Tình trạng Hội đồng xét xử quá chủ động trong việc xác định sự thật vụ án khó có thể bảo đảm được sự bình đẳng của các bên tham gia tranh tụng, có thể ảnh hưởng đến việc xác định sự thật cũng như phán quyết của Toà án. Cần quy định cụ thể, chi tiết trình tự trong phần xét hỏi và tranh luận tại phiên toà sơ thẩm theo hướng bên buộc tội, bên bào chữa có trách nhiệm chính trong việc chứng minh và xét hỏi tại phiên toà, Hội đồng xét xử có quyền tham gia xét hỏi ở bất kỳ thời điểm nào khi điều đó là cần thiết. Có thể được cụ thể như, trong phần xét hỏi bị cáo, đầu tiên Chủ toạ phiên toà chỉ hỏi những câu hỏi mang tính chất nêu vấn đề như hỏi về việc bị cáo có hiểu nội dung cáo trạng không và họ có mong muốn thể hiện thái độ của mình đối với lời buộc tội được đưa ra hay không? Tiếp theo những câu hỏi có tính chất buộc tội thì dành cho Kiểm sát viên, những câu hỏi có tính chất gỡ tội thì dành cho người bào chữa hỏi bị cáo. Các chứng cứ do bên buộc tội đưa ra được xem xét
trước, sau đó tiến hành xem xét các chứng cứ do bên bào chữa đưa ra, việc hỏi người bị hại do phía buộc tội hỏi trước, Hội đồng xét xử, người bào chữa hỏi sau.
Việc hỏi các người làm chứng do bên có yêu cầu triệu tập người làm chứng hỏi trước.
Hội đồng xét xử có thể hỏi tất cả những vấn đề mà Hội đồng xét xử cho rằng cần làm sáng tỏ để đủ căn cứ xem xét.
Trong phần tranh luận - Chủ toạ phiên toà điều khiển để hai bên tranh luận bình đẳng trước toà và có trách nhiệm không thể hiện ý kiến của mình với thái độ của bên trung lập.
Trình tự phát biểu khi tranh luận còn chưa phù hợp trong tranh tụng tại phiên toà, vì điều 217 quy định:
“1. Sau khi kết thúc phần xét hỏi tại phiên toà, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội...
2. Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có người bào chữa thì người này bào chữa cho bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.
3. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan... được trình bày ý kiến...”
Khi trình bày lời bào chữa, bị cáo và người bào chữa phải thể hiện quan điểm của mình không chỉ đối với lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát mà cả đối với ý kiến của các chủ thể tham gia tố tụng khác như người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền lợi của họ. Vì vậy người phát biểu ý kiến sau cùng phải là bị cáo và người bào chữa của họ. Cần thay đổi vị trí của khoản 2 và khoản 3 của điều 217 cho nhau để trình tự phát biểu khi tranh luận hợp lý và lôgíc hơn.