Từ những cảm nhận tàn phai của giai đoạn trước, đến bây giờ nó đang thực sự giẩy chết trong những sáng tác của Nguyễn Quang Thiều trong “Nhịp điệu châu thổ mới”, “Bài ca những con chim đêm”, “Cây ánh sáng”…là tiếng than khóc cho sự đổ vỡ sâu sắc đời sống văn hóa tâm linh của thời kì đô thị hóa. Trong xã hội hiện đại, khi vật chất đang nắm giữ vị thế tối ưu và nghiễm nhiên trở thành thước đo của mọi thứ, con người dường như thờ ơ với các giá trị văn hóa thâm chí còn cố tình xâm hại nó vì lợi ích của cá nhân mình. Con rồng vảy vàng hơn nào giờ đang ngập ngụa trong trùng trùng nguy hiểm:
“…con thuyền rồng trong hải lưu không gian cuồn cuộn
Những hồ nước mắt dâng đầy, những dòng sông nước mắt giàn giụa, không bờ bến” (“Nhịp điệu châu thổ mới”)
Những giọt nước tiếc thương đã tuôn trào không một chút xấu hổ giấu diếm, nó tràn ngập và dâng đầy khắp nơi. Giá trị truyền thống tốt đẹp đang bị đảo lộn, đánh tráo bởi chính bàn tay và hoạt động có chủ đích, có toan tính được diễn ra một cách vô cùng tinh vi của con người: “Nhận ra cuốn sách trên tay bị đánh tráo bằng cuốn sách khác” (“Bài ca những con chim đêm”) Hay là một sự thay đổi đến đau đáu trong bài “Đêm ở Thụy Khuê” của Mai Văn Phấn: “Vạt cỏ xưa hai đứa mình ngồi, giờ là nền ngôi nhà cao tầng, để anh làm con bướm chập chờn giữa phố, tìm lối ngày nào lạc cánh bay. Khuôn mặt em vừa hiện trong vòm cây sót lại, tán lá đung đưa như bát nước đầy” và ở đó còn có nỗi lòng đầy khắc khoải khi những ngôi nhà cao tầng dần dần thay thế cho những mái ngói của ngôi nhà cổ phủ đầy rêu phong “Mùa thu trong đông kết những công trình, đem tổ chim gài vào những hiên nhà cổ. Hoa cúc
đăm đắm vàng đi thu xếp những ngổn ngang phiền muộn” (“Kí sự mùa thu”). Khi người ta đặt nền móng cho những ngôi nhà cao tầng, đâu biết nơi đó chứa đựng biết bao kí ức xa xăm của ngày cũ, “ngôi nhà xưa” cũng có thể là chứng nhân của lịch sử của một thời đại đạn bom, là nơi trú ẩn của bao kiếp người lầm lũi…là một sự phát triển, thay đổi đến vô tình mà ta quên đi có những giá trị thiêng liêng cần lưu giữ.
“Trên nền cũ ngôi nhà xưa, một liên doanh mới làm lễ động thổ. Ký ức hiện về tựa ngôi đền, dâng trong tóc mình dĩ vãng tôn nghiêm.
Đặt tay lên những khung sắt, cần trục, pa-nen... Khoảng không ấy xưa là hố bom, những hốc mắt của kiếp người lầm lũi. Tôi ngậm ngùi lạc vào đám khói. Ai đốt chiếc lá vàng mùa đông hôm qua.
Đám khói mơ màng vẽ lên phần hồn của mặt bằng, chân móng. Gió cất lên âm thanh siêu thị, luồn qua kẽ tay miên man hát khẽ. Tôi gom câu ca xưa đúc thành bệ cho các thánh nhân ngồi, những câu ca thơm hương trong ngôi đền ký ức” (“Hải Phòng trước năm 2000”– Mai Văn Phấn)
Chính những đều này dễ dàng gây cho giới trẻ, những thế hệ sau này dễ dàng bị lai căng, mất gốc. Chúng có biết gì đến những giá trị truyền thống tinh thần thiêng liêng của dân tộc, là “cây đa – bến nước – sân đình” mà thay vào đó là những tòa nhà, cao ốc, những trung tâm thương mại, những khu công nghiệp, và sẽ lấy gì để tưới tắm tâm hồn thơ dại, là những miền kí ức trong trẻo để mỗi đứa con khi đi xa có cái đặc trưng để thương nhớ về quê nhà. Thế hệ trẻ ngày sau sẽ nhớ gì khi những khu đô thị mới, những thành phố đều giông giống nhau và đi đến đâu cũng tìm được.
