Giải pháp chung

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ trong lĩnh vực lao động dưới góc độ thực hiện công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam (CEDAW) (Trang 104)

Phương hướng giải quyết cơ bản là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền con người của phụ nữ, bình đẳng giới và hiểu biết về Công ước CEDAW đồng thời tăng cường các biện pháp thúc đẩy thay đổi hành vi của tất cả các thành viên trong cộng đồng.

Một trong những thách thức dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, không đảm bảo quyền của phụ nữ trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động chính là sự tồn tại dai dẳng của những định kiến giới và tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Sự tồn tại của nền văn hoá mang đậm tính gia trưởng ở nước ta với việc đề cao vai trò truyền thống của phụ nữ và nam giới chính là cản trở đối với việc thực hiện đầy đủ Công ước CEDAW. Kết quả cuộc điều tra về thực trạng bình đẳng giới do TW Hội LHPNVN tiến hành năm 2004 vừa qua cũng cho thấy: Tư tưởng trọng nam coi thường nữ có ở tất cả mọi tầng lớp xã hội không phân biệt tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội và cả trình độ văn hoá. Các biểu hiện tập trung có thể liệt kê như: thích đẻ con trai hơn con gái (41,7% ý kiến), coi việc nội trợ, chăm sóc con cái là của phụ nữ (39,9% ý kiến), đầu tư quan tâm đến con trai nhiều hơn con gái (27,3%)...(Báo cáo đánh giá thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam, tháng 10- 12/2004, Hội LHPNVN), xem năng lực của nam cao hơn nữ. Đi sâu vào từng lĩnh vực giới cụ thể, sự bất bình đẳng đã được khắc hoạ khá đậm nét: trung bình một ngày, phụ nữ làm việc 13 giờ trong khi nam giới là khoảng 9 giờ (Thông cáo báo chí của Hội LHPNVN nhân ngày 8/3/2004). Sự chênh lệch này chủ yếu là do ngoài vai trò sản xuất, phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Chị em ít có thời gian để học tập nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội. Ở một số vùng đồng bào dân tộc theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ không chỉ gánh vác hầu hết mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái mà đồng thời còn là lao động chính trên đồng ruộng, nương rẫy. Đây thực sự là gánh nặng quá tải đối với phụ nữ, gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khoẻ của chị em.

Nâng cao nhận thức và hiểu biết đầy đủ về giới là chìa khoá của sự thành công trong việc thực hiện CEDAW ở nước ta, trong đó có việc bảo đảm quyền của phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Cần tăng cường công tác này bằng nhiều biện pháp cụ thể như:

- Tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của các cơ quan trong hệ thống chính trị về tầm quan trọng của bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ như là một biện

pháp quan trọng đạt tới các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước nói chung cũng như thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nói riêng.

- Tăng cường công tác tập huấn nâng cao nhận thức về giới và bảo đảm quyền của phụ nữ trên mọi lĩnh vực cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ; tăng cường tập huấn kỹ năng lồng ghép giới cho các nhà hoạch định, thực thi chính sách; tập huấn về giới, bình đẳng giới và đảm bảo quyền con người của phụ nữ cho người lao động nữ, người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn.

Tạo cơ chế thuận lợi hơn cho bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ hoạt động hiệu quả trên thực tế.

Với những hạn chế của bộ máy quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ hiện nay, UBQG phải được nghiên cứu kiện toàn theo hướng tăng cường năng lực của bộ máy nhằm tham mưu cho Chính phủ thực hiện tốt công tác chỉ đạo phối hợp liên ngành về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.

Hiện nay, Luật Bình đẳng giới đã có quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ nào được phân công chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Trong bối cảnh này, việc kiện toàn UBQG là cần thiết nhằm tạo ra cơ chế phối hợp liên ngành cùng với cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.

Các nhà chức trách nên nghiên cứu để có thể tận dụng được nguồn nhân lực của bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ hiện nay. Đây sẽ là những người am hiểu và có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Có thể tham khảo kinh nghiệm hay của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Campuchia...Các nước này luôn xác định vấn đề giới và phụ nữ là vấn đề đa ngành, đa lĩnh vực, vì vậy bên cạnh một cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới cần phải có một cơ chế phối hợp liên ngành tồn tại song song thì mới giải quyết hiệu quả tình trạng bất bình đẳng giới. Theo đó,

UBQG nên giao cho một Phó Thủ tướng đảm nhiệm đồng thời giữ nguyên mô hình thành viên kiêm nhiệm như hiện nay, có văn phòng giúp việc. Tương tự như vậy, ở các bộ ngành, địa phương cũng giữ nguyên bộ máy như hiện nay nhưng người chuyên trách sẽ là 01 lãnh đạo cấp phó của bộ ngành, địa phương.

Với mô hình như trên, có lẽ sẽ phù hợp với yêu cầu và bối cảnh hiện nay của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước CEDAW về bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ.

Nhà nước giao cho Tổng cục thống kê chủ động xây dựng bộ số liệu thống kê về giới và hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện theo mẫu thống kê có tách biệt giới này.

Một phần của tài liệu Quyền của phụ nữ trong lĩnh vực lao động dưới góc độ thực hiện công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam (CEDAW) (Trang 104)