Giải pháp về huy động vốn

Một phần của tài liệu Luận văn Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh bất động sản của Công ty cổ phần VINCOM (Trang 138)

Vốn - yếu tố sản xuất cơ bản không thể thiếu được của mọi quá trình sản xuất kinh doanh và đồng thời vốn cũng là yếu tố quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của một nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh nói riêng. Cho đến nay có rất nhiều khái niệm về vốn dưới các góc độ khác nhau. Vốn phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm toàn bộ các nguồn lực kinh tế khi được đưa vào chu chuyển. Nó không chỉ bao gồm tiền tệ, máy móc, vật tư, lao động, tài nguyên thiên nhiên,.. mà còn bao gồm giá trị của những tài sản vô hình như vị trí và khả năng sinh lợi của đất đai, các thành tựu khoa học và công nghệ, bản quyền kinh doanh, các phát minh sáng chế... Trong nền kinh tế thị trường, vốn là một hàng hóa, đều có chủ sở hữu đích thực. Người sở hữu vốn chỉ bán quyền sử dụng vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Chính nhờ sự tách rời quyền sở hữu và quyền sử dụng vốn đã làm cho vốn có thể được huy động cho đầu tư. Quan niệm đúng đắn về vốn đầu tư có ý nghĩa rất lớn, nó giúp cho chúng ta nhận biết những đặc điểm, vai trò của mỗi loại vốn, từ đó có các phương thức khai thác thích hợp để có thể huy động tối đa các loại vốn đó và phân bố, sử dụng chúng vào các lĩnh vực khác nhau một cách hợp lý, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.

Vốn đầu tư được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: nguồn tiết kiệm trong và ngoài nước, nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn vốn vô hình. Tất

cả các nguồn vốn này đều được huy động để đầu tư cho nền kinh tế và có vai trò hết sức quan trọng nên cần được quan tâm khi xây dựng chính sách huy động vốn của quốc gia. Từ các nguồn hình thành trên, huy động vốn trong nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố: Đối tượng huy động, hình thức huy động, môi trường pháp lý, môi trường đầu tư, năng lực và trình độ quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của các chủ đầu tư.

Ở đây tác giả chỉ đề cập đến trong một phạm vi hẹp là vấn đề vốn trong một doanh nghiệp. Trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, vấn đề về vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp luôn là vấn đề nan giải. Dù là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh đến đâu đi chăng nữa nhưng khi đã tiến hành thực hiện đầu tư vào những dự án lớn có hiệu quả cao thì cũng cần phải huy động vốn. Hiếm có doanh nghiệp nào mà không thể không cần đến việc huy động vốn để đầu tư cho dự án. Vì vậy, vấn đề về vốn là một vấn đề không đơn giản đối với bất cứ một doanh nghiệp nào.

Mối quan hệ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn, tiền tệ có quan hệ mật thiết và hữu cơ với nhau. Các thị trường này luôn luôn có sự tác động qua lại và chi phối lẫn nhau. Tìm hiểu kỹ hơn về sự liên thông giữa các thị trường rất quan trọng ở Việt Nam là bất động sản, vốn và tiền tệ là một việc hết sức cần thiết, sẽ tạo ra những nhận thức có ích cho công việc lập chính sách kinh tế vĩ mô (nguồn lực nào, ảnh hưởng ra sao tới việc làm, tăng trưởng, lạm phát...) và vi mô (cơ chế nào thúc đẩy giao dịch, hạn chế rủi ro, và tạo sự công bằng...).

Không nằm ngoài vấn đề chung đó, khi thực hiện đầu tư các dự án của mình, Vincom JSC cũng cần huy động một lượng vốn rất lớn để thực hiện đầu tư. Công ty luôn tìm kiếm các nguồn vốn khác nhau để đáp ứng được yêu cầu về vốn đầu tư cho các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Hiện nay, Công ty đang áp dụng các hình thức huy động vốn sau:

 Từ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng khác;

 Phát hành trái phiếu doanh nghiệp;

 Phát hành cổ phiếu ra công chúng;

 Kêu gọi hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết.

