Nguyên nhân của những hạn chế hiệu quả áp dụng quy định pháp luật về chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Một phần của tài liệu Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 68 - 72)

pháp luật về chuẩn bị xét xử sơ thẩm

3.1.1 Quy định của pháp lụât tố tụng hình sự về chuẩn bị xét xử sơ thẩm còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp

Chuẩn bị xét xử sơ thẩm là một hoạt động phức tạp của nhiều chủ thể khác nhau nhưng lại chỉ được ghi nhận điều chỉnh trong 8 điều luật, trong đó có những điều luật quy định chung chung, không rõ ràng. Thực trạng này xuất phát từ việc khi xây dựng các quy phạm pháp lụât để điều chỉnh hoạt động chủân bị xét xử sơ thẩm không đảm bảo các yêu cầu [4]:

Thứ nhất: Tính khoa học của các quy phạm pháp luật tố tụng hình sự về chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Việc xác định nội hàm của khái niệm chuẩn bị xét xử sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến việc quy định các nội dung của hoạt động chuẩn bị xét xử trong pháp luật tố tụng hiện hành còn thiếu và không điều chỉnh được đầy đủ các hoạt động chuẩn bị xét xử sơ thẩm trong thực tiễn. Nhiều hoạt động được các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành mà không được ghi nhận trong chương XVI Bộ luật 2000, chương XVII Bộ luật 2003 về chuẩn bị xét xử như việc kê biên tài sản, xử lý vật chứng... Dẫn đến tình trạng tuỳ nghi trong các hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm.

Bản thân các điều lụât được quy định chung chung, khó áp dụng như quy định về việc Toà án ra các quyết định trong chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Căn cứ “chứng cứ quan trọng không thể bổ sung tại phiên toà” để Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một ví dụ. Những quy định quá khái quát kiểu như căn cứ

để trả hồ sơ để điều tra bổ sung đã khiến cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, và là kẽ hở để nhiều người tiến hành tố tụng lợi dụng khi muốn sách nhiễu người dân hay trốn tránh trách nhiệm xét xử của mình.

Quy định của các quy phạm không minh bạch, lập lờ. Ví dụ: Điều 151 Bộ luật 2000, Điều 176 Bộ luật 2003 về thời hạn chuẩn bị xét xử quy định cụ thể thời hạn đối với các loại tội phạm khác nhau nhưng lại không quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc dẫn đến cách hiểu và cách tính thời hạn khác nhau. Ngoài ra, quy định vậy khiến cho người dân khi đọc luật không biết chính xác luật quy định thời hạn chuẩn bị xét xử là bao lâu. Vì vậy có rất nhiều khoảng thời gian cần tính ngoài thời hạn được ghi nhận.

Thứ hai: Việc ban hành một số quy định về chuẩn bị xét xử sơ thẩm chưa kịp thời. Mặc dù được ghi nhận trong một chương của Bộ luật tố tụng hình sự nhưng có những nội dung của chuẩn bị xét xử sơ thẩm vẫn không được luật ghi nhận. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong hoạt động tố tụng do các Thư ký Toà án tiến hành thường xuyên. Bộ luật 2003 tuy đã ghi nhận vị trí của Thư ký Toà án trong tố tụng hình sự nhưng lại không có ghi nhận chính xác hoạt động tố tụng mà Thư ký Toà án phải tiến hành trong hoạt động chuẩn bị xét xử. Hoạt động của Thư ký Toà án tuỳ thuộc vào sự phân công công việc của Chánh án. Điều này là không thoả đáng vì hoạt động tố tụng đối với mỗi chức danh cần được ghi nhận cụ thể trong luật chứ không thể được quy định như sự phân công hành chính. Cần phải phân biệt chức năng hành chính và chức năng tố tụng của Thư ký Toà án. Vì thực tế, Thư ký toà án là những người có vai trò rất tích cực trong các hoạt động tố tụng được tiến hành trong quá trình chuẩn bị xét xử. Họ là những người trợ giúp, giúp việc cho Thẩm phán trong hoạt động chuẩn bị xét xử. Nhiều hoạt động tố tụng như chuyển giao các quyết định cho bị cáo, người bị hại, người có nghĩa vụ liên quan... hay giúp thẩm phán trong các hoạt động chuẩn bị phòng xử án, lên

lịch xét xử....

3.1.2 Năng lực của Thẩm phán còn hạn chế và cơ cấu tổ chức của Toà án không hợp lý

Tuy các quy định của pháp lụât tố tụng hình sự về chuẩn bị xét xử còn có những hạn chế nhưng một trong những nguyên nhân làm cho việc áp dụng không đạt được hiệu quả là do yếu tố áp dụng pháp luật của những người có thẩm quyền. Việc áp dụng pháp luật còn sai sót, không đầy đủ phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân như do trình độ năng lực, do ý thức và tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán, do cơ cấu tổ chức của Toà án chưa hợp lý...

