Sự phát triển của thơ văn xuôi ở Việt Nam sau đổi mớ

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp ĐẶC ĐIỂM THƠ VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ MAI VĂN PHẤN (Trang 27)

Ở Việt Nam, thơ văn xuôi bắt đầu xuất hiện ở nước ta qua sáng tác của các nhà Thơ mới giai đoạn 1932-1942. Trong công trình hợp tuyển Thi nhân Việt Nam in năm 1942, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết: “Phong trào thơ mới lúc bột phát có thể xem như một cuộc xâm lăng của văn xuôi. Văn xuôi tràn vào địa hạt thơ, phá phách tan tành.” Đấy là nói đến ảnh hưởng của văn xuôi nói chung, một dấu hiệu của công cuộc hiện đại hoá văn học Việt Nam, khi mà trước đây, trong thời trung đại, văn chương Việt Nam chủ yếu phát triển ở lĩnh vực thơ ca. Trong bối cảnh đó, thơ văn xuôi của phương Tây được coi là một trong những con đường giải phóng cho thơ ca Việt Nam thoát khỏi sự ràng buộc của các quy tắc thơ cũ.

Từ sau năm 1975 đến nay, thơ văn xuôi đã khẳng định được chỗ đứng trong thơ ca Việt Nam. Đặc biệt, thơ văn xuôi dường như đã tìm được mảnh đất thích hợp trong trường ca. Sau khoảnh khắc được thử nghiệm ngắn ngủi trong “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, thơ văn xuôi tự tin thâm nhập vào trường ca với “Khối vuông rubíc” của Thanh Thảo (1985). Thanh Thảo đã dành trọn vẹn trường ca này cho thơ văn xuôi. Tiếp đến, thơ văn xuôi xuất hiện ở một số chương trong “Người cùng thời” của Mai Văn Phấn (1999), trong “Trên đường” (2004) và “Ngày đang mở sáng” (2007) của Trần Anh Thái, “Hành trình của con kiến” của Lê Minh Quốc (năm 2006), và lại có mặt trong suốt bản trường ca “Phồn sinh” dài 200 trang của Nguyễn Linh Khiếu (2007).

Như cùng một ước hẹn, thơ văn xuôi trong trường ca Việt Nam hiện đại được các nhà thơ vận dụng để bày tỏ những dòng trăn trở, suy tư, cả những dòng suy tư triết lý và những cảm xúc sôi trào, những điều mà có lẽ cái khuôn khổ gò bó của các thể thơ truyền thống không cho phép họ bộc bạch hết được: “Tôi xoay những ô vuông. Những sắc màu chưa đồng nhất. Rubíc một trò chơi kỳ lạ. Chúng ta phải vất vả bao nhiêu để sắp xếp lại những ý nghĩ. Có hàng tỷ cách sắp xếp. Rubic – đó là cấu trúc của thơ.” (Thanh Thảo,“Khối vuông rubíc”) Hay “Không có ai đốt lửa trước con đường, chỉ có niềm hy vọng cháy lên. Sức mạnh bàn chân ở nơi thẳm sâu niềm trắc ẩn, ngân nga nơi dấu chân tổ tiên, nơi những câu chuyện buồn không dứt. Đi! Dừng lại là đắm chìm, là hoang mang cay đắng, là tiếng vọng xa xăm lạnh buốt cõi người. Không có bờ sóng vỗ vào đâu?” (Trần Anh Thái,“Trên đường”).

Đến đây, chúng ta có thể thấy thơ văn xuôi xuất hiện như là một thể thức lưỡng tính, có nghĩa nó phải trước hết là thơ, sau phải mang hình thức của văn xuôi, đến độ nếu nhìn bề ngoài rất khó phân biệt rằng đó là một bài thơ theo quan niệm truyền thống. Hai yếu tố này phải là một, hợp nhất, hòa quyện trong một thể thống nhất mang tính lý tưởng mới tạo ra thơ văn xuôi. Tác phẩm thơ văn xuôi được hình thành bắt đầu từ việc cảm xúc và ý tưởng cùng khởi lên một lúc trong một cảm quan rộng lớn. Nhịp điệu của thơ văn xuôi được hình thành bởi những sợi cực mảnh nhưng với độ rung vang cực nhạy, nó được chìm lẫn trong ngôn ngữ với những cảm xúc và ý tưởng hòa quyện. Cái nhịp điệu với độ rung đặc biệt này, nó làm cho thơ văn xuôi không thể lẫn với văn xuôi và đương nhiên nó khác biệt hẳn các thể thơ ra đời trước nó.

Đời sống trải nghiệm của nhà thơ là một cái gì đó như một yếu tố không thể thiếu, chúng được ngấm vào từng mao mạch li ti trong toàn bộ cơ thể của bài thơ. Đời sống trải nghiệm chính là cái tinh chất của thời đại được giữ lại từ hàng ngàn những tia xạ của thời đại xuyên thấu nhà thơ qua thời gian năm tháng đời người. Nếu không có sự tỏa ra từ đời sống trải nghiệm của nhà thơ, bài thơ văn xuôi sẽ thiếu vắng cái phong vị ý vị nhất mà thể thơ này có được.

Thơ văn xuôi là bước phát triển cao nhất của thơ tự do. Ngoài đặc trưng chung của thơ ca là nhịp điệu, thơ văn xuôi còn giống thơ tự do ở cùng một điểm chung là không bị ràng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, niêm luật... Nhưng, nó khác với thơ tự do ở chỗ là trong khi thơ tự do vẫn lấy câu thơ làm đơn vị nhịp điệu và có thể vẫn có vần, thì thơ văn xuôi không phân dòng, không dùng hình thức câu thơ làm đơn vị nhịp điệu, và thứ hai là thơ văn xuôi không có vần.

Cùng trong xu hướng của thơ tự do, thơ văn xuôi là thể thơ rất phù hợp với việc diễn đạt những trăn trở, suy tư triết lý và suy tưởng về nhân tình, thế sự. Đây là một lối thoát cho các nhà thơ khi họ muốn dùng thơ để nhập cuộc tham gia bàn luận tự do về số phận của con người và xã hội, khi mà các thể

thơ có niêm luật gò bó không đáp ứng được yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề của thời đại.

Thật vậy, thơ văn xuôi thể hiện nhu cầu xã hội của thời đại, một nhu cầu đa dạng, phức tạp, lắm biến đổi. Cũng như thơ nói chung, thơ văn xuôi thuộc phương thức biểu hiện trữ tình nhưng nó mượn yếu tố hình thức của văn xuôi để biểu đạt. Thơ xưa lấy ý tại ngôn ngoại làm trọng nên đề cao sự tinh lọc đến mức ước lệ, sáo mòn. Cuộc sống hiện đại không phải không cần tinh lọc nhưng sự tinh chọn phải luôn đi kèm với mới lạ. Do đó, một thể loại như văn xuôi mới có thể tiếp cận được mô hình nguyên chất của đời thường, cập nhập được thông tin nhiều bề, gai góc để rồi từ đó nâng lên thành tầm khái quát, thành tư tưởng. Sự mở rộng, phóng khoáng, sẵn sàng dung nạp nhiều hàm lượng thông tin, là nhân tố thúc đẩy sự phát triển nhânh chóng, vượt bậc của xã hội hiện đại so với những thời đại trước nó.

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp ĐẶC ĐIỂM THƠ VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ MAI VĂN PHẤN (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w