Hiện nay, kênh huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chủ yếu là từ Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để tiếp cận với nguồn vốn này là điều không đơn giản, bởi: Nguồn vốn để cung cấp cho các dự án bất động sản thường là nguồn vốn trung và dài hạn nhưng nguồn vốn trung và dài hạn của các Ngân hàng là rất hạn chế. Mặt khác, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và Ngân hàng thường bị chi phối bởi các chính sách tín dụng của Nhà nước về việc cho vay để kinh doanh bất động sản. Vì vậy, việc thiết lập mối quan hệ chiến lược giữa Doanh nghiệp với các Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng để duy trì khả năng cung cấp vốn là xu thế chung trong thời kỳ hội nhập. Từ các mối quan hệ này các đối tác sẽ khai thác được tối đa lợi ích của nhau.

Trong xu thế chung đó, ngày 13/6/2007 Công ty Cổ phần Vincom và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết thoả thuận hợp tác đồng hành. Bằng thoả thuận này, BIDV và Vincom sẽ là đối tác đồng hành của nhau, đảm bảo hợp tác lâu dài, bền vững thông qua sự hỗ trợ chặt chẽ nhằm phát huy thế mạnh và tiềm lực của mỗi bên. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là một trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất ở Việt Nam có 50 năm phát triển. Tính đến hết ngày 30/4/2008, tổng tài sản đạt trên 200.000 tỷ VND, với mạng lưới hơn 103 chi nhánh, sở giao dịch trên khắp cả nước. BIDV có hàng chục công ty trực thuộc như Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư (BSC), công ty Cho thuê tài chính (Leasing), công ty Quản lý và Khai thác tài sản nợ (BAMC), công ty Bảo hiểm BIDV (BIC)…, 4 liên doanh với nước ngoài: VID public Bank, Lao - Viet Bank, công ty liên doanh tháp BIDV và Viet - Nga Bank. BIDV cũng là cổ đông sáng lập sáng lập của Công ty quản lý đầu tư (BVIM), Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính BIDV (BFC), Công ty quản lý quỹ công nghiệp và năng lượng Việt Nam, Quỹ Đầu tư Việt Nam (VIF). Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng của Công ty trong việc cung cấp vốn để đầu tư vào các dự án lớn. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ là Ngân hàng chính cung cấp các dịch vụ ngân hàng, phi ngân hàng với các cơ chế chính sách, lãi suất, phí dịch vụ hợp lý phục vụ cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của Vincom. Vincom sẽ là khách hàng ưu tiên của ngân hàng, hướng tới hình thành một liên minh tập đoàn kinh tế lớn đáp ứng cho sự phát triển đa năng của cả hai bên.

Bên cạnh mối quan hệ đối tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty còn thiết lập mối quan hệ tín dụng với các Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng khác để khai thác thêm nguồn vốn huy động.

c2. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp:

Việc phát hành trái phiếu Vincom là một trong những chủ trương đa dạng hóa hình thức huy động vốn tài trợ cho các dự án trọng điểm đang triển khai. Đây là chủ trương đã được Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị Vincom thông qua.

Ngày 22/10/2007, Công ty đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu Vincom. Đối tượng phát hành của trái phiếu là các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với đợt phát hành thành công này, Công ty đã trở thành một trong ít những Công ty cổ phần tại Việt Nam phát hành trái phiếu theo chuẩn mực quốc tế. Trái phiếu của Công ty đủ tiêu chuẩn để có thể trở thành hàng hoá trên thị trường giao dịch thứ cấp. Từ nguồn vốn huy động này Công ty sẽ tập trung đầu tư vào giai đoạn I của dự án “Cụm cao ốc văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê, khách sạn 5 sao và Trung tâm thương mại tại Quận 1 – TP. Hồ Chí Minh”.

Ngày 06/5/2008 Công ty lại phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp lần 2. Đây là loại trái phiếu thường không có Tài sản đảm bảo, kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/1 trái phiếu, lãi suất trong năm đầu tiên là 16%/năm, các năm sau lãi suất dự kiến sẽ bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trả sau kỳ hạn 1 năm bình quân của Hội sở chính bốn Ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng cổ phần thương mại ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB) cộng thêm 4%/năm.

Từ những kinh nghiệm và thành công của hai đợt trái phiếu doanh nghiệp trên, trong tương lai Công ty cũng sẽ tiến hành các đợt phát hành trái phiếu tiếp theo để huy động vốn phục vụ cho các dự án quan trọng và có tiềm năng lớn của Công ty.

c3. Chào bán Cổ phần ra công chúng:

Việc chào bán cổ phần ra công chúng được thông qua thị trường chứng khoán. Vậy, khái niệm về thị trường chứng khoán được hiểu như thế nào?: “Thị trường chứng khoán trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, được quan niệm là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán trung và dài hạn. Việc mua bán này được tiến hành ở thị trường sơ cấp khi người mua mua được chứng khoán lần đầu từ những người phát hành, và ở

những thị trường thứ cấp khi có sự mua đi bán lại các chứng khoán đã được phát hành ở thị trường sơ cấp”. Như vậy, xét về mặt hình thức, thị trường chứng khoán chỉ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán, qua đó thay đổi chủ thể nắm giữ chứng khoán. Thị trường chứng khoán có những chức năng cơ bản sau:

 Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế;

 Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng;

 Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán;

 Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp;

 Tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách vĩ mô.

Ở đây, tác giả xét trên góc độ doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Vincom thì thị trường chứng khoán có ý nghĩa đối với Công ty như sau: (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

 Huy động vốn đầu tư cho Công ty;

 Đánh giá hoạt động của Công ty.

Để huy động được nguồn vốn trên thị trường chứng khoán phục vụ cho các dự án của Công ty, tháng 5/2007 Công ty đã quyết định trở thành Công ty đại chúng. Từ khi trở thành công ty đại chúng đến nay, Công ty đã hai lần chào bán thành công cổ phiếu ra công chúng.

Lần thứ nhất là vào tháng 7/2007, Công ty đã phát hành 20.000.000 cổ phiếu ra công chúng. Trong đó bán đấu giá 5.000.000 cổ phiếu phổ thông (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) ra công chúng thông qua đấu giá tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với mức khởi điểm 80.000 đồng/cổ phiếu và 15.000.000 cổ phiếu được bán cho các cổ đông hiện hữu. Qua lần phát hành này Công ty đã thu về được số tiền là 775 tỷ đồng.

Lần thứ hai là vào ngày 3/2008, đợt phát hành này Công ty đã phát hành 40.000.000 cổ phiếu (loại cổ phiếu phổ thông), mệnh giá 10.000 đồng /cổ phiếu. Số cổ phiếu bán được là 39.983.156 cổ phiếu chiếm 99,96% tổng số cổ phiếu được phép chào bán, số tiền thu về qua đợt chào bán này là 399.910.752.968 đồng;

Như vậy, qua hai đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng Công ty đã thu về được một nguồn vốn tương đối lớn, đáp ứng được phần nào nguồn vốn phục vụ mục đích kinh doanh

của Công ty. Qua đó Công ty sẽ có được những kinh nghiệm quý báu trong những lần huy động tiếp theo.

c4. Kêu gọi hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết:

Trong thời kỳ hội nhập, việc hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết đầu tư là một xu thế tất yếu để nâng cao khả năng cạnh tranh, chia sẻ những cơ hội và lợi ích với nhau, cùng hợp tác thành công, đem đến sức mạnh tổng hợp cho các đối tác.

Công ty Cổ phần Vincom cũng vậy, để đầu tư vào các dự án lớn mà một đòi hỏi cần phải có tiềm lực tài chính mạnh và sức mạnh tổng hợp khác, Công ty đã và đang hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với các đối tác có tiềm lực lớn mạnh như:

 Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT): theo đó, VNPT và Vincom xác lập mối quan hệ vừa là đối tác, vừa là khách hàng đặc biệt của nhau để cùng xúc tiến các hoạt động đầu tư mở rộng và phát triển kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. VNPT sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, xây dựng hạ tầng Bưu chính Viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại, an toàn… tại các tòa nhà, trung tâm thương mại, khu khách sạn cao cấp, vui chơi giải trí và các dự án hạ tầng của Vincom.

 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Hoàng Minh: Cùng hợp tác đầu tư vào dự án “Cải tạo công viên Thống Nhất”. Theo đó, Vincom và Tân Hoàng Minh cùng đầu tư, xây dựng, cải tạo Công viên Thống Nhất thực sự thành một trong những trung tâm văn hóa, giải trí lớn nhất cả nước; là công trình có hiệu quả kinh tế cao cũng như có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.

 Công ty Cổ phần An Viên: Cùng hợp tác đầu tư dự án “Khu đô thị biển cao cấp An Viên tại Nha Trang – Khánh Hoà”.

Một phần của tài liệu Luận văn Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh bất động sản của Công ty cổ phần VINCOM (Trang 138)