Những việc làm cần thiết để chuẩn bị mở phiên toà

Một phần của tài liệu Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 63 - 68)

Sau khi thấy đủ điều kiện để mở phiên toà, Thẩm phán được phân công ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Mặc dù, về mặt nội dung đã được chuẩn bị nhưng các điều kiện khác giúp cho việc xét xử tại phiên toà cũng góp phần không nhỏ vào việc giải quyết vụ án một cách có hiệu quả.

2.4.1 Triệu tập người tham gia tố tụng đến phiên toà

Để đảm bảo cho phiên toà được khách quan, đúng thủ tục Toà án phải triệu tập những người tham gia tố tụng đến phiên toà. Tuỳ thuộc vào từng vụ án mà Toà án có thể triệu tập người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng... nhưng riêng bị cáo là người bắt buộc phải tham

gia phiên toà trừ trường hợp đặc biệt.

Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo chậm nhất 10 ngày trước khi mở phiên toà. Trong trường hợp bị cáo là người thành niên thì quyết định đưa vụ án ra xét xử phải giao cho người đại diện hợp pháp của họ. Nếu bị cáo mời người bào chữa thì Toà án phải giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho người bào chữa chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên toà.

Khi giao nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử phải lập biên bản và yêu cầu bị cáo ký. Biên bản phải ghi rõ ngày giờ, tháng, năm giao quyết định và ý kiến của bị cáo về việc có yêu cầu, đề nghị gì tại phiên toà không như có mời người bào chữa hay cần báo tin cho ai, địa chỉ. Một số Toà án để đảm bảo không phải hoãn phiên toà đã hỏi bị cáo có đề nghị mời người bào chữa không khi giao quyết định đưa vụ án ra xét xử. Bị cáo đồng ý hay không đồng ý thì phải tự ghi vào biên bản. Nếu bị cáo không nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, thư ký phải hỏi lý do và ghi rõ trong biên bản. Khi giao quyết định đưa vụ án ra xét xử phải có người chứng kiến và ký xác nhận dưới biên bản. Biên bản giao quyết định đưa vụ án ra xét xử phải lập thành hai bản, một bản giao cho bị cáo còn một bản lưu vào hồ sơ vụ án.

Trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện hợp pháp của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền, xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Ngoài quyết định đưa vụ án ra xét xử, khi vụ án bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ thì Toà án phải giao các quyết định này cho bị cáo, người bào chữa, người bị hại, người đại diện hợp pháp cho bị cáo (nếu bị cáo chưa thành niên). Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà (Điều 158 Bộ luật 2000, Điều 183 Bộ lụât

2003). Những người cần xét hỏi có thể là người bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...

Việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử hay triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà do các Thư ký tiến hành. Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo giấy triệu tập do không nghiên cứu hồ sơ, không nắm được chính xác các thông tin về người cần triệu tập nên thực tế nhiều trường hợp Thư ký làm giấy triệu tập không đúng tên, địa chỉ. Việc gửi giấy triệu tập cho người cần xét hỏi theo luật không quy định thời hạn như đối với bị cáo nên đã xảy ra trường hợp mai phiên toà hôm nay người được triệu tập mới nhận được giấy báo. Triệu tập người cần được xét hỏi đến phiên toà hiện nay được tiến hành rất hình thức nhiều khi Thư ký làm cho xong thủ tục. Giấy triệu tập mỗi Toà án làm theo các hình thức khác nhau. Có Toà làm thành giấy triệu tập, đánh máy và thể hiện đầy đủ nội dung cần thiết nhưng có Toà chỉ ghi danh sách những người cần triệu tập rồi cho tất cả rồi những người được triệu tập ký tên ở bên dưới.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ người tham gia tố tụng khác thì được gửi giấy báo. Nhưng thực tế, không phải Toà án nào cũng nhớ phải gửi cho họ. Nếu Toà án có gửi thì cũng không có biên bản giao nhận mà thường gửi bằng đường bưu điện như các giấy tờ công văn khác.

