Tiền sử bản thân

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng bệnh HPQ ở người cao tuổi điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 122011 –72012 (Trang 68)

CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN

4.1.6. Tiền sử bản thân

4.1.6.1. Tiền sử dịứng

HPQ có liên quan đến yếu tố di truyền và ở người có cơ địa dị ứng. Tỷ lệ bệnh nhân HPQ có bệnh dị ứng kèm theo như: viêm mũi xoang dị ứng, mày đay, chàm, dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn …là khá cao. Trong nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.8) ở cả hai nhóm bệnh nhân nghiên cứu đều có tiền sử dị ứng khá cao (nhóm bệnh nhân < 60 tuổi: 78,1%; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 90,1%) trong đó viêm mũi dị ứng chiếm tỷ lệ cao nhất (nhóm bệnh nhân < 60 tuổi: 59,4%; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 63,6%). Tuy nhiên không có sự khác biệt giữa hai nhóm nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nhiều so với kết quả của các tác giả khác; theo Lưu Quang Thùy 50,18% bệnh nhân có tiền sử dị ứng [15], Phạm Thị Thùy Dương là 37,2% [37]. Kết quả này cho chúng ta thấy HPQ liên quan nhiều tới các yếu tố dị ứng và đa số là viêm mũi dị ứng, từ đó dễ dẫn đến viêm đường hô hấp cấp ở bất kỳ lứa tuổi nào.

4.1.6.2. Yếu tố khởi phát cơn hen

Có rất nhiều yếu tố làm bùng phát cơn hen như; thay đổi thời tiết, gắng sức, stress, viêm đường hô hấp cấp, thức ăn, khói thuốc lá… Kết quả nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.9) cho thấy không có sự khác biệt về các yếu tố khởi phát cơn hen giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu trong đó yếu tố thay

đổi thời tiết hay gặp nhất (nhóm bệnh nhân <60 tuổi: 75%; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 97%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao tương đương với kết quả nghiên cứu một số tác giả khác như Nguyễn Hữu Trường (2001) là 88,58%, Lưu Quang Thùy là 90,3% [15], Horner A, Weiss S. T. và cộng sự (2011) là 85%

4.1.6.3. Mùa xuất hiện cơn hen

Đa số bệnh nhân HPQ trong hai nhóm đối tượng nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.10) xuất hiện cơn hen vào mùa đông là chủ yếu (nhóm < 60 tuổi: 56,3%; nhóm > 60 tuổi: 69,7%), còn lại xuất hiện rải rác vào các mùa và quanh năm, tuy nhiên không có sự khác biệt giữa hai nhóm nghiên cứu. Kết quả của chúng tôi cao hơn nhiều so với kết quả của một số tác giả khác như; Vũ Minh Điền là 17,17%.

4.1.6.4. Tiền sử dùng thuốc dự phòng

Điều trị dự phòng kiểm soát HPQ ngoài cơn rất quan trọng, 85% các trường hợp tử vong có thể tránh được nếu gia đình, xã hội, thầy thuốc và bệnh nhân quan tâm hơn đến HPQ [1].

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.11) có tới 84,4% bệnh nhân ở nhóm < 60 tuổi và 78,8% bệnh nhân ở nhóm > 60 tuổi không điều trị hen dự phòng tại nhà. Kết quả này cao hơn kết quả của Phạm Thị Thùy Dương là 70,9% và gần tương tự kết quả của nghiên cứu AIRIAP; không điều trị dự phòng hen ở Châu Á-Thái Bình Dương là 90%, còn tại Việt Nam là 89% [9], [32]. Việc không dùng thuốc dự phòng trong nhóm bệnh nhân > 60 tuổi càng làm tăng nguy cơ tần suất nhập viện và cấp cứu vì ở người già chức năng phổi suy giảm nhiều cùng với quá trình lão hóa. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng ngừa cơn hen là việc làm hết sức cần thiết.

