Như đã nói thơ sau năm 1975, đặc biệt là sau đổi mới năm 1986 đến khi xu hướng dân chủ trong văn học xuất hiện. Nó đã liên quan ảnh hưởng mật thiết đến phạm trù cái tôi. Và nó trở thành tiền đề để cái tôi phát triển. Thơ xuất hiện cái tôi công dân trực tiếp dấn thân với những vấn đề nhân tình thế thái, với sự thay đổi suy nghĩ, tư tưởng của con người cùng sự xói mòn của những giá trị đạo đức. Trong thơ xuất hiện những suy nghĩ nóng bỏng, những câu thơ thấm thía nỗi buồn, những suy tư nặng trĩu lo âu. Có thể thấy, ý thức trách nhiệm công dân trong mỗi cá nhân giờ đây lại được bộc phát mạnh mẽ. Không phải là tiếng ì đùng súng đạn, nên họ không cầm súng ra chiến trận. Nhưng họ đã mạnh dạn dấn thân vào một chiến địa mới không kém phần gây go, quyết liệt. Thơ là tiếng súng thức tỉnh ý thức công dân của mỗi cá nhân đã và đang ngủ quên trên chiến thắng, trên những lời ca về tiềm lực.
Sự văn minh đã đem lại cho con người nhiều tiền đề vật chất và tinh thần để nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhờ khoa học kỹ thuật, con người đã thực hiện được rất nhiều công việc phi thường, hiện thực hóa được rất nhiều thế hệ cha ông đi trước chỉ biết gửi gắm vào những câu chuyện cổ tích. Cùng với nó là tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng, nhiều thành phố và khu công nghiệp mọc lên như nấm dại sau cơn mưa rào, bộ mặt nông thôn và thành thị đang thay đổi từng ngày. Con người có đủ điều kiện thoát khỏi ý nghĩa ăn no mặc ấm để hướng tới ăn ngon mặc đẹp. Công bằng mà nói, công nghiệp hóa hiện đại hóa đã mang đến cho chúng ta rất nhiều mặt tích cực, trong xu thế hội nhập đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta mở cửa đón nhận những làn gió mới từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, mặt trái của nó giống như một quá trình biện chứng của sự vật. Cái được luôn đi cùng với cái mất. Bên cạnh những yếu tố tích cực luôn tồn tại song song trùng với mặt tiêu cực. Khi xây dựng thêm một khu công nghiệp là đồng nghĩa với việc chấp nhận tăng cường một luồn ám khói cho lá phổi xanh, chúng ta mong muốn được đón những ngọn gió văn hóa trong lành nhưng những nguồn gió độc cũng tràn vào không ít. Cuộc sống ở đô thị cũng đã mang lại nhiều tiện nghi vật chất nhưng nó chật chội, bức bối, ngột ngạt và tiềm ẩn rất nhiều bất an:
“Thành phố không chốn an toàn cho họ giấu đủ một ngón tay
Ngoài kia, những cánh đồng đắng cay vì bệnh tật kéo dài. Hoàng hôn xấu xí Ngũ cốc đang ngập mình bởi con ho hóa chất sặc mùi”
(“Lời cầu nguyện” – Nguyễn Quang Thiều)
Thành phố bây giờ là một nơi đầy rẫy sự nguy hiểm, biên giới của sự sống và cái chết trở nên bé nhỏ mong manh, những mối hiểm họa tiềm ẩn đang rình rập trong từng gang tấc. Con người đang phải gánh lấy những hậu quả do mình tạo ra. Nó khiến con người có cảm giác bất an đến nỗi một không giam rộng lớn nhưng không đủ khả năng để bảo bọc cho một thứ dù là nhỏ nhất không đủ an toàn để “giấu một ngón tay”. Sự phóng đại quá cỡ này dẫu làm cho người đọc có phần choáng váng, mất thăng bằng nhưng những hình ảnh được gắn kết ngay sau đó khiến chúng ta cảm nhận sự việc ấy dường như đang hiện hữu. Đây không phải là kiểu kết tội vội vàng, chủ quan mà là sự đúc rút chính xác từ quan cảnh thực tế bởi trạng huống của những cánh đồng đang héo quắt vì bệnh tật và ngũ cốc phải gánh chịu những “cơn ho hóa chất sặc mùi”. Những gì từng được đại diện cho môi trường sống, thực phẩm sống đang bị xâm hại và trở nên phản tác dụng đối với con người. Thần chết đang hiện diện khắp nơi đối với từng sinh thể. Tất cả cỏ cây, muôn thú đều đang chịu chung số phận:
Ngước lên những đám mây trĩu ngực vì bụi cố bò qua cơn dị ứng của thời tiết vô luân”(“Lời cầu nguyện” - Nguyễn Quang Thiều )
Không còn những bãi cỏ ngát xanh để con người tha hồ đùa giỡn, trò chuyện; không còn tiếng chim hót líu lo, yên bình trên những cành cây cao vút…Cánh đồng cỏ giờ đây đang héo quắt vì bệnh tật, đàn chim đang bay chập choạng, rũ rượi cố công hát bài ca đánh dấu sự sinh tồn. Con người trong môi trường ấy dường như bị giam cầm quanh bốn bức tường ngột ngạt, đôi lúc chúng rối tung lên như cách ông miêu ta trong bài “Quay theo mái nhà”:
“Đêm tỉnh dậy. Đồ gỗ trong phòng mọc tua tủa nấm nhĩ. Bức tượng chảy xệ xuống thành nắm đất nhão. Chiếc quạt mở ra lần cuối rồi khép lại làm ống tre. Trong bóng tối, tiếng những nghệ nhân đã khuất cùng đồng vọng:
- Hãy quay theo mái nhà đánh thức các đồ vật!
