Thơ văn xuôi trong sự nghiệp sáng tác của hai nhà thơ

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp ĐẶC ĐIỂM THƠ VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ MAI VĂN PHẤN (Trang 30)

1.3.1. Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn trong thơ ca Việt Nam sau đổi mới

Ngay sau năm 1986, đã xuất hiện một số ít nhà thơ có ý thức sâu sắc về cách tân thơ Việt. Họ có chủ thuyết chắc chắn và riêng biệt trên con đường đã chọn. Họ có đủ kiến thức thi ca, có nền tảng văn hóa và xã hội sâu rộng, có bản lĩnh khám phá và cả lòng dũng cảm, bình tĩnh trước sức ép công luận, dám chấp nhận đơn độc trên con đường mới, mở ra một không gian thơ khác. Họ khác hẳn số đông từ nền tảng, lí tưởng thơ ca đến cách biểu đạt ý tưởng, lập ngôn, cách tạo những chuyển động thi ảnh…Thời kì đầu đa số bạn đọc phản ánh quyết liệt trước một số hiện tượng thơ cách tân, thậm chí là chóng lại những quan niệm thẩm mỹ mới lạ.

Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống và nghệ thuật thay đổi khiến cho những cây bút nhạy cảm nhất cũng phải thay đổi theo hướng hiện đại, cho dù mức độ đổi mới của từng cây bút là hết sức khác nhau. Điều đó có thể nhận thấy

trong thơ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khoa Điềm,… Nhưng nhìn đại thể, sự đổi mới của các cây bút này vẫn chủ yếu nằm ở phương diện cái nhìn và cảm hứng chứ chưa có sự cách tân mạnh mẽ về thi pháp. Nhưng thời gian khách quan đã minh chứng một số thành công nhất định của các tác phẩm dù chưa nhiều nhưng cũng là những ví dụ điển hình cho những chuyển động mới. Ở đây không thể không nhắc đến những gương mặt trẻ hào hứng đi tìm những tiếng nói mới cho thơ như Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư... Và mỗi người, theo cách nói của riêng mình đã ít nhiều tạo cho thơ những diện mạo mới lạ hơn.

Cùng hòa mình vào dòng chảy chung của thơ ca Việt Nam sau đổi mới, hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn đều thể hiện những chuyển biến đổi mới trong thơ ca của mình từ phương diện nội dung đến hình thức thể hiện. Những vấn đề xã hội lớn lao, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, xa rời thực tế cuộc sống đã dần rơi vào quên lãng. Thay vào đó là cách nhìn nhận, đánh giá lại các giá trị sống, những chuẩn mực xã hội, khám phá thế giới bên trong của con người thông qua nguồn cảm hứng chủ đạo là chính luận, thế sự và đời tư đi vào thơ ca của hai nhà thơ như một niềm khắc khoải, trăn trở với cuộc đời. Ở đó có sự mạnh mẽ, dứt khoát nhưng cũng day dứt không nguôi.

Thơ với mạch chảy là hiện thân của những hình ảnh đứt đoạn, nhảy cóc, mở ra những trường liên tưởng xa nhất định là khó nhớ nhưng như thế chưa hẳn là không hay. Có rất nhiều khía cạnh khác nhau, như thơ Phạm Thiên Thư ẩn mình trong thần thái phiêu lãng giữa đạo và đời, thơ Nguyễn Quang Thiều mang một nỗi nhớ khắc khoải về ngôi làng nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thơ Mai Văn Phấn lại là những trăn trở trước sự đổi thay của cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Nỗ lực đi sâu vào thế giới cảm giác, vào cái vô thức, tiềm thức, đánh thức những mối liên hệ ẩn tàng trong lòng tạo vật tồn tại bình đẳng và thống nhất cũng là nỗ lực tra vấn các kinh nghiệm mới mẻ của ngôn ngữ trong việc thăm dò tiềm thức và tái hiện những kinh nghiệm đột khởi tươi ròng.

Từ những năm 1990, thơ Việt Nam đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Thập kỷ tám mươi đã xuất hiện “những tín hiệu mới” trong văn học nước nhà, cả thơ và văn xuôi. Về thơ, trước Nguyễn Quang Thiều đã có sự “vỡ giọng” trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương,… và trước nữa là Dương Kiều Minh. Hai tập “Củi lửa” (1989) và “Dâng mẹ” (1990) của Dương Kiều Minh đã hiển thị những đổi khác về thi pháp và giọng điệu. Sau “Củi lửa” vài ba năm, khi “Sự mất ngủ của lửa” ra đời, thi đàn mới bắt đầu thực sự dậy sóng với những tranh cãi gay gắt. Giữa lúc đội ngũ đông đảo các nhà thơ trong nước còn mơ hồ, nghi ngờ hoặc về yêu cầu cách tân thơ, thì tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (1992) đã cất tiếng nói khẳng định, đặt dấu mốc quan trọng khai mở dòng chảy thi ca cách tân trở về sau. Tập thơ đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, và, nhanh chóng làm xáo trộn tư duy đời sống thơ ca đương đại. Ánh sáng của tập thơ đã lan tỏa, tác động tích cực, sâu rộng trong đời sống thơ ca Việt, gây hiệu ứng dây chuyền. Bắt đầu xuất hiện nhiều tác giả trẻ với những cách viết mới lạ, nhiều khuynh hướng mới được hình thành. Hiện tượng tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, ở chừng mực nào đó gợi chúng ta liên tưởng tới hiện tượng thơ V.V.Mayakovsky của văn học Nga đầu thế kỷ XX; trường ca Đất hoang (The Waste Land) của Thomas Stearns Eliot trong văn học Mỹ những năm 50 thế kỷ XX… Không ai có thể phủ nhận vai trò cột mốc văn học mà những tên tuổi kể trên đã đánh dấu. Với những bứt phá mạnh mẽ của Nguyễn Quang Thiều, ý thức cách tân về lối viết trở nên thường trực và riết róng. Từ đây, đội ngũ làm mới thơ ngày càng đông đảo với sự hiện diện của Trần Quang Quý, Nguyễn Quyến, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Tiến Dũng, Trần Anh Thái, Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh,… Không cần cường điệu, có thể khẳng định dứt khoát: tính đến thời điểm này, những cách tân nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều vào những năm đầu 90 của thế kỷ XX là những cách tân tạo được hiệu ứng nghệ thuật sâu đậm nhất trong thơ Việt sau 1975.

Sự cách tân trong thơ Nguyễn Quang Thiều, cả mặt thành công và cả những điều chưa tới đã tạo nên sự khác lạ về cái nhìn nghệ thuật, hệ thống biểu tượng, cách tổ chức cấu trúc văn bản….Tất cả xuất phát từ những cơn mơ hoang tưởng Nguyễn Quang Thiều. Rõ ràng, kể từ “Sự mất ngủ của lửa”,

Nguyễn Quang Thiều đã đẩy nhịp điệu đổi mới thơ lên một tầm mức mới, cú hích nghệ thuật của anh có khả năng gây chấn động mạnh.

Bên cạnh đó, trong số những nhà thơ sung sức hiện nay đang có những cách tân được dư luận chú ý phải kể tới Mai Văn Phấn. Thơ của ông biết cách giữ được đặc thù của ngôn ngữ thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ. Đây chính là sự khác biệt giữa một số cây bút cách tân đã nhân danh cái mới để "lạ hóa" thơ đến mức phản-thơ với những tác giả có xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ bằng những ý tưởng mới. Điển hình như cái tôi trữ tình trong thơ Mai Văn Phấn, không phải là cái tôi công dân, cái tôi sử thi, hay cái tôi riêng tư, mà là cái tôi nhân sinh. Nhà thơ chuyển từ quan niệm thơ là nỗi lòng mình, mục đích khiến cảm động lòng người đến thái độ coi thơ là cách lập ngôn, làm thơ là thực hiện đạo sống. Hai đối tượng chính lập trình nên dòng thơ này là con người và thiên nhiên, đến mức tác giả không nén được, phải tuyên bố bằng câu kết của trường ca “Người cùng thời”: “Khắp nẻo không gian đã giãn ra cho tiếng trẻ con đồng thanh trong lớp/ Muôn năm con người! Muôn năm thiên nhiên!” Ở đó sẽ thể hiện tầm vốc của thi sĩ chính là khả năng khái quát, biến những hình ảnh thân thuộc thành biểu tượng của thi ca.

Nhìn chung, tuy bước đầu có sự lúng túng giữa các các trường phái, có cả những vấp ngã, lạc đường dung tục, có những khuynh hướng phi thơ. Bên cạnh đó, cũng có những những tác giả trẻ có kiến thức tổng hợp và phong phú, có biểu hiện khao khát muốn mang đến một diện mạo mới, một tâm thế mới để hòa bước vào hành trình thi ca của dân tộc. Với tâm thức của thời đại, họ biết vận dụng linh hoạt thi pháp các trường phái mà không đánh mất bản chất tâm hồn Việt, vốn trong sáng, chân thành, bao dung mà rất hiện sinh, tinh tế trong cảm nhận, nhân bản và hồn hậu trong cách nhìn, cách nghĩ về số phận con người.

1.3.2. Hành trình thơ văn xuôi trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Quang Thiều và Mai Văn Phấn

Thơ Nguyễn Quang Thiều có điểm khác biệt rõ nét với phần đông các nhà thơ đi trước khi thơ ông không có sự mô phỏng, sao chụp rồi đặt vào đó những ẩn ý, chủ ý. Nguyễn Quang Thiều thường bày tỏ thái độ thẳng thắn, quyết liệt, trực diện nhằm lý giải một cách chính xác nhất bản chất, chân tướng của đời sống: “Tôi là con chim sinh đầu hoàng hôn, cuối bình minh chưa biết hót. Cặp mỏ tấy sưng mổ những thì thầm” (“Bài hát”). Đó đồng thời cũng là nỗi khắc khoải, khao khát tự do, công bằng, là chân lý của mọi thế hệ, nhất là thế hệ ông. Những vẻ đẹp lộng lẫy, rộng lớn nhiều khi hiện hữu trong những điều hết sức bình dị của đời sống, trong hơi thở, trong cử chỉ hành động và lối cảm nghĩ của mỗi chúng ta.

Tập thơ “Châu thổ” (2010) gồm 144 bài được Nguyễn Quang Thiều tuyển chủ yếu trong 6 tập của ông từ năm 1990 đến năm 2010, trong đó có khoảng 58/144 bài là thơ văn xuôi (theo quan điểm của tác giả bài viết này). Từ tập “Ngôi nhà tuổi 17” (1990) - làm trong những năm 80 của thế kỉ 20 - đến “Cây Ánh sáng” (2009) - thập niên đầu của thế kỉ 21. Và năm sau, năm 2010, tuyển thơ lần thứ nhất của ông ra đời. Gối đầu qua 2 thế kỉ, với gần ba mươi năm hành trình lao động sáng tạo, Nguyễn Quang Thiều đã tạo thành một hiện tượng thơ với nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều.

Từ tập thơ đầu tay “Ngôi nhà tuổi 17” (1990) đến tập thơ thứ hai “Sự mất ngủ của lửa”xuất hiện hai năm sau đã cất tiếng nói khẳng định, đặt dấu mốc quan trọng khai mở dòng chảy thi ca cách tân trở về sau. Ở những tập thơ nối tiếp phía sau, từ “Những người đàn bà gánh nước sông” (1995) đến tập thơ “Châu thổ” (2010) đã cho thấy thơ ông tỏa sáng trong nhiều đề tài với những cách biểu hiện khác nhau, với nhiều cung bậc cảm xúc vượt khỏi phạm vi cảm hứng hiện thực và cả siêu thực trong đó có thơ văn xuôi. Thơ văn xuôi của ông, dù viết về đời thường dung dị vẫn ẩn chứa tài năng, tài hoa và sự tinh tế. Những bài thơ “Chuyển động”, “Bài hát”, “Lời cầu nguyện”,”Chuyển dịch màu đen”, “Những ví dụ”,… là những ví dụ tiêu biểu. Bên cạnh những bài thơ về xã hội, triết lý, nhân sinh, tiên tri,… nhiều bài thơ mang tầm vóc thời đại với tầm tư tưởng lớn được Nguyễn Quang Thiều khắc hoạ thành công, với tính khát quát và biểu tượng cao. Các bài như “Bầy kiến qua bàn tiệc”, “Dưới trăng và một bậc cửa”, “Con bống đen đẻ trứng”, “Nhịp điệu châu thổ mới”, “Bài ca những con chim đêm”, “Nhân chứng của một cái chết”, “Cây ánh

sáng”,… là những bức tranh minh họa đặc sắc cho mảng thơ này. Hiện thực trong thơ văn xuôi Nguyễn Quang Thiều thường được tái hiện như giấc mơ của người mệt mỏi, kiệt sức vì quá tải trong những cơn dư chấn; là giấc mơ của người bệnh vừa thoát khỏi cơn tai biến hiểm nghèo, hoặc như người vừa chợp mắt đã nhìn thấy những trải nghiệm trong đời thực nhưng được phóng chiếu theo những cách thức khác lạ, có thể cảm nhận được cả hơi thở nóng bỏng, sự khắc nghiệt đến kinh hoàng của đời sống trên da thịt.

Có thể nhìn ngắm hiện thực thơ văn xuôi trong tập “Châu thổ” của Nguyễn Quang Thiều với nhiều gam màu dị biệt, lạnh lùng u tối nhưng không bi lụy, tuyệt vọng,… mà ngược lại, luôn thấy ánh sáng hy vọng, niềm tin mãnh liệt vào một tương lai tốt đẹp. Đó cũng chính là vẻ đẹp vĩnh cửu và quyền năng tái tạo thế giới của thi ca: “Nhìn xa chân trời nơi bình minh hé môi cười là bóng/ Những gót chân đích thực, những gót chân đang khuất/ Như những vệt nước lớn bay hơi nhẹ nhõm không rên rỉ điều gì…/ Cho đến khi từ vòm miệng nồng hôi, nhớp nháp/ Những cái lưỡi của người tìm được lối ra” (“Bình minh đang lên”). Bằng linh cảm nhạy bén và khả năng tiên tri của thi sĩ, Nguyễn Quang Thiều đã nhìn thấy khoảng cách từ bóng tối tới ánh sáng đó là cách nghĩ, cách gợi, một gọi mời của thi sĩ khi ranh giới giữa xấu tốt thị phi là… vô cùng mỏng manh.

Những cuộc lên đường cũng là điểm đến trong chuyển động thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là con tằm chui ra từ vỏ kén, là mầm cây bật lên từ khe đá, là cơn mưa xuống ngọn đồi trơ trọc, đích đến phía chân mây mù mịt sương mù, là sự dũng cảm nhích lên nửa bước chân, những mất mát thua thiệt trong đời sống được đền bù: “Và giờ đây trong bóng tối của tháng Chạp đông cứng như một chiếc hàm thiếc/ Tỏa rừng rực hơi nóng những bao hạt giống/ trong tiếng nghiến kiên trì khủng khiếp của bánh xe/ đi đến cánh đồng đang chờ quyền phép của tháng Giêng ban tặng” (“Quyền phép của thời gian”). Ở đó, thường mở ra không gian bất tận để bạn đọc nhận ra mình đang đứng trong áp lực của những cơn gió lớn và ông đã thấy “Con đường và số phận dân tộc chúng ta từ một đỉnh đồi” (“Bài ca những con chim đêm”).

Cùng với Nguyễn Quang Thiều và nhiều tác giả khác góp phần định hình nên thể thức thơ văn xuôi ở Việt Nam thì chúng ta không thể không kể đến Mai Văn Phấn. Nhà thơ ngay từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước bằng sự giản dị bình thường của cuộc sống thường nhật mà nói được vấn đề lớn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, như công cuộc đổi mới hồi bấy giờ. Thơ Mai Văn Phấn chỉ nói đến cái riêng mình, từ cái có thật của riêng mình, nhà thơ đề cập tới những mối quan tâm chung của xã hội, hay nói cách khác là chỉ bằng sự giản dị, ngay từ bấy giờ, không gian thơ Mai Văn Phấn đã được đặt trong khung cảnh nhất định. Đến sau những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, có thể nói thơ ông liên tiếp gặt hái những mùa bội thu, thì từ năm 1995 trở đi, với vốn kiến thức phong phú tích lũy hàng chục năm và sự cập nhật thông tin văn chương gần như hàng ngày, nhất là thơ, cả trong nước và ngoài nước, Mai Văn Phấn tự mình làm cuộc “lột xác”bằng việc thử sức vào một số khuynh hướng thơ trên thế giới. Nhưng công bằng mà nói, giai đoạn từ năm 1995 đến 2000, bên cạnh những bài thơ kết hợp được truyền thống với tâm thức, thì cũng không ít bài thơ của ông sa vào rắc rối, bí hiểm, khó hiểu, một số bài như thách đố người đọc.

Cho đến năm nay, ngoài hai tập thơ công bố trên website riêng là Anhanhemem, Quay theo mái nhà ra, Mai Văn Phấn đã cho in 10 tập thơ và 1 tập trường ca, gồm: Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997), Người cùng thời (1999), Nghi lễ nhận tên (1999), Vách nước (2003), Hôm sau (2009), Và đột nhiên gió thổi (2009), gần đây là Bầu trời không mái che (2010) và Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn” (2011). Trong đó, đặc biệt tập thơ tuyển năm 2011 có ý nghĩa như sự đánh dấu hành trình sáng tạo thơ ca của thơ Mai Văn Phấn. Trong tập thơ có 197 bài thơ và một trường ca, trong đó có đến 43/198 bài thơ là tác phẩm thơ văn xuôi cho thấy tập thơ này mang một phẩm chất khác hẳn, cả hồn lẫn xác, đánh dấu bước chuyển rõ rệt trong thơ Mai Văn Phấn từ lãnh địa thân thuộc của thơ ca truyền thống bước hẳn sang khoảng không diệu vợi

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp ĐẶC ĐIỂM THƠ VĂN XUÔI CỦA NGUYỄN QUANG THIỀU VÀ MAI VĂN PHẤN (Trang 30)