Trong số những bệnh nhân dùng thuốc dự phòng (bảng 3.12) cả hai nhóm nghiên cứu thì 100% sử dụng thuốc phối hợp (ICS + LABA), trong đó có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kỹ thuật sử dụng bình hít đúng cách (nhóm bệnh nhân < 60 tuổi: 100%; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 28,6% ). Kết quả này cho thấy ở bệnh nhân lớn tuổi do có sự giảm vể nhận thức, trương lực cơ yếu nên hạn chế trong việc sử dụng dụng cụ chứa đựng thuốc dự phòng. Do đó, trong công việc khám bệnh cho bệnh nhân HPQ người cao tuổi phải chú ý công tác tư vấn cho bệnh nhân cũng như người hỗ trợ sức khỏe cho bệnh nhân về liều dùng, cách dùng, đường dùng thuốc sao cho đúng.

4.1.6.5. Các bệnh phối hợp

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.14) thấy ở cả hai nhóm bệnh nhân HPQ nghiên cứu hầu như đều có mắc bệnh kèm theo (nhóm bệnh nhân < 60 tuổi: 25% có một bệnh kèm theo, 28,1% có hai bệnh kèm theo, 28,1% có từ ba bệnh kèm theo trở lên; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 12,1% có một bệnh kèm theo, 27,3% có hai bệnh kèm theo, 54,5% có > ba bệnh kèm theo). Trong đó, số bệnh nhân mắc từ ba bệnh trở lên ở nhóm bệnh nhân > 60 tuổi cao hơn hẳn nhóm bệnh nhân < 60 tuổi có ý nghĩa thống kê. Điều đó có thể giải thích là càng cao tuổi, tỷ lệ mắc nhiều bệnh phối hợp cùng một lúc càng cao. Việc phối hợp cùng một lúc nhiều bệnh làm khó khăn trong chẩn đoán bệnh vì các triệu chứng nhiều khi chồng chéo nhau, khó xác định triệu chứng thuộc bệnh nào. Ví dụ như triệu chứng khò khè, khó thở nặng ngực và ho thường là các triệu chứng gợi ý chẩn đoán HPQ ở người trẻ nhưng có thể biểu hiện là sự rối loạn ở người già trong các bệnh như: Viêm phế quản mạn tính, đau thắt ngực, suy tim xung huyết, COPD nếu có kèm theo tiền sử hút thuốc lá. Bên cạnh đó, việc phối hợp nhiều bệnh ở người cao tuổi làm cho công tác điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc phải điều trị bệnh hen,

còn phải điều trị các bệnh kèm theo cho bệnh nhân. Việc sử dụng quá nhiều loại thuốc cùng một lúc trên bệnh nhân cao tuổi làm tăng nguy cơ chịu ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc, tăng ngộ độc thuốc do chức năng gan thận của bệnh nhân giảm cùng với quá trình lão hóa. Khả năng tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng do khả năng nhận thức và trí nhớ giảm sút.

Các bệnh kèm theo (bảng 3.13) trong hai nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi gặp là; viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, tăng huyết áp, tiểu đường...Trong đó, hay gặp là bệnh viêm mũi dị ứng (nhóm bệnh nhân < 60 tuổi: 59,4%; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 72.7%), thứ hai là bệnh viêm xoang (nhóm bệnh nhân < 60 tuổi: 53,1%; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 67,7%), tiếp theo là bệnh viêm dạ dày (nhóm bệnh nhân < 60 tuổi: 37,5%; nhóm bệnh nhân > 60 tuổi: 51,5%). Việc tần suất hay gặp bệnh VMDU và viêm xoang thường làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh HPQ, thời gian nằm viện kéo dài hơn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược điều trị và kiểm soát tốt hai bệnh đó để đạt được công tác quản lý và điều trị tốt bệnh hen.

