VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG 2.1 Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Một phần của tài liệu Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 27)

2.1 Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Thời hạn chuẩn bị xét xử là khoảng thời gian do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để Toà án nói chung và Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà nói riêng thực hiện các công việc như nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các yêu cầu khiếu nại của người tham gia tố tụng, thay đổi áp dụng biện pháp ngăn chặn...

Khoản 2 Điều 151 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm như sau:

“Trong thời hạn không quá ba mươi ngày đối với tội ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội nghiêm trọng, hai tháng đối với tội rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán phải ra quyết định sau đây:

a. Đưa vụ án ra xét xử;

b. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, phải mở phiên toà trong thời hạn 15 ngày; trong trường hợp có lý do chính đáng thì có thể mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày.

Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận lại hồ sơ phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.”

Như vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm được quy định khác nhau tuỳ thuộc vào tính nguy hiểm của hành vi phạm tội. Tuỳ thuộc vụ án phức tạp hay đơn giản, Chánh án có thể kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm từ 15 đến 30 ngày. Tuy nhiên về thời hạn chuẩn bị xét xử trong thực tiễn áp dụng còn tồn tại một số vấn đề.

- Thứ nhất: Thời điểm bắt đầu thời hạn chuẩn bị xét xử

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thời điểm bắt đầu thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ khi nhận hồ sơ. Để làm rõ hơn về quy định này, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên nghành số 01- TTLN ngày 8/12/1988 hướng dẫn thi hành một số quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự trong đó nêu rõ “ngày Toà án nhận hồ sơ do Viện kiểm sát chuyển sang là ngày bắt đầu tính thời hạn chuẩn bị xét xử của Toà án.”. Ngay sau khi nhận hồ sơ, Toà án phải vào sổ thụ lý và đóng dấu hoặc ghi ngày nhận hồ sơ vào bìa hồ sơ (góc bên trái).

Trong quá trình áp dụng thực tế vẫn có những quan điểm khác nhau. Có ý kiến cho rằng, thời điểm bắt đầu của thời hạn chuẩn bị xét xử là khi Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà nhận hồ sơ. Bởi lẽ chủ thể chính trong hoạt động chuẩn bị xét xử là Thẩm phán, cho nên thời điểm bắt đầu phải là khi Thẩm phán nhận hồ sơ. Việc thụ lý vụ án của Toà án chỉ là những hoạt động hành chính, là bước chuyển từ Viện kiểm sát sang Toà án và là lề lối làm việc của Toà án. Bộ luật tố tụng hình sự chưa bao giờ quy định việc Toà án phải vào sổ thụ lý khi nhận hồ sơ. Việc thụ lý vụ án hình sự hiện nay trong các Toà án còn có sự khác nhau. Tại một số Toà án tỉnh, thành phố việc thụ lý hồ sơ do bộ phận hành chính trong Văn phòng đảm nhiệm, còn các Toà án cấp huyện do cán bộ văn phòng hoặc thư ký bộ phận hình sự phụ trách. Sau

khi vào sổ thụ lý, hồ sơ vụ án được chuyển đến người phụ trách lĩnh vực hình sự để xem xét và phân công Thẩm phán làm chủ toạ có trách nhiệm giải quyết vụ án. Vì vậy cần tính thời điểm bắt đầu chuẩn bị xét xử sơ thẩm là khi Thẩm phán nhận hồ sơ vụ án.

Theo chúng tôi không thể tính thời điểm bắt đầu thời hạn chuẩn bị xét xử theo quan điểm nêu trên vì như đã phân tích trong Chương I, Thẩm phán là chủ thể chính trong hoạt động chuẩn bị xét xử nhưng không phải là chủ thể duy nhất tiến hành các hoạt động chuẩn bị xét xử. Thời điểm bắt đầu của thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm chỉ có thể tính từ thời điểm Toà án vào sổ thụ lý. Việc xác định thời điểm bắt đầu như vậy sẽ tạo thuận lợi cho việc tính thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm, làm căn cứ cho để phát sinh các hoạt động tố tụng tiếp theo của Toà án. Đồng thời giúp cho Viện kiểm sát dễ dàng hơn trong việc giám sát việc áp dụng pháp luật của Toà án. Quyền lợi của những người tham gia tố tụng đặc biệt là bị cáo đựơc đảm bảo.

- Thứ hai: Xác định thời điểm kết thúc của thời hạn chuẩn bị xét xử Hiện nay, tuy không có hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao nhưng các Toà án đều coi thời điểm kết thúc là khi mở phiên toà. Theo khoản 1 Điều 151, Thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu tố tụng, tiến hành các việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà nên thời điểm kết thúc của các hoạt động chuẩn bị là khi Toà án mở phiên toà sơ thẩm. Như vậy, thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm là thời gian mà Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ cộng với thời gian chuẩn bị các công việc cần thiết sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp đặc biệt như vụ án phức tạp hoặc có lý do chính đáng cần kéo dài thời gian chuẩn bị xét xử thì thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa đối với tội ít nghiêm trọng là 75 ngày; tội nghiêm trọng là 90 ngày; tội rất nghiêm trọng là 105 ngày; tội đặc biệt nghiêm trọng là 135 ngày.