2.4.2 Mời Hội thẩm nhân dân

Sau khi, Thẩm phán chủ toạ phiên toà ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thư ký tiến hành mời Hội thẩm nhân dân. Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trao đổi về vụ án trước khi xét xử. Trước đây trong Bộ luật 2000, không quy định Hội thẩm nhân dân phải nghiên cứu hồ sơ, nhưng trong xét xử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân có quyền ngang nhau nên thực tế Hội thẩm nhân dân cần phải nghiên cứu hồ sơ. Việc nghiên cứu trước hồ sơ sẽ giúp cho các

Hội thẩm nắm bắt được nội dung vụ án cũng như có sự chuẩn bị về việc xét xử tại phiên toà. Bộ luật 2003 đã quy định Hội thẩm nhân dân có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà [điểm a, khoản 1 Điều 40].

Hiện nay, do Hội thẩm nhân dân là những người kiêm nhiệm nên thời gian để nghiên cứu hồ sơ rất ít. Thông thường Hội thẩm nhân dân phó mặc cho các Thẩm phán.

2.4.3 Lên lịch xét xử

Đây là một công việc cần thiết giúp cho việc xét xử có kết quả. Thẩm phán phải lên lịch xét xử đối với những vụ án mà mình được phân công làm chủ toạ phiên toà. Trong lịch xét xử phải ghi rõ, ngày giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên toà.

Khi lên lịch xét xử, Thẩm phán phải gửi lịch phiên toà cho Thủ trưởng Cơ quan Công an cùng cấp chậm nhất là 7 ngày trước ngày mở phiên toà. Nếu phiên toà lưu động thì Toà án phải gửi lịch phiên toà chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên toà. Trong lịch phiên toà và công văn yêu cầu bảo vệ phiên toà cần nói rõ thời gian, địa điểm mở phiên toà, dự kiến phiên toà sẽ tiến hành trong mấy ngày (hoặc mấy buổi), dự kiến tình hình xấu có thể xảy ra tại phiên toà, cần bao nhiêu cán bộ chiến sĩ cảnh sát để bảo vệ [Thông tư liên nghành số 03/TTLN ngày 12-4-1990 hướng dẫn việc bảo vệ phiên toà và xử lý người vi phạm trật tự phiên toà].

Lịch phiên toà phải đảm bảo việc giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo ít nhất là 10 ngày. Ngoài ra, Toà án phải thông báo lịch xét xử vụ án cho Viện kiểm sát để Kiểm sát viên được phân công giữ quyền công tố tại phiên toà biết để tham gia phiên toà. Hịên nay, việc thông báo lịch phiên toà được các Toà án tiến hành lên theo tháng nhằm giúp cho các Cơ quan tiến hành tố tụng liên quan chủ động chuẩn bị, tham gia phiên toà. Ngoài ra, trước

khi mở phiên toà, Toà án và Viện kiểm sát trao đổi về lịch phiên toà nếu thấy thời gian xét xử không thích hợp để Toà án hoãn phiên toà.

Ngoài ra, khi lên lịch xét xử, Thẩm phán và Thư ký tiến hành chuẩn bị phòng xử án, chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết.

*

* *

Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về chuẩn bị xét xử sơ thẩm và thực trạng áp dụng có thể thấy do kế thừa những quy định của pháp luật tố tụng hình sự trước đây, quy định của Bộ lụât tố tụng hình sự đã quy định tương đối đầy đủ và cụ thể, khắc phục được những bất cập trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự cũ. Nhưng trong quá trình thực hiện các quy định này đã bộc lộ những nhược điểm như: mặc dù đã quy định thành một chương trong Bộ luật tố tụng hình sự nhưng các quy định này vẫn không bao quát được hết các nội dung của chuẩn bị xét xử; nhiều quy định còn khó thực hiện, quy định quá chung chung; quyền của người tiến hành tố tụng ghi chưa được ghi nhận cụ thể. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những sửa đổi, bổ sung khắc phục những những vướng mắc của Bộ luật 2000 nhưng sự ghi nhận đó mới chỉ tập trung vào những vấn đề lớn của Bộ luật, còn trong hoạt động chuẩn bị xét xử cũng không có nhiều thay đổi. Nhiều quy định được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thường xuyên trong thực tiễn chuẩn bị xét xử vẫn không được pháp điển hoá. Dẫn đến việc hiểu và áp dụng tại mỗi địa phương, mỗi Toà án có những điểm khác biệt. Từ những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của pháp luật về chuẩn bị xét xử sơ thẩm nêu trên chình là cơ sở thực tiễn quan trọng để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về chuẩn bị xét xử sơ thẩm của Toà án cho phù hợp mà chúng tôi sẽ đề cập trong Chương 3 của luận văn.

Một phần của tài liệu Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)