Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp năm 1992

Một phần của tài liệu Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước (Trang 62)

Khác với Hiến pháp năm 1980, trong Hiến pháp 1992, sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các nhánh quyền lực nhà nước đã được khái quát hóa thành quan điểm tổng quát: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” [49]. Quy định này cho phép khẳng định rằng Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung 2001) đã vận dụng quan điểm về sự thống nhất của quyền lực nhà nước và những nguyên lý của lý thuyết phân quyền trong tổ chức quyền lực nhà nước dưới dạng phân công chức năng, phân định thẩm quyền và từ đó dẫn đến sự kiểm soát giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất bắt nguồn từ đời sống chính trị, xã hội ở nước ta mà trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thực tế này đòi hỏi việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính điều này quyết định sự thống nhất về khía cạnh chính trị của quyền lực nhà nước. Với quan điểm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, còn nhân dân là mộ thế thống nhất bao gồm tất cả các dân tộc, giai cấp, tầng lớp cùng sinh sống lao động trên lãnh thổ Việt Nam, do đó quyền lực của nhân dân là thống nhất, không bị phân chia.

Theo quy định của Hiến pháp 1992, các cơ quan khác của nhà nước đều do cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp hay gián tiếp lập nên và trao cho nó những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định [49]. Việc trao cho những cơ quan này các nhiệm vụ quyền hạn nhất định là để thực hiện quyền lực nhà nước chứ không phải trao quyền lực nhà nước, do đó khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan nhà nước đều phải nhân danh quyền lực nhà nước chứ không phải bản thân quyền lực nhà nước. Nếu tiếp cận từ góc độ chính trị và xã hội học, quyền lực nhà nước là thống nhất do đó quyền lực nhà nước sẽ không bao giờ bị phân chia thành các bộ phận cho từng cơ quan nhà nước, mà mỗi cơ quan nhà nước, trừ cơ quan quyền lực nhà nước, đều chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện quyền lực nhà nước thống nhất đó. Để thiết lập nên bộ máy nhà nước, các cơ quan khác của nhà nước đều do cơ quan quyền lực nhà nước thiết lập nên, do đó quyền lực của các cơ quan khác của nhà nước đều là quyền lực “phái sinh”.

Để thực hiện quyền lực kể trên cần có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đang đảm nhiệm các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp và từ đó tạo ra cơ chế kiềm chế, kiểm soát lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực này.

Một phần của tài liệu Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước (Trang 62)