Tôi quay cùng chai lọ, con giống, bóng đèn… qua môi người thợ thổi thủy tinh, qua con chữ rùng mình nhìn bột giấy chìm trong thuốc tẩy. Những giọt mực tụ lại rồi loang xa như một vết dầu. Bộ quần áo trang nghiêm rũ xuống. Đấy là giờ mặc niệm tơ tằm và những cây bông. Bóng tối nuốt sạch thực phẩm ôi thiu, không khái niệm về văn hóa ẩm thực. Hương trà thơm về rừng. Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy”
Họ thật sự bị cầm tù bởi những khối bê tông, những tòa nhà cao tầng không ngừng mọc lên và đau đớn hơn là bị cầm tù bởi chính những guồng máy khổng lồ do họ tạo ra, với những kiểu suy nghĩ, những cách hành động như máy móc. Mặt trái của quá trình đô thị hóa không chỉ biểu hiện ở bình diện nổi (vật chất) mà nguy hại hơn là nó đang xâm nhập vào tâm lí của con người (tinh thần). Dần dần, cuộc sống vật chất đầy đủ đã khiến những con người ở đô thị bước vào địa hạt của sự hưởng lạc với nhiều thú vui tiềm ẩn và những nỗi bất an.
Vấn đề công nghiệp hóa luôn song hành cùng với tiếng kêu cứu từ môi trường, là một vấn nạn của xã hội hiện nay, những thảm họa thiên nhiên như động đất, bão, lũ lụt không còn xa lạ. Những tiếng kêu thống thiết từ thiên nhiên đang réo rắc từng ngày từng giờ và bất kì lúc nào con người cũng có thể chịu sự trừng phạt từ thiên nhiên:
“Nhưng đêm nay mưa như sông trời đổ xuống thị xã. Những ngọn đèn lần lượt tắt và những ô cửa lần lượt mất hút” (“Nhân chứng của một cái chết” – Nguyễn Quang Thiều)
Và từ những cơn mưa bất chợt ấy có thể biến ngay thành cơn lũ ấm ào, cuốn trôi mọi thứ trên đường nó đi qua, và trơ trụi, tan tóc hay là một cái chết trắng xóa chẳng để lại dấu vết gì:
“Mưa vẫn xối như máu không sao cầm được. Nước đã dâng lên ngập đôi giày của cô. Cô vẫn đứng lặng im như không có ai đứng đó. Hơi nước từ người cô bốc lên ngùn ngụt. Cô là một đám cháy trong mưa. Cô đứng đó, cây khô đứng đó. Một sự sống lặng câm dưới những đám mây mang theo cái chết, bên cạnh một cái chết thét gào đòi được phục sinh” (“Nhân chứng của một cái chết” – Nguyễn Quang Thiều)
Đó là sản phẩm tất yếu của sự cảm nhận đời sống công nghiệp hiện đại, của văn minh“remote - nút bấm”, của lai giống, nhân bản, vi mạch, tốc độ… Hiện thực khắc nghiệt của đời sống và hiện thực tiên tri, tưởng tượng… được khúc xạ, thăng hoa, hắt sáng từ cảm quan, tư biện đặc biệt của thi sĩ. Tất cả được hiện hữu trong thơ Nguyễn Quang Thiều vừa đau đớn vừa da diết, vừa chằm bặp vừa lạnh lùng. Ông luôn thổn thức và hân hoan, đau đớn và thất vọng… trong tư thế một công dân đầy trách nhiệm: “Không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi ngày tôi mất đi một cỏ/ Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm” (Gọi hồn). Nhiều lúc Nguyễn Quang Thiều đã nhìn thấy cả những vẻ đẹp lộng lẫy, gần gũi tưởng như có thể chạm được tay vào, nhưng như bao người cùng thế hệ, có lúc ông thấy, cũng như ai đó đã kiệt sức không thể bước thêm
được nữa: “Kìa những cái cây lộng lẫy và kiêu hãnh trong gió gào rít giữa đêm/ Và một kẻ đang gắng sức tìm lối đến Thiên đường nhưng lại không ngước được mắt lên” (Những công việc của tháng Mười Một).