đáng vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Trong một số hướng dẫn đối với một số điều luật như Thông tư liên ngành số 02 ngày 12/1/1989 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, Bộ nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều luật thì vụ án phức tạp được xác định là vụ án “có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất về tính chất hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Đối với căn cứ “có lý do chính đáng” tuy chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng một số Toà án quyết định mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày khi người tiến hành tố tụng như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên bị ốm...hoặc khi Luật sư đề nghị vì không thể tham gia phiên toà được v.v... Trường hợp mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày cũng được áp dụng đối với những vụ án lớn, có ảnh hưởng đến dư luận xã hội, những vụ liên quan đến an ninh quốc phòng cần phải chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, vì không có quy định hướng dẫn cụ thể nên thực tế nhiều Thẩm phán đã lợi dụng để kéo dài thời gian chuẩn bị xét xử gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

- Thứ ba: Xác định thời hạn chuẩn bị xét xử khi Toà án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Toà án có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu có căn cứ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 (Bộ luật 2000), “nếu Toà án trả hồ sơ điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng. Viện kiểm sát hoặc Toà án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần.”. Hiện nay, thời hạn điều tra bổ sung không được ghi nhận trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Khi Toà án nhận hồ sơ từ Viện kiểm sát sau khi Viện đã điều tra bổ sung thì Toà án tiếp tục tính thời hạn xét xử sơ thẩm. Sau 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tác giả Nguyễn Thanh Hải đã có ý kiến cho rằng “thời hạn chuẩn bị xét xử của trường hợp vụ án phức tạp phải trả hồ sơ điều tra bổ sung lại ngắn hơn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án phức tạp nhưng không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung” [11,tr.35]. Đối với vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tác giả đã tính tổng thời gian chuẩn bị xét xử mà không tính thời gian kéo dài nếu vụ án phức tạp. Cách hiểu này theo chúng tôi là chưa đúng vì theo quy định của khoản 2 Điều 151 (Bộ luật 2000) “trong thời hạn 30 ngày, 45 ngày... Thẩm phán phải ra các quyết định như đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu vụ án phức tạp có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội ít nghiêm trọng”. Như vậy, việc kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử phải được quyết định trước khi Thẩm phán ra một trong bốn quyết định được nêu trong Điều 151. Theo cách xác định này thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong trường hợp trả hồ sơ để điều trả bổ sung cần phải cộng thêm 15 ngày mà Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sau khi hồ sơ được chuyển lại cho Toà án. Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án phức tạp cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung sẽ dài hơn so với vụ án phức tạp nhưng không cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, việc coi thời hạn điều tra bổ sung của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra khi Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung như quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, theo chúng tôi là chưa khoa học. Chuẩn bị xét xử sơ thẩm là các hoạt động tố tụng của Toà án, việc Viện kiểm sát thực hiện việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của Toà án cũng là hoạt động tố tụng được tiến hành nhằm chuẩn bị xét xử. Vì vậy, thời hạn chuẩn bị xét xử cần phải ghi nhận cả thời hạn để Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra điều tra bổ sung theo yêu cầu của Toà án. Nếu quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm bao gồm cả thời hạn điều tra bổ sung của Viện kiểm sát sẽ tạo ra sự minh bạch của pháp luật, giúp cho việc áp dụng pháp luật dễ dàng hơn.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, tuy đã có rất nhiều thay đổi, bổ sung nhưng những quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm nhìn chung là giữ nguyên như quy định của Bộ luật 2000 trừ quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử trong thủ tục rút gọn. Theo Điều 324 Bộ luật 2003, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong bốn quyết định như quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án. Trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Như vậy, nếu vụ án đựơc xét xử theo thủ tục rút gọn thì sau 14 ngày kể từ ngày nhận được vụ án Toà án phải mở phiên toà. Nếu không quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Toà án phải chuyển trả hồ sơ cho Viện kiểm sát và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung. Tuy nhiên các quy định này của Bộ luật 2003 chỉ có thể được thi hành bắt đầu từ 1/7/2004.

Thực tế, hiện nay các Toà án vẫn vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tình trạng án tồn đọng, án quá hạn còn chiếm đến 10% số vụ án được Toà án thụ lý hàng năm. Cụ thể: Bảng 1 [21][22][23] 2000 2001 2002 Số vụ cần giải quyết 46.476 46.347 44.196 Số vụ đưa ra XX 41.942 41.712 43.851 Tỷ lệ 90% 89.9% 99.2%

Thời hạn chuẩn bị xét xử một vụ án, tuỳ thuộc vào tính chất và sự phức tạp của vụ án mà thực tế có Toà án chỉ mất hơn 10 ngày đã đưa vụ án ra xét xử nhưng cũng có những vụ án, thời gian chuẩn bị kéo dài đến 6 tháng.

Một phần của tài liệu Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)