Đối với NHNN, để khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng, NHNN cần chủ động điều hành lãi suất tín dụng và định hướng cho các NHTM trong việc sử dụng nguồn vốn huy động của mình. Cụ thể:
Thứ nhất, nhanh chóng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên cơ sở cân nhắc lạm phát. Trước hết là tiếp tục giảm trần lãi suất huy động với nguồn vốn dưới 12 tháng, bởi muốn giảm được lãi suất cho vay, trước hết phải điều chỉnh lãi suất huy động. Lãi suất huy động trước mắt có thể giảm thêm 1%/năm và tiếp tục xem xét để giảm dần vào những tháng cuối năm, dựa trên diễn biến của thị trường và tình hình lạm phát. Chỉ khi hạ lãi suất để kích thích đầu tư cũng như tăng sức mua trên thị trường, mới có thể giải quyết được các điểm nghẽn của nền kinh tế, doanh nghiệp mới có thể hoạt động được. Một khi dòng vốn được lưu thông, khả năng cao sẽ di chuyển sang các kênh đầu tư khác như thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Điều này sẽ góp phần cho sự hồi phục thị trường bất động sản cũng như giải quyết vấn đề nợ xấu ở các ngân hàng do thị trường này gây ra. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, trong ngắn hạn, NHNN phải xác lập một hạn mức tín dụng với lãi suất thấp dưới 10% nhằm đảm bảo cho sự hoạt động của các doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng cường kiểm tra việc triển khai tín dụng tại các NHTM, tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế, đẩy mạnh ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu.
Thứ ba, nhanh chóng giải quyết nợ xấu. (i) Đề án thành lập công ty quản lý tài sản Việt Nam cần nhanh chóng được hoàn thành và phê duyệt, để có thể đưa vào hoạt động sớm nhất có thể; (ii) NHNN cần chủ động chỉ đạo các TCTD tiến hành cơ cấu lại nợ, phân loại nợ xấu, tìm biện pháp cụ thể đối với từng loại nợ xấu khác nhau; (iii) Rà soát thực trạng hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, chống sở hữu chéo và liên kết nhóm lợi ích. Gắn tái cơ cấu các tổ chức tín dụng với việc xử lý các sự việc cố ý làm trái để thu lợi của một số tổ chức, cá nhân để từng bước đưa hoạt động tài chính tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đối với Chính phủ, để khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Chính phủ cần giải quyết vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp, sử dụng chính sách tài khóa một cách linh hoạt, cụ thể:
Thứ nhất, tạo ra nguồn cầu dài hạn cho nền kinh tế theo hướng khởi động lại các gói kích cầu để tăng tiêu dùng và đầu tư; có chính sách bù đắp một phần lãi suất đối với những khoản vay được các ngân hàng tiến hành giãn nợ và khoanh nợ, trước hết là đối với những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và công nghệ tiên tiến nhưng do hàng tồn đọng nên chưa dám mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm giảm tỷ lệ hàng tồn kho, kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, cần kiểm soát giá cả của các mặt hàng độc quyền, tránh việc tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp trong tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn.
Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa một cách linh hoạt: Đầu tiên cần thay đổi cách nhìn về chính sách tài khóa. Từ trước đến nay chính sách tài khóa
gần như chỉ phục vụ cho mục tiêu giảm thâm hụt NSNN, đảm bảo cho các kế hoạch thu chi của Chính phủ. Điều này đã tạo nên sự bị động, chậm trễ trong việc điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa nên gắn với vấn đề giải quyết nợ xấu của các doanh nghiệp, có kế hoạch phân bổ nguồn chi hợp lý cứu giúp các doanh nghiệp thay vì chú trọng tăng nguồn thu bằng cách nâng thuế phí. Một trong những công tác đầu tiên cần được thực hiện là xây dựng lộ trình giảm thuế cho doanh nghiệp xuống mức 20% trong vòng 5 năm tới, nghiên cứu các hạng mưu ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, Chính phủ có thể gia tăng thời hạn giãn thuế nhằm giảm gánh nặng thuế trước mắt cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng mọi nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.