Hiện nay, hầu hết thu nhập chính của các NHTM là từ hoạt động tín dụng, do đó việc nâng cao chất lượng tín dụng sẽ là biện pháp cơ bản nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro và đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Với thực trạng hiện nay,
thì các NHTM đều có khả năng có rủi ro tín dụng tiềm ẩn do các tác động bên ngoài như môi trường kinh doanh, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngoài ra còn có tác động của các nhân tố từ phía ngân hàng như: dư nợ cho vay tập trung cao vào các ngành xây dựng, giao thông vận tải, dư nợ cho vay có tài sản đảm bảo thấp, công tác phân tích đánh giá và quản lý tín dụng chưa cao. Do đó, việc khắc phục những tồn tại trên nhằm nâng cao chất lượng tín dụng là biện pháp cần thiết nhằm hạn chế và phòng ngừa rủi ro, cụ thể như sau:
- Tiếp tục cơ cấu lại dư nợ theo hướng bền vững là tăng tỷ lệ cho vay có tài sản đảm bảo, tăng tỷ lệ cho vay các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm tỷ lệ cho vay các doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ lệ cho vay các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
- Cải tiến phương pháp đánh giá và quản lý tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ quá hạn, cần phải tiến hành một loạt các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng. Cụ thể:
Ü Xây dựng hệ thống thu thập và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tình hình kinh tế trên địa bàn; phân tích thông tin, dự báo các xu hướng phát triển của các ngành kinh tế, từ đó có chính sách đầu tư hiệu quả.
Ü Khi tiếp nhận hồ sơ khách hàng vay vốn là các doanh nghiệp, công ty thì cần phân tích sâu thực trạng sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, phải đối chiếu so sánh với các năm trước, so sánh với các chỉ số trung bình ngành về các chỉ số đánh giá khả năng thanh toán,hiệu quả kinh doanh để đánh gía chính xác các quy mô tăng trưởng hay giảm sút của doanh nghiệp từ đó có quyết định tín dụng phù hợp.
Ü Phân tích hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng trả nợ của khách hàng thông qua nhiều nguồn thông tin từ thị trường, từ đối tác của khách hàng…
Ü Xem xét vấn đề bảo đảm tiền vay, đánh giá đúng giá trị tài sản thế chấp cầm cố, thẩm định đúng qui trình.
Ü Đánh giá đúng chất lượng công tác quản lý của doanh nghiệp xin vay, đặc biệt quan tâm đến khả năng quản lý và chuyên môn của Ban lãnh đạo.
Ü Phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro để áp dụng biện pháp quản lý phù hợp.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tín dụng trong toàn hệ thống từ khâu thẩm định tín dụng trước khi quyết định cho vay đến khi khách hàng đã hoàn tất khoản vay. Như vậy mới đánh giá được tính khả thi và hiệu quả kinh tế của phương án; đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng. Từ đó sẽ hạn chế được rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
- Xác định chiến lược phát triển tín dụng tuỳ thuộc thị trường mục tiêu, khả năng, thế mạnh của ngân hàng. Từ đó xác định được chính sách tín dụng khoa học, phù hợp các qui luật kinh tế thị trường, qui trình cụ thể, chi tiết để định hướng hoạt động tín dụng của ngân hàng theo hướng tăng trưởng bền vững, phát huy lợi thế so sánh, hiệu quả. Theo tình hình hiện nay, các NHTM Long An chủ yếu tập trung cho vay tín dụng tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, đòi hỏi phải xác định chiến lược mục tiêu phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay.
- Sắp xếp lại mô hình tổ chức và qui trình cấp tín dụng, quản trị rủi ro đảm bảo sự độc lập giữa các chức năng bán hàng, phân tích và quản trị tín dụng. Định kỳ hàng quý tổ chức đánh giá lại các khoản vay, cần có một sự độc lập giữa các chức năng bán hàng như tiếp xúc khách hàng, đàm phán, tiếp thị… chức năng quản trị rủi ro như phân tích, thẩm định, dự báo, đo lường, đánh giá lại theo định kỳ và chức năng tác nghiệp như xử lý hồ sơ, theo dõi khoản vay, thu nợ, thu lãi…
- Tổ chức lại việc thu thập, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ việc ra quyết định đầu tư và cả việc giám sát sau khi cho vay.
- Đa dạng hoá các danh mục cho vay: với thị trường hiện nay, ngoài mục tiêu theo đuổi chiến lược phát triển tín dụng phù hợp với thị trường mục tiêu, cần chú trọng đa dạng hoá các danh mục cho vay các doanh nghiệp thuộc cùng ngành, cùng quy mô, cùng lãnh thổ…
- Thực hiện trích lập dự phòng tín dụng theo mức độ rủi ro của khoản vay, để hạn chế rủi ro tín dụng các nhà quản trị ngân hàng có thể áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:
Ü Mua bảo hiểm cho tất cả các khoản tiền gửi, tiền vay.
Ü Phân chia giới hạn rủi ro: không tập trung vốn cho một số khách hàng mà cho nhiều người vay, nhiều ngân hàng cùng tài trợ cho khách hàng, hay ngân hàng phân tán rủi ro theo từng ngành nghề hoạt động kinh doanh theo xu hướng phát triển và mức độ tăng trưởng của từng ngành.
Ü Theo dõi, dự đoán yếu tố môi trường kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh như lạm phát, tỷ giá…