* Năng lực và ý thức, tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán còn hạn chế

Theo Luật tổ chức Toà án, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân thì tiêu chuẩn để bổ nhiệm thẩm phán là có trình độ cử nhân luật, đạo đức tốt và được đào tạo về kỹ năng nghề nhưng mặc dù Pháp lệnh đã được ban hành nhiều năm nhưng thực tế nhiều Toà án vẫn còn tình trạng thẩm phán chưa có bằng cử nhân luật, được bổ nhiệm mà không có chứng chỉ đào tạo nghề.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp năm 2000, trong số 2276 Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện chỉ có 16% có trình độ đại học Luật chính quy và trên đại học; đại học luật tại chức, chuyên tu chiếm 67%; cao đẳng chiếm 3%; luân huấn chiếm 11%; trung cấp chiếm 3% [14,tr.188]. Trong đó Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện có tới 262 người chỉ có trình độ luân huấn luật, có 72 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác không phải là luật. ở Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn còn tới 72 Thẩm phán chỉ có trình độ luân huấn luật [17,tr.8]. Trong đó có một số địa phương vẫn có tình trạng Thẩm phán chưa có bằng cử nhân Luật trong đó có cả các cấp lãnh đạo của một số Toà. Chẳng hạn như tỉnh Đồng Tháp có 17/45 Thẩm phán cấp huyện chưa có bằng cử nhân Luật; tỉnh Khánh Hòa có 04 lãnh đạo Toà án cấp

huyện chưa có bằng cử nhân Luật.

Việc bổ nhiệm thẩm phán từ năm 2000 đến nay bắt buộc phải có chứng chỉ đào tạo nghề nhưng có nhiều địa phương do không đủ biên chế đã phải bổ nhiệm cả những người chưa được đào tạo. Tính đến nay có khoảng hơn 100 Thẩm phán được bổ nhiệm mà không qua khoá đào tạo nghề. Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp hàng năm đào tạo khoảng 250 học viên làm nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán cho Toà án các địa phương. Tính từ ngày thành lập Trường đến nay nhà trường đã đào tạo được hơn 1.250 học viên. Tuy nhiên số lượng này vẫn không đủ để bổ sung số Thẩm phán cấp huyện cần thiết để đảm bảo việc xét xử đạt chất lượng cao hơn.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do trong một thời gian dài tiêu chuẩn đầu vào của ngành Toà án thấp. Tình trạng tuyển biên chế không có bằng cử nhân luật rồi cử đi đào tạo chuyên môn phổ biến ở hầu hết các Toà án trong cả nước. Sự đãi ngộ nhằm thu hút những người xuất sắc thi tuyển vào ngành Toà án còn rất hạn chế và hầu như chưa có. Biên chế cho ngành Toà án rất hạn hẹp.

Ngoài năng lực hạn chế, việc chuẩn bị xét xử sơ thẩm không tốt còn phục thuộc vào chính tinh thần, thái độ làm việc của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà. Có một số Thẩm phán đã quá ỷ lại việc điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát mà không nghiên cứu kỹ hồ sơ. Hoặc nghiên cứu thì nghiên cứu rất sơ sài, hình thức dẫn đến việc xét xử công khai tại phiên toà còn phiến diện một chiều. Việc chuẩn bị mở phiên toà không được quan tâm đúng mức, nhiều Thẩm phán giao trọn cho Thư ký phiên toà mà không kiểm tra, xem xét. Dẫn đến tình trạng triệu tập sai người tham gia phiên toà, giấy triệu tập không gửi đến đúng địa chỉ khiến cho phiên toà bị hoãn vì lỗi của Toà án.

Hiện nay, tính đến ngày 30-9-2000, đã có trên 3.000 Thẩm phán được Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm trong đó có 97 Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, 929 Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh và 2288 Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện [13,tr.2]. Trong đó có 21 Toà án nhân dân cấp huyện có một Thẩm phán, 131 Toà án huyện có hai Thẩm phán [14]. Theo báo cáo về biên chế của ngành Toà án, để đáp ứng được đòi hỏi của công việc ngành Toà án cần bổ sung thêm khoảng 1.300 thẩm phán trong đó cấp tỉnh bổ sung 97 người; cấp huyện bổ sung thêm 940 người. Có một số tỉnh thiếu Thẩm phán trầm trọng như Toà án nhân dân tỉnh Hưng yên thiếu 50% số biên chế Thẩm phán; thành phố Hải phòng cần bổ sung thêm 12 thẩm phán, 23 thư ký phiên toà.

Tình trạng thiếu cán bộ đã tạo ra áp lực về chất lượng và tiến độ công việc. Một thẩm phán của quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh trong một tháng trung bình phải giải quyết từ 12 - 15 vụ án. Với mật độ án phải xử trong một tháng lớn như vậy thì vấn đề chất lượng và thời gian chuẩn bị xét xử cũng khó có thể đòi hỏi ở mức cao.

Việc quy định nguồn bổ nhiệm thẩm phán từ thư ký toà án như hiện nay đã dẫn đến tình trạng không có thư ký chuyên biệt, thạo nghề. Tình trạng thư ký lâu năm thì được cất nhắc bổ nhiệm mà không xét đến trình độ năng đã làm cho chất lượng của các hoạt động xét xử của Thẩm phán không cao. Đối tượng để bổ nhiệm thẩm phán còn hẹp, chỉ xét đến biên chế trong Toà án mà cụ thể là ngạch Thư ký toà án. Nguồn đối tượng có khả năng chuyên môn, hiểu biết pháp luật sâu như các lụât sư giỏi hay đội ngũ các nhà nghiên cứu, chuyên gia lụât không có cơ chế để bổ nhiệm thẩm phán. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ dành cho Thẩm phán, Thư ký như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của họ.

Một phần của tài liệu Chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 68 - 72)