục cho vay; ưu điểm và nhược điểm khi sử dụng VaR, điều kiện để ứng dụng VaR.
3.3.7.3 Quản trị rủi ro tín dụng
- Xác định giới hạn tín dụng : hàng năm các NHTM cần xác định giới hạn tín dụng cho từng khách hàng nhằm lập kế hoạch tiếp cận khách hàng, làm cơ sở để quản lý rủi ro tín dụng.
- Phân vùng đầu tư: nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và thuận tiện trong quá trình giám sát khoản vay, các NHTM nên tập trung cấp tín dụng cho khách hàng thuộc những vùng đầu tư nhất định.
- Phân cấp thẩm quyền quyết định tín dụng: nhằm tạo tính linh hoạt, vừa đảm bảo mục tiêu quản lý rủi ro tín dụng, ngân hàng cần qui định thẩm quyền xét duyệt cho vay theo cấp quản lý.
- Mức dư nợ tối đa đối với từng chi nhánh: dựa vào tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn và năng lực quản lý rủi ro tín dụng , ngân hàng khống chế mức dư nợ tối đa đối với từng chi nhánh.
- Trách nhiệm của cán bộ phụ trách khách hàng và quản lý bộ phận kinh doanh là phải tuân thủ chính sách tín dụng, cán bộ phụ trách khách hàng ở vị trí đầu tiên có thể đánh giá rủi ro khách hàng, và trưởng bộ phận kinh doanh có thể đồng ý các đề xuất tín dụng. Ngoài ra, cán bộ phụ trách khách hàng có trách nhiệm giám sát khoản vay, định kỳ rà soát các điều kiện tài chính và những bước phát triển của khách hàng.
- Trách nhiệm của cán bộ tín dụng, trưởng phòng tín dụng: cán bộ tín dụng báo cáo lên trưởng phòng tín dụng, trưởng phòng tín dụng độc lập xem xét các đề xuất do các bộ phận kinh doanh gửi lên và đánh giá rủi ro tín dụng và việc tuân thủ chính sách tín dụng, các chuẩn mực cơ sở hoặc các chính sách rủi ro khác. Cán bộ tín dụng đảm bảo qui trình tín dụng được tuân thủ một cách chặt chẽ.
- Nguyên tắc then chốt của công tác quản trị rủi ro tín dụng là kiểm tra đối chiếu, trên thực tế phải có sự tách bạch giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận phê duyệt tín dụng nhằm đảm bảo tính khách quan.
- Cần phải loại bỏ các giao dịch bị cấm tức các giao dịch có hành vi vi phạm pháp luật hoặc phi đạo đức đều không được khuyến khích
- Các hạn mức tín dụng cần được xác định cho từng khách hàng và từng sản phẩm tín dụng.
- Cần xác định hạn mức tín dụng tập trung tổng thể theo ngành, khu vực, địa lý, quốc gia, thời hạn, sản phẩm và loại hình tài sản đảm bảo các hạn mức và thẩm quyền cho vay được giao cho từng cán bộ để tập trung rủi ro theo một loại hình nào đó.
- Các chuẩn mực về rủi ro có thể chấp nhận được đối với từng hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải được đề cập trong chuẩn mực cơ sở.
- Cần phê duyệt sản phẩm mới trước khi các sản phẩm mới được cấp cho khách hàng. Cụ thể là sản phẩm phải nhận được sự phê duyệt của bộ phận kinh doanh để xác nhận giao dịch kinh doanh ; phòng quản lý rủi ro xác nhận tất cả các rủi ro gắn liền với sản phẩm , phòng tác nghiệp xác nhận hệ thống và qui trình thích hợp thực hiện giao dịch một cách an toàn…
- Phân tích tín dụng và đề xuất tín dụng: cán bộ phụ trách khách hàng cần lập đề xuất tín dụng đây là cơ sở để ra quyết định cấp tín dụng. Đề xuất tín dụng bao gồm những thông tin định lượng và định tính về khách hàng.
Trong trường hợp có tài sản đảm bảo cần phân tích đầy đủ tài sản đảm bảo đó làm giảm các rủi ro tín dụng.
- Cần đưa ra các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng vay vốn.
- Cần chú trọng mức độ tập trung của danh mục tín dụng: mức độ tập trung của danh mục tín dụng theo các đặc điểm riêng trực tiếp ảnh hưởng đến rủi ro của danh mục tín dụng.
3.3.7.4 Giám sát rủi ro tín dụng
- Giám sát từng khoản vay một cách thường xuyên nhằm phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm để có hành động khắc phục kịp thời. Việc cho điểm tín dụng khi cho vay là một tiêu chí mà cán bộ tín dụng sử dụng để đánh giá hiện trạng của khách hàng vay. Hệ thống tính điểm tín dụng là một công cụ giám sát và kiểm tra tín dụng quan trọng. - Rà soát báo cáo tài chính, phân tích thông tin tài chính: cán bộ phụ trách khách hàng cần phải rà soát lại các báo cáo tài chính hàng năm của tất cả các khách hàng, đồng thời rà soát hồ sơ khoản vay nhằm giám sát rủi ro tín dụng.
- Tiếp xúc trực tiếp khách hàng: việc phân tích thông tin tài chính chỉ có thể đưa ra đánh giá sơ bộ về tình hình tài chính của khách hàng vay. Do đó, để biết được rõ ràng tình hình hoạt động, nhân viên tín dụng cần thường xuyên đi thực địa khách hàng để kiểm chứng lại chất lượng và tính chính xác của phân tích tài chính.
- Hệ thống cảnh báo sớm: các nhân viên tín dụng là hàng rào đầu tiên của ngân hàng để tránh tổn thất tín dụng, họ phải sớm nắm bắt được đấu hiệu suy thoái của khách hàng.
- Cần phải giám sát tổng thể danh mục tín dụng- phân tích tổng thể danh mục tín dụng nhằm phát hiện tập trung tín dụng. Bên cạnh giám sát từng khách hàng vay, ngân hàng định kỳ giám sát tổng thể thành phần và chất lượng của danh mục tín dụng.
- Xử lý nợ: Thành lập bộ phận xử lý nợ chuyên nghiệp, kịp thời.