Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp năm 1980

Một phần của tài liệu Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước (Trang 57)

Vẫn đi theo logic của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, Điều 6 Hiến pháp 1980 quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Nhưng khác với Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 bổ sung thêm quy định: “Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là cơ sở chính trị của hệ thống cơ quan Nhà nước”. Từ quy định này dẫn đến nhận thức là nhân dân trao trọn vẹn quyền lực của mình cho các cơ quan đại diện. mọi cơ quan nhà nước đều do cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp thành lập nên, thẩm quyền của các cơ quan đó đều bắt nguồn từ thẩm quyền của cơ quan quyền lực. Hay nói cách khác, quyền lực của các cơ quan khác của nhà nước đều bắt nguồn từ quyền lực của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo Hiến pháp năm 1980 nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước theo hướng tập quyền đã được quán triệt một cách triệt để, quan điểm làm chủ tập thể được thể hiện rõ. Quốc hội là cơ quan nhà nước có quyền lực tối cao, có vai trò chi phối tuyệt đối đối với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Quốc hội được xây dựng theo đúng tinh thần cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thống nhất các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và giám sát, là “tập thể hành động”. Hội đồng Bộ trưởng thực hiện chức năng hành pháp qua sự bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật, tổ chức thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước, thống nhất quản lý việc cải tạo, xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc dân, việc xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật... Theo Hiến pháp năm 1980 quyền hành pháp vẫn được ghi

nhận, nhưng có sự thay đổi lớn, nó không còn độc lập với lập pháp. Vì quyền hành pháp được nhập lại với quyền lập pháp và thuộc về cơ quan lập pháp.

Hiến pháp năm 1980 đi theo hướng tập trung quyền lực vào cơ quan quyền lực nhà nước. Mối tương quan giữa lập pháp và hành pháp không được xác định rõ ràng như hiến pháp 1946, thậm chí mờ nhạt hơn so với cả Hiến pháp 1959. Có thể nói về khía cạnh này, đó là sự thụt lùi về kỹ thuật tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Điều này thể hiện ở quy định: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, còn Hội đồng bộ trưởng là Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Như vậy, Chính phủ chỉ là cơ quan chấp hành và hành chính cao nhất của Quốc hội chứ không phải là cơ quan hành chính cáo nhất của nước. Những quy định này được cho là bắt nguồn từ logic: nhân dân bầu nên cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan quyền lực nhà nước bầu nên cơ quan chấp hành từ số các đại biểu của mình, thay mặt mình tổ chức thực hiện các quyết định do mình ban hành và điều hành mọi mặt đời sống đất nước.

Quan điểm tập quyền, tập trung quyền lực vào Quốc hội được thể hiện càng rõ trong Hiến pháp 1980 với quy định, Quốc hội có thể đặt cho mình những nhiệm vụ, quyền hạn mới và khi cần Quốc hội có thể trao cho Hội đồng nhà nước và Hội đồng Chính phủ những nhiệm vụ, quyền hạn mới [49]. Cơ chế này có thể dẫn đến nhận thức là quyền lực của Quốc hội không bị hạn chế bởi Hiến pháp và pháp luật.

Đi đôi với cơ chế tập quyền, tập trung quyền lực vào Quốc hội ở cấp trung ương, ở địa phương tập trung vào Hội đồng nhân dân, chế độ trách nhiệm đi theo hướng đề cao trách nhiệm tập thể, ít quan tâm tới trách nhiệm cá nhân. Nhận thức này bắt nguồn từ các quy định sau đây: “Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và các thành viên khác của Hội đồng bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng Nhà nước” [49].

Cơ chế giám sát của Quốc hội với Chính phủ theo Hiến pháp 1980 cũng có những hạn chế thể hiện ở quy định: “mọi thành viên của Chính phủ đều là đại biểu Quốc hội” [49]. Trên thực tế đại biểu Quốc hội chủ yếu là kiêm nhiệm, công việc chính là làm việc trong các cơ quan tổ chức nhà nước. Từ đây dẫn tới tình trạng Quốc hội không thể giám sát được Chính phủ theo đúng nghĩa của sự giám sát.

