CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ MAI VĂN PHẤN
Theo “Từ điển thuật ngữ văn học”, cảm hứng chủ đạo được hiểu là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên xuốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định, gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm. Bê-lin-xki xem cảm hứng chủ đạo là điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh thuần túy trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” [29;45]. Có thể thấy rằng, cảm hứng chủ đạo mang lại cho tác phẩm một không khí xúc cảm tinh thần nhất định, thống nhất tất cả các cấp độ và yếu tố của nội dung tác phẩm. Như vậy, cảm hứng chủ đạo ban đầu là cái thuộc về chủ thể sáng
tạo, nhưng mỗi chủ thể sáng tạo lại thường chọn cho mình một hình thức sáng tạo phù hợp với từng nội dung phản ánh nhất định. Trong thực tế, cảm hứng chủ đạo của tác giả đã chuyển hóa thành cảm hứng chủ đạo của tác phẩm, thể loại tác phẩm.
Thơ văn xuôi Việt Nam nói chung và hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn nói riêng, viết về nhiều đề tài, bộc lộ nhiều trạng thái tâm lý của nhân vật trữ tình. Nhưng nhìn chung, cái nhìn của các tác giả thơ văn xuôi phần lớn đều xuất phát từ mối quan hệ giữa con người cá nhân với đời sống xã hội và lịch sử. Cảm xúc, tình cảm thơ cũng hình thành từ mối quan hệ này. Nổi bật hơn hết là dòng cảm hứng thế sự và dòng cảm hứng chính luận.