0
Tải bản đầy đủ (.doc) (68 trang)

Nhận định, giải thích

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN DỤNG NGÂN HÀNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 52 -52 )

Kết quả kiểm định các yếu tố của mô hình cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau, cụ thể:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và tốc độ tăng trưởng tín dụng có mối quan hệ thuận chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể hệ số R2= 0.624636, thể hiện tăng trưởng tín dụng giải thích được 62.4636% sự thay đổi của tốc độ tăng trưởng kinh tế, hay đóng góp của tăng trưởng tín dụng đối với sự tăng trưởng kinh tế là 62.4636%. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, như đã trình bày ở trên, kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo chiều rộng, vì vậy vốn là nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam với 12 năm phát triển chưa thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế, và tín dụng ngân hàng trở thành kênh dẫn vốn chủ yếu, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thứ hai, sự ảnh hưởng của tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2007 – 2012 tới tăng trưởng kinh tế là thấp hơn giai đoạn 2001 – 2006, chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ngân hàng thời kỳ 2007 – 2012 đã sụt giảm so với thời kỳ trước đó. Nếu như giai đoạn 2001 – 2006, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng 1%,

tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng 0.087043%, thì giai đoạn 2007 – 2012, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng 1%, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 0.046231%, giảm gần một nửa so với thời kỳ trước đó. Nguyên nhân của sự sụt giảm hiệu quả tín dụng ngân hàng là do:

Thứ nhất, về phía NHNN, việc điều hành chính sách tiền tệ ở một số công cụ liên quan đến tín dụng ngân hàng còn mang tính hành chính cao, nhưng không triệt để. Cụ thể, về lãi suất, năm 2010, trần lãi suất huy động được thiết lập ở mức 14%

trong hoàn cảnh các NHTM đều đang gặp khó khăn về thanh khoản. Kết hợp với việc thiếu cơ chế giám sát và xử lý sai phạm, trần lãi suất huy động thực tế đã được đẩy lên tới mức 17 – 18%/năm. Hậu quả là mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay. Về hạn mức tín dụng, việc phân nhóm ngân hàng và hạn mức còn chưa căn cứ vào năng lực và khả năng của từng ngân hàng, dẫn tới tình trạng chuyển chỉ tiêu tín dụng giữa các ngân hàng với nhau. Về tín dụng phi sản xuất, năm 2011, NHNN ban hành quy định đến 30/6/2011 tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa phải là 22% và đến 31/12/2011 tối đa là 16%, gây khó khăn đối với nhóm ngành bất động sản và thị trường chứng khoán. Kết quả là hàng nghìn doanh nghiệp xây dựng lâm vào tình trạng phá sản, thị trường chứng khoán lao dốc, gây tổn thất nặng nề với nền kinh tế.

Ngoài ra, dư địa của chính sách tiền tệ dần dần đã hết, việc tăng trưởng tín dụng được thực hiện theo kế hoạch, kết hợp với hàng loạt các kế hoạch tăng giá xăng, điện cùng thời điểm đã khiến sức khỏe của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp giảm sút, kéo theo đà tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Mặc dù các biện pháp mà NHNN đưa ra nhằm điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2007 – 2012 còn mang tính ứng phó tạm thời, nhưng là tốt nhất trong thời điểm hiện tại, song về dài hạn, cần dần loại bỏ các biện pháp này nhằm hướng tới tính bền vững dài hạn của thị trường.

Thứ hai, về phía các NHTM, giai đoạn 2007 – 2012 cũng là giai đoạn mà hệ thống ngân hàng tiếp nhận được những luồng vốn mới trong và ngoài nước. Vốn huy động được nhiều nhưng lại thiếu sự định hướng từ NHNN. Hiện tượng dư thừa vốn huy động khiến việc cấp tín dụng trở nên dễ dãi. Hậu quả là rủi ro đạo đức xảy ra, khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng cao. Tính đến tháng 3/2012, theo

công bố của NHNN, nợ xấu của toàn hệ thống đã lên tới mức 8.6%. Ngoài ra, do lo ngại rủi ro và nợ xấu, nguồn vốn huy động dư thừa còn được NHTM sử dụng không nhằm mục đích tín dụng như đầu tư vào TPCP để tìm kiếm sự an toàn, hoặc đầu tư vào TTCK nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn gây lãng phí nguồn lực và tiềm ẩn rủi ro cao. Kết hợp với các hạn chế của thời kỳ trước đó như công tác thẩm định dự án và phân tích tín dụng chưa chuyên nghiệp; các cán bộ tín dụng còn dễ dãi trong việc xét duyệt hồ sơ, việc cấp tín dụng đôi khi còn dựa theo quan hệ, vị thế của khách hàng; việc kiểm tra, giám sát khách hàng sau khi cấp tín dụng chưa được thực hiện triệt để, đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, về phía doanh nghiệp, thời kỳ 2007 – 2012 là thời kỳ mà kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế thế giới cùng các chính sách thắt chặt chi tiêu của người dân giai đoạn 2010 – 2012 đã khiến tổng cầu suy giảm. Một bộ phận doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng song không thể mở rộng quy mô sản xuất, cùng với chính sách tín dụng lỏng lẻo đã khiến rủi ro đạo đức xảy ra, vốn tín dụng bị sử dụng sai mục đích. Vốn từ tín dụng ngân hàng không được doanh nghiệp sử dụng để mở rộng sản xuất kinh doanh mà để đảo nợ, đầu tư vào những ngành rủi ro lớn như chứng khoán, bất động sản, ngoại hối... hay mở rộng sang các ngành kinh doanh khác mà doanh nghiệp không có lợi thế. Hậu quả là khi rủi ro xảy ra, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều tổn thất.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng của Việt Nam giai đoạn 2007 – 2012 phát triển không bền vững. Số ngân hàng nhỏ, kém chất lượng chờ tái cơ cấu chiếm một

tỷ trọng lớn trong tổng số ngân hàng tại Việt Nam. Hiện tượng sở hữu chéo, lợi ích nhóm vẫn còn tồn tại, gây sự bất ổn cho toàn hệ thống. Cụ thể vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt vào ngày 21/8 đã trực tiếp ảnh hưởng đến tính thanh khoản của toàn hệ

thống, buộc NHNN phải bơm ra hơn 20.000 tỷ qua thị trường mở để hỗ trợ các NHTM, tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt. Mặc dù nước ta hiện nay đang thực hiện tái cơ cấu hệ thống tài chính trong đó trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với những thương vụ M&A điển hình như SHB và Habubank nhưng vẫn cần thời gian để hệ thống ngân hàng cũng như hệ thống tài chính ổn định. Và như đã nói ở chương 1, một hệ thống tài chính bền vững đóng vai trò rất quan trọng đối với việc chuyển tiết kiệm thành đầu tư, cung cấp vốn cho nền kinh tế. Chính vì vậy, sự không bền vững của hệ thống ngân hàng hiện nay cũng là một trong số các nguyên nhân làm giảm vai trò của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam có mối quan hệ thuận chiều với nhau. Song tác động của tăng trưởng tín dụng tới sự tăng trưởng của nền kinh tế đang ngày càng giảm sút, đặc biệt với đặc điểm tăng trưởng theo chiều rộng của kinh tế Việt Nam thì sự suy giảm hiệu quả tín dụng ngân hàng cùng hàng loạt các nguyên nhân khác đã khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm so với thời kỳ trước đó, đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với Chính phủ, NHNN, và các chủ thể khác nhằm tăng cường hiệu quả của vốn tín dụng ngân hàng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

CHƯƠNG 3 – KHUYẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH TÍN DỤNG NGÂN HÀNG HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ BỀN VỮNG.

Một phần của tài liệu MỐI QUAN HỆ GIỮA TÍN DỤNG NGÂN HÀNG VÀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 52 -52 )

×