Sự giám sát của quyền lực nhân dân đối với quyền lực nhà nước vốn được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, 1959 cũng không còn được đề cập trong Hiến pháp 1980. Điều này được cho là bắt nguồn từ quan niệm đơn giản về quyền lực của nhân dân, trong đó xem nhà nước là của nhân dân, do dân và vì dân nên mọi hoạt động nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, nhân dân do đó không cần thiết phải giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Mặt tích cực trong cơ chế tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 1980 là vẫn tiếp tục duy trì nguyên tắc bảo đảm thống nhất quyền lực, bảo đảm thực sự quyền lực nhân dân. Đồng thời tập trung quyền lực vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là cơ sở để đảm bảo quyền lực nhân dân. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1980 cũng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế. Về chế định Chủ tịch nước qua một thời gian đã tỏ ra không mấy hiệu quả bởi có những công việc trong lĩnh vực hành pháp đòi hỏi phải quyết định nhanh chóng thì Hội đồng nhà nước không đáp ứng được yêu cầu. Thẩm quyền của Hội đồng nhà nước bao gồm những thẩm quyền của cơ quan thường trực của Quốc hội cộng với những thẩm quyền của Nguyên thủ quốc gia. Sự thống nhất hai cơ quan này tạo nên sự tập quyền thái quá trong tay một cơ quan duy nhất, dễ dẫn đến sự lạm quyền của cơ quan đó. Hội đồng Chính phủ được thay bằng Hội đồng Bộ trưởng, là cơ quan chấp hành và hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước. Tính chất này đã làm cho Hội đồng Bộ trưởng không còn tính độc lập tương đối mà lệ

thuộc hoàn toàn vào Quốc hội. Trong cơ cấu quyền lực nhà nước cũng thiếu sự phân công, phối hợp rành mạch giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Một trong những đặc điểm quan trọng của Hiến pháp năm 1980 khi ghi nhận quyền con người và xác lập quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam là các quy định đó nằm rải rác từ Chương I dến Chương V. Hiến pháp năm 1980 dành 44 điều quy định bảy nguyên tắc chung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, 71 quyền cơ bản của công dân, 35 nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Kế thừa và phát triển Hiến pháp 1946, 1959, Hiến pháp 1980 một mặt ghi nhận lại quyền và nghĩa vụ công dân đã quy định trong hai Hiến pháp trước, mặt khác xác định thêm một số quyền và nghĩa vụ mới phù hợp với giai đoạn mới của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. So với Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 đã xác định thêm một số quyền mới của công dân như quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội (Điều 56) quyền được khám và chữa bệnh không phải trả tiền (Điều 61), quyền có nhà ở (Điều 62), quyền được học tập không phải trả tiền (Điều 60), quyền của các xã viên hợp tác xã được phụ cấp sinh đẻ (Điều 63) [49]. Hiến pháp cũng xác định thêm một số nghĩa vụ mới của công dân: Công dân phải trung thành với Tổ quốc (Điều 76); ngoài bổn phận làm nghĩa vụ quân sự, công dân còn phải tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Ngoài nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, tôn trọng những quy tắc sinh hoạt xã hội, công dân còn phải bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bí mật Nhà nước; ngoài nghĩa vụ đóng thuế, công dân còn phải tham gia lao động công ích [49]. Tuy nhiên, do tư tưởng chủ quan duy ý chí nên một số quyền mới quy định trong Hiến pháp 1980 không phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước nên không có điều kiện vật chất bảo đảm thực hiện. Ví dụ: việc quy định chế độ

học không phải trả tiền (Điều 60), chế độ khám chữa bệnh không phải mất tiền (Điều 61). Trong giai đoạn này, Nhà nước ta còn nghèo những quy định trên đây là thiếu cơ sở thực tiễn gây nhiều hậu quả tiêu cực trong xã hội. Cũng tương tự như vậy quyền có nhà ở (Điều 62) [49] quy định trong Hiến pháp không có điều kiện vật chất để đảm bảo thực hiện. Vì vậy, quy định về quyền có nhà ở của công dân chỉ mang tính chất cương lĩnh.

Xem xét một cách khách quan thì Hiến pháp 1980 có một số quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp 1946 nhưng về sau do hoàn cảnh lịch sử mà chúng ta phải hạn chế, không quy định trong Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980. Ví dụ: Quyền tự do xuất bản, quyền tự do đi ra nước ngoài [49, Điều 10].

Trong bối cảnh đất nước đã được thống nhất và cùng xây dựng chế độ mới, Hiến pháp 1980 đã bổ sung, mở rộng các quy định về quyền con người cũng như cách thức bảo vệ nhân quyền. Đó là công dân có các quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội, quyền không bị truy bức, nhục hình, quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan nào của Nhà nước về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, quyền tác giả…

Với nguyên tắc:

Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân, Hiến pháp ghi rõ: Tất cả các cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nghiêm cấm mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền [49]. Các quy định trên cùng với các quy định về quyền học tập và khám, chữa bệnh không phải trả tiền (có phần duy ý chí), thể hiện khát vọng về một chế độ xã hội hướng tới con người và dành những điều tốt đẹp nhất cho con người.

Mặc dù có những hạn chế nói trên, song chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1980 vẫn là một bước phát triển mới, phong phú hơn, cụ thể hơn, rõ nét hơn. Hiến pháp năm 1980 đã kế thừa và phát triển các Hiến pháp trước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong bối cảnh cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Một phần của tài liệu Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)