Qua phân tích kết quả chúng tôi nhận thấy tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản cao hơn ở nhóm bệnh nhân > 60 tuổi so với nhóm bệnh nhân < 60 tuổi và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh HPQ. Mối liên quan giữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản và HPQ tăng với tuổi. Ở những người hen cao tuổi thường xuyên kháng với thuốc điều trị hen thông thường mà có các triệu chứng ợ nóng, ho và các triệu chứng ban đêm mà xảy ra vào sớm vào đêm thì bệnh trào ngược dạ dày thực quản phải được xem xét.

Bệnh viêm dạ dày gặp tỷ lệ cao hơn ở người cao tuổi (nhóm < 60 tuổi: 37,5%; nhóm > 60 tuổi: 51,5%). Các nguyên nhân làm cho người cao tuổi bị viêm dạ dày do:

- Nhiễm H. pylori,

- Dùng các thuốc giảm đau đặc biệt trong điều trị các bệnh viêm khớp ở người già, (cụ thể là thuốc chống viêm phi steroid như aspirin, ibuprofen, naproxen và ketoprofen - có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày).

- Uống quá nhiều rượu. Rượu có thể kích thích và ăn mòn lớp nhầy lót dạ dày. Nghiện rượu có thể làm tăng viêm dạ dày.

- Sử dụng cocain. Cocain có thể gây tổn thương dạ dày, dẫn tới xuất huyết dạ dày và viêm dạ dày.

- Stress. Stress nặng do đại phẫu, tổn thương do chấn thương, bỏng hoặc nhiễm trùng nặng có thể gây viêm dạ dày, cùng với loét và xuất huyết dạ dày.

- Rối loạn tự miễn. Một loại viêm dạ dày (viêm teo dạ dày) có thể do rối loạn tự miễn khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh của niêm mạc dạ dày. Điều này làm cho niêm mạc dạ dày từ từ mỏng đi (teo). Lần lượt, dạ dày sản sinh acid ít hơn. Viêm teo dạ dày nặng và thiếu máu ác tính thường đi kèm nhau và hay gặp nhất ở người già. Viêm teo dạ dày là dạng viêm dạ dày mạn tính và hiếm khi gây các triệu chứng dạ dày-ruột.

- Bệnh Crohn. Bệnh đường ruột này gây viêm mạn tính niêm mạc đường tiêu hóa - hiếm khi gặp ở dạ dày (viêm dạ dày). Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn, thường là đau và tình trạng suy nhược, bao gồm đau bụng và tiêu chảy toàn nước.

- Xạ trị liệu và hóa trị liệu. Các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị liệu và xạ trị liệu có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, dẫn tới loét và viêm dạ dày.

- Các dạng viêm dạ dày ít gặp khác do bệnh toàn thân như suy gan hoặc suy thận.

Ngoài ra, ở người già do chức năng của hệ tiêu hóa suy giảm nên dễ bị ảnh hưởng tác dụng phụ của thuốc gây viêm dạ dày như dùng corticoid kéo dài điều trị HPQ. Do vậy vấn đề lựa chọn thuốc và liều lượng thuốc trong điều trị hen ở người già cũng cần phải được cân nhắc cẩn thận.

Tỷ lệ bệnh nhân bị tăng huyết áp ở nhóm bệnh nhân > 60 tuổi cao hơn hẳn nhóm bệnh nhân < 60 tuổi và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Điều này cũng phù hợp với nhiều kết quả nghiên cứu cho rằng bệnh tăng huyết áp tăng tỷ lệ thuận với tuổi.

Kết quả nghiên cứu trên của chúng tôi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Lưu Quang Thùy, chỉ có 22,24% bệnh nhân có ít nhất một bệnh kèm theo và khác kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân cao tuổi của Vũ Minh Điền là bệnh kèm theo hay gặp nhất là bệnh tim mạch (44,75%), tiếp đến là bệnh hô hấp (41,55%).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng bệnh HPQ ở người cao tuổi điều trị tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 122011 –72012 (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(87 trang)
w