Mặt khác, những giá trị đạo đức chuẩn mực một thời đã bị ngụy trang dưới nhiều hình thức, những cuộc mua thần bán thánh diễn ra nhan nhản hằng ngày. Tín ngưỡng không còn là nơi nương náo tâm hồn để cầu sinh sự bình an, không còn là cứu cánh tinh thần những khi vấp váp, sợ hãi. Một số người đã dùng nó để làm chiếc cần câu cơm không hơn không kém. Họ không còn
chân chất, không còn lương thiện mà đã dày dạn những tráo trở, họ lừa nhau và lừa cả thánh thần:
“Hái vài đốm nắng, nhấm nháp theo văn hóa ẩm thực cộng đồng. Bù lại những ngày đói khát. Cố trấn tĩnh và từ tốn trước bình minh. Tất cả là của bạn, khái niệm ấy vang lên mơ hồ trong mỗi cử động xương hàm. Thấm nhuần tinh thần tận gót chân, cuống họng truyền ngay mật khẩu xuống dạ dày, chờ đầu gối run lên nhắc lại. Những mắt cá chân mở to, e ngại bàn chân giẫm phải chiều tàn... Trên cỏ xanh kia ta được sinh ra và ủ ấm bằng nhiều quan niệm. Từng xả thân, từng lắt léo, từng kính trọng, từng bợ đỡ, từng hãnh hỗ, từng nịnh nọt, từng mạo nhận, từng thủ dâm, từng thánh thiện, từng vu oan, từng thiêng liêng... Cỏ lừng lững dựng lên trước ta uy hiếp” (“Di chứng” – Mai Văn Phấn)
Thật đau xót khi những giá trị văn hóa của dân tộc lại được đem ra “nhấm nháp”, bị“giẫm” lên hằng ngày. Ở đó, sự đổ vỡ sâu sắc những giá trị của cuộc sống được bộc lộ rõ nét qua những mối quan hệ giữa con người với con người, tính hai mặt trong cung cách ứng xử là điều dễ nhận thấy. Sau một quá trình dài sống chiêm nghiệm, những mặt trái của cuộc đời được tác giả nhận diện và khai thách triệt để: “Từng xả thân, từng lắt léo, từng kính trọng, từng bợ đỡ, từng hãnh hỗ, từng nịnh nọt, từng mạo nhận, từng thủ dâm, từng thánh thiện, từng vu oan, từng thiêng liêng” (“Di chứng” – Mai Văn Phấn)
Tác giả phơi bày ra ánh sáng những ý nghĩ và hành động đen tối của con người. Chúng ta luôn luôn chuẩn bị cho mình thứ công cụ đắc lực để làm hại kẻ khác, chúng ta chúc tụng nhau nhưng sẳn sàng hạ bệ nhau lúc nào có thể, chúng ta bí mật phóng “ngọn giáo”đến một mục tiêu khác nhưng không thể ngờ được rằng những “ngọn giáo” nơi khác cũng đang hướng về phía chúng ta.
Thành tựu văn minh vật chất với: xa lông, ti vi, khách sạn, điện thoại, kế hoạch công việc... hiện lên trong Châu thổ gắn đầy những dự cảm về việc đánh mất những giá trị đời sống tinh thần thiêng liêng của con người trong thế giới hiện đại. Thế giới ấy nhiều khi chính nhà thơ cũng phải thốt lên những lời tự vấn “Đời sống chúng ta đang sống có thực là đời sống không?”, “Đời sống này đôi lúc buồn hơn cái chết”:
“Vào lúc ban mai anh sẽ ra đi khỏi thế gian này, chuyến đi kỳ vĩ
Cờ sẽ rực rỡ biết nhường nào, âm nhạc sẽ tinh khiết đến nhường nào
Giống cậu bé ham chơi trốn cha mẹ ra khỏi giường ngủ, anh đi bằng cách nhón chân của mèo hoang
Và cúi xuống bên em đang thiếp ngủ, thì thầm anh nói:
Đời sống này đôi lúc buồn hơn cái chết” (“Buồn hơn cái chết”)
Trở về với đời sống tâm linh, trở về cội nguồn là sự trở về với những giá trị vĩnh cửu để xa rời cuộc sống ồn ào, vội vã của nền văn minh hiện đại, là sự kiếm tìm trạng thái bình yên, đối lập trạng thái bất an, khiếp sợ trước cái hỗn loạn của xã hội công nghiệp.
Thật vậy, cảm hứng chính luận đã chi phối những sáng tác thơ văn xuôi của hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn khi viết về các vấn đề mang tính thời sự, những vấn đề có tác động to lớn vào đời sống dân tộc, cộng đồng cũng như tác động vào nhận thức, lối sống, tư tưởng con người. Đưa những vấn đề trên vào thơ ca bằng chính quan điểm, lập trường của cộng đồng, dân tộc chứ không phải là quan điểm cá nhân là việc không hề dễ dàng với người làm thơ. Hai nhà thơ, Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn đã làm được điều này, đưa cái logic của lí trí vào lĩnh vực của cảm xúc hình tượng đã khéo léo tạo nên phong cách chính luận trong những sáng tác thơ văn xuôi của mình. Những bài thơ không chỉ có sự bay bổng của cảm xúc mà còn có cái lắng sâu của trí tuệ, song song với những hình tượng đẹp là một tầng sâu ý nghĩa hết sức sâu sắc.
Chương 3