Dung nạp ngôn ngữ đời thường

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp ĐẶC ĐIỂM THƠ VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ MAI VĂN PHẤN (Trang 88)

Như chúng ta đã biết, một trong những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ thơ là sự tinh tế, giàu cảm xúc. Nó là sản phẩm của quá trình chất lọc, đãi chữ lọc từ của nhà thơ, thậm chí là sản phẩm của một khoảnh khắc thăng hoa trong tâm hồn nhà thơ. Bên cạnh đó, tài năng và cá tính sáng tạo, phong cách của nhà thơ được thể hiện qua ngôn ngữ thơ. Song có một thực tế, trong thơ ca đương đại, dường như ngôn từ không còn là yếu tố thứ nhất làm nên vẻ đẹp của bài thơ. Thế nên, xu hướng dung nạp ngôn ngữ đời thường vào thơ đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong thơ văn xuôi.

Nói đến ngôn ngữ đời thường là nói đến một thứ ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, tự nhiên, thậm chí là thô ráp. Nó tỏ ra phù hợp với văn xuôi hơn là thơ, một thể loại luôn lấy sự tinh tế gợi cảm là tiêu chí hàng đầu. Loại ngôn ngữ này dường như vắng bóng trong thơ Đường luật và cũng ít gặp trong thơ tự do trong thời kì thơ mới. Bởi thế, trong thơ ca kháng chiến chống Pháp khi ngôn ngữ đời thường xuất hiện trong một số sáng tác của Hồng Nguyên (Nhớ), Trần Hữu Thung (Thăm lúa), Tố Hữu (Phá đường), Hữu Loan (Màu tím hoa sim)… đã làm ngỡ ngàng người đọc. Thói quen tiếp nhận một thứ ngôn ngữ thơ bóng bẩy, tinh tế được chắt lọc kỹ càng trong thơ mới (1932 – 1945) đã khiến cho không ít người có thái độ nghi ngờ chất thơ ở những bài thơ sử dụng ngôn ngữ đời thường. Dè dặt hơn, nhiều người xem đó là sự tìm kiếm, thể nghiệm trong quá trình đưa thơ đến gần với hiện thực đời sống. Sau năm 1975, việc sử dụng ngôn ngữ đời thường trong thơ đã không còn là cá biệt, riêng lẻ, mà đã trở thành một xu hướng phổ biến nhất trong thơ nói chung và thơ văn xuôi nói riêng. Nhà thơ đứng giữa cuộc đời, đối mặt với cuộc đời và

không ngần ngại đưa vào thơ tất cả những gì thực nhất, thậm chí là dung tục, bụi bậm của cuộc đời:

“Gã sinh ra và lớn lên từ rơm rạ, tro trấu, từ những giọng buồn. Gã, tóc bùng màu đen, râu dựng màu đen. Những mái rạ đen mục tiếng thạch sùng, bầy chó mực mê man bóng tối. Bánh xe trâu khắc hai nét đen dài suốt con đường qua cánh đồng từ tinh sương đến đổ tối. Không có dấu hiệu gì từ những chữ trắng trên bảng đen. Và gã ra đi từ những ô chữ nhật đen, khi bóng tối lùa kín từng cái miệng. Những con muỗi trộn màu đen của chúng và màu đen ngôi nhà để đánh cắp màu đỏ. Và trăng, màu đen của ánh sáng ngày dứt mình ra khỏi những đám mây bẩn thỉu.” (“Một màu đen” – Nguyễn Quang Thiều)

Bằng một loạt các từ ngữ “Gã, rơm rạ, tro trấu, tóc bùng, tiếng thạch sùng, bầy chó mực, bánh xe trâu, đổ tối, con muỗi...” là lời ăn tiếng nói ngày thường, mà từ trước đến nay người làm thơ rất kén chọn khi đưa vào thơ nhưng đến Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ không dùng từ ngữ ấy để bộc lộ mà là dùng để tả, kể với một ngôn ngữ giản dị đến mức suồng sã, gần với ngôn ngữ văn xuôi. Hay nói chính xác hơn, cảm xúc của nhà thơ được ẩn kín đằng sau lớp hình ảnh, ngôn từ:

“Những ngôi nhà mang theo những đàn ông, đàn bà cùng những con chó hay sủa gió của họ. Đêm tháng Mười đi từ phía cánh đồng và biến mất trong những giấc ngủ người lớn tưởng không bao giờ tỉnh dậy. Chỉ còn lại ngọn đèn tháng Mười câm lặng. Và chúng tôi - những đứa trẻ - ngồi nhìn em mình thở. Và chúng tôi không thuộc được một lời cầu nguyện nào.” (“Hồi tưởng tháng mười” – Nguyễn Quang Thiều)

“Chiều nay em cho con bú. Ngoài kia từng chân kiến đang đi, từng cánh ong vẫn còn đang vỗ. Nơi anh về trú ngụ là ô trời xanh trong mắt em cười. Hạnh phúc nào bằng ta bên nhau thảnh thơi, như được xoải mình nơi chân đê cát mịn. Anh hôn lên ngực em căng đầy thơm mát, chiều ngọt ngào cánh cò cánh vạc, qua môi anh khẽ đậu xuống hồn. Căn phòng mình chẳng còn những bức tường bao quanh và không gian thành thời gian thánh thiện, khi anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển, cứ thu mình tìm vào miệng con be bé xinh xinh... (“Em cho con bú” – Mai Văn Phấn)

Từ đây chúng ta có thể thấy rằng, việc sử dụng ngôn ngữ đời thường trong thơ biểu hiện một sự thay đổi cách nhìn của nhà thơ về cuộc sống, về quan niệm thẩm mĩ. Đã một thời thơ hướng về thiên nhiên thanh sạch, thế giới bồng lai mê hoặc để chuyển tải những cảm xúc tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên của cuộc sống con người. Nhưng giờ đây, thơ nhìn xuống, nhìn xung quanh mình, cuộc sống hiện ra chân thực như nó vốn có: hạnh phúc và đau khổ, vinh quang và cay đắng, giàu sang và cơ cực, cao cả và thấp hèn... Con người cũng hiện hữu với những giá trị thật nhất, cả những khoảng tối bị khuất lấp trong tâm hồn. Thứ ngôn ngữ cao sang bóng bẩy dường như không còn thích hợp cho việc thể hiện dòng cảm xúc bộn bề, phức tạp ấy. Với một cách nhìn như vậy, nhà thơ đã tìm đến một thứ ngôn ngữ đời thường hơn, giản dị hơn. Trong tác phẩm “Những ví dụ”của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thành công với một ngôn ngữ như thế:

“Những người đàn bà góa bụa làng tôi - những ví dụ - chân không giày không dép. Họ tránh con đường dẫn đến những đêm trăng. Bầu vú họ mệt mỏi nằm ngoẹo đầu và trở lên ngễnh ngãng, không còn nghe được tiếng gọi đàn ông nồng mùi thuốc lào và ruộng bùn ngai ngái, trong những đêm gió từng đôi quấn nhau qua vườn hổn hển. Chỉ tiếng chuột nhắt cắn thóc trong những chiếc áo quan gỗ gạo đóng sẵn làm họ thức giấc. Và họ nằm lo âu trong tiếng mọt cắn gỗ vọng ra từ cỗ áo quan”

Những hình ảnh “người đàn bà góa bụa”, “lũ trẻ cởi truồng”, “những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen, tõe ra như móng gà mái, cào cào áo nâu,

mọt cắn gỗ gạo, chuột nhắc cắn thóc, thuốc lào, rơm rạ…” xuất hiện một cách tự nhiên trong bài thơ như dòng chảy tự nhiên trong cảm xúc suy tư của nhà thơ về cuộc sống. Đó là một thứ ngôn ngữ không cần trang sức, không được dụng công chắc lọc. Từ cuộc sống đời thường ùa chảy vào thơ. Bài thơ “Bừng tỉnh trên tàu” của Mai Văn Phấn là một ví dụ:

“Tôi đứng lên nhường chỗ cho thiếu phụ đang tựa lưng gần bậc cửa. Chị vội vã lắc đầu và cảm ơn chiếu lệ. Về ghế của mình, tôi lơ đãng nhìn qua cửa sổ con tàu và ngủ thiu thiu.

Đoàn tàu băng qua bao cây số, đưa giấc mơ của tôi đến những nơi giời ơi đất hỡi ... Tôi đi ra khỏi tôi, ra khỏi con tàu.

Có tiếng sóng biển rào rạt đập vào bờ làm tỉnh giấc. Đang bàng hoàng run rẩy, tôi nhớ ngay đến người phụ nữ xa lạ kia liệu có nguủủ thiu thiu, để lỡ trượt chân ngã xuống đường tàu”

Từ ngữ của bài thơ gần như là từ ngữ của một bài văn xuôi kể về câu chuyện của nhân vật tôi vừa xảy ra trên tàu, là nỗi niềm băn khoăn từ một sự việc của đời sống. Nếu cũng tứ thơ này, về câu chuyện của một người thiếu phụ không có chỗ ngồi trên một chuyến tàu, sự lo sợ của nhân vật tôi về một rủi ro có thể xảy ra bất kì lúc nào theo trí tưởng tượng của anh. Thì ở các thể thơ khác như thơ cách luật hay thơ tự do bằng những khuôn mẫu về ngôn từ, vần, nhịp thì khó có thể chuyển tải hết ý nghĩa nội dung của bài thơ bằng việc chỉ kể về một câu chuyện tưởng chừng như rất bâng quơ này. Điều này cũng giống với bài thơ “Chuyển dịch màu đen” là đỉnh cao trong lộ trình cách tân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, là câu chuyện thơ mang kịch tính, xung đột, gây ấn tượng mạnh, tạo đa nghĩa... Ngôn ngữ thơ trong bài thơ gần với ngôn ngữ đời sống, súc tích, từng chi tiết diễn tiến nhanh... Những mảng màu sáng tối tương phản rõ rệt ngay trong từng mạch thơ. Mỗi câu thơ như nhát bay miết mạnh, dứt khoát trên tấm toan rộng tạo ấn tượng, nhiều đoạn như nhát búa giáng mạnh vào tâm não người đọc: “Những con muỗi trộn màu đen của chúng vào màu đen ngôi nhà để đánh cắp màu đỏ…/ Những cặp môi xiết vào nhau như thổ dân xiết hai miếng đá”. Nhà thơ dồn nén cảm xúc vào những trạng thái đặc biệt, chú trọng tạo hiệu ứng xung đột cao để bạn đọc

cảm nhận được vẻ đẹp thơ ca trong những không gian lạ thường: “Ngôi nhà gỗ cắn môi, ổ khoá hóc chết chẹt một khoảng tối”

Bên cạnh những mảng “màu lạnh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có chủ ý khá tỉnh táo đặt những hình ảnh tương phản, lúc giàu tính trữ tình như: “Cầu thang gỗ đã ngủ, những răng sâu đã ngủ/ Dìu dịu trên đệm ấm, cơn ngứa thay lông”. Nhiều lúc ta bắt gặp những câu thơ như ngọn đèn bất ngờ bật sáng trong góc tối: “Trong góc phòng, bầy cá vàng giấu mình vào vùng nước tối…/ Những vòm cây đã trộn vào nhau/ Rễ trộn vào thân và lá trộn vào quả…/ Tỉnh giấc trong khuya bởi màu trắng cơn mê/ Cố hương xoã tóc đen đi trong gió trắng/ Cố hương vật lên như sóng/ Cố hương vùi mình như muối triệu năm”. Bài thơ trộn lẫn giữa giấc mơ với ngổn ngang hiện thực, giữa khát vọng tự do, hòa đồng và hóa giải những định kiến về sắc tộc, văn hóa,… với cách biểu hiện chưa từng có trong lộ trình thơ ca của ông.

Với bài “Cây ánh sáng” cũng là một sự miêu tả, kể sự việc bằng những từ ngữ dung dị, đời thường “Và lúc này chàng nghe thấy tiếng chân những đàn bà xanh như nước biển bước đi như không bao giờ hết qua ngôi nhà chàng/ Và lúc này những cái cây trên thế gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả con đường…/Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy/ Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa/trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn” (“Cây ánh sáng”). Nếu ánh sáng trong tập thơ Sự mất ngủ của lửa là ngọn đuốc, đèn pha, thì ánh sáng trong tập thơ “Cây ánh sáng” được hắt lên từ đường chân trời rạng đông, cho ta nhìn thấy hết vẻ đẹp trinh nguyên, bất tận của một sớm mai tuyệt đẹp. Cho ta biết được một ngày mới đang đến với bao khác biệt, nhiều bí ẩn, bất ngờ... Bằng những chuyển động tất yếu tuân theo quy luật tự nhiên, cho chúng ta được quyền tin yêu và hy vọng vào những điều tốt đẹp trên thế gian này.

Trên xu hướng ấy, thơ của hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn phấn cũng xuất hiện lần lượt những hình ảnh hết sức đời thường như: “con cào cào, con chuột nhắc, con chó, con cá đực, con cá cái, ...” Cho thấy một sự thay

đổi trong tư duy nghệ thuật của nhà thơ. Thơ không còn là một lãnh địa riêng, khép kín mà luôn có sự giao thoa với nhiều thể loại khác. Chất thơ không phải ở bề mặt ngôn từ mà thu vào bên trong gắn với những chiêm nghiệm suy tư của nhà thơ về cuộc sống.

Thơ văn xuôi trong sáng tác của hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn không chỉ xuất hiện những từ ngữ đời thường mà còn có cả những suy tư, lo âu rất đời thường của một cái tôi - thế sự - đời tư. Ngôn ngữ đời thường đi vào thơ không chỉ giúp nhà thơ chuyển tải được tình cảm nhiều cung bậc, lắm nỗi niềm, mà còn là cách định hướng tình cảm và nhận thức của người đọc bằng việc để họ trực tiếp va chạm với các hiện tượng đời sống chứ không làm lây lan tình cảm. Cách tiếp cận này giúp người đọc đến với cuộc sống một cách trực tiếp, thơ trở nên gần gũi với cuộc đời.

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp ĐẶC ĐIỂM THƠ VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ MAI VĂN PHẤN (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(95 trang)
w