Trong việc thực hiện chức năng buộc tội

Một phần của tài liệu Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 96)

Hiện nay có hai quan điểm khác nhau khi bàn về chức năng và tư cách tố tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà. Theo quan điểm thứ nhất (cũng là quan niệm phổ biến) thì khi tham gia phiên toà Kiểm sát viên không chỉ là một chủ thể thuộc bên buộc tội mà còn là một chủ thể tiến hành tố tụng để

thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự. Có nghĩa là, tại phiên toà Kiểm sát viên đồng thời có hai tư cách tố tụng: vừa là người tham gia tố tụng trong vai trò thực hành quyền công tố, vừa là người tiến hành tố tụng.

Với sự hiện diện là cơ quan giám sát việc tuân thủ luật nội dung (Bộ luật hình sự) và luật tố tụng trong hoạt động tố tụng của tất cả những người tham gia phiên toà và đối với hoạt động xét xử vụ án của Viện kiểm sát, những người có quan điểm này lập luận rằng, tại phiên toà, Kiểm sát viên không đơn thuần chỉ thực hiện duy nhất chức năng buộc tội bị cáo. Kết quả của hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự của Kiểm sát viên tại phiên toà là quyết định kháng nghị bản án, quyết định sơ thẩm. Sự bình đẳng giữa Kiểm sát viên và bên bào chữa trong việc thực hiện chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội chỉ có thể có được ở góc độ hẹp mà không bao trùm hết tư cách tố tụng của chúng. Quan điểm này còn được củng cố với lập luận là theo quy định tại Điều 33 Bộ luật hình sự thì Kiểm sát viên tham gia tố tụng tại phiên toà với tư cách là “người tiến hành tố tụng”… “Sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên toà” là điều kiện không thể thiếu được, và cho rằng các cơ sở này cũng là căn cứ xác định địa vị tố tụng của Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng tại phiên toà.

Nhưng có quan điểm thứ hai cho rằng tại phiên toà Kiểm sát viên chỉ có một tư cách tố tụng duy nhất là chủ thể của một bên tham gia tranh tụng tại phiên toà, và chỉ có nhiệm vụ là thực hiện chức năng duy nhất - thực hành quyền công tố (chức năng buộc tội bị cáo) [57, tr.9]. Đây là một quan điểm mới xuất phát từ nhận thức về vị trí và vai trò của Kiểm sát viên trong mối tương quan với các chủ thể khác tham gia phiên toà và đối với Hội đồng xét xử, chủ thể điều khiển mọi hoạt động trong phiên xét xử.

Vậy thì tại phiên toà, Kiểm sát viên thực hiện một chức năng hay hai chức năng của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự ? Theo quy định của pháp luật, trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát có hai chức năng đó là kiểm sát việc tuân theo pháp luật và buộc tội. Tuy nhiên, mọi chức năng cũng như quyền hạn của Viện kiểm sát đều tập trung trong tay Viện trưởng Viện kiểm sát. Tại phiên toà, quyền hạn của Kiểm sát viên chỉ giới hạn trong những nội dung được Viện trưởng Viện kiểm sát uỷ quyền. Quyền kháng nghị đối với các bản án, quyết định của Toà án theo các trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát là không thể uỷ quyền cho các Kiểm sát viên thực hiện. Cùng với ý kiến của tiến sỹ Nguyễn Đức Mai, tác giả thấy rằng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự chỉ thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát. Mặc dù Viện trưởng Viện kiểm sát chỉ đạo và phân công Kiểm sát viên thực hành quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên toà nhưng hoạt động đó không hẳn đã là thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử vụ án hình sự, bởi vì: gắn liền với chức năng này là quyền kháng nghị và chỉ có thể thực hiện được sau khi phiên toà đã kết thúc. Đây là nội dung có ý nghĩa quyết định trong chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát ở giai đoạn xét xử. Giả thiết là nếu không còn quyền kháng nghị, khi đó nội dung của chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử chỉ còn lại quyền phát hiện và yêu cầu Toà án khắc phục các vi phạm pháp luật tại phiên toà. Chỉ với quyền này thì bị cáo, Luật sư bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có được từ nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa chứ không phải là đặc quyền của riêng Viện kiểm sát. Việc chấp nhận hay không chấp nhận các yêu cầu nói trên thuộc thẩm quyền của Toà án, và chức năng này của Viện kiểm sát trở thành vô nghĩa [46, tr.54].

Theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, có thể thấy rằng ở mỗi giai đoạn tố tụng cụ thể, trong số các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự chỉ có một chủ thể tiến hành tố tụng giữ vai trò quyết định với toàn bộ hoạt động của các chủ thể còn lại. Trong phiên toà, vai trò quyết định đối với toàn bộ hoạt động của tất cả các chủ thể khác chỉ có thể là Hội đồng xét xử. Ngang bằng với những người tham gia tố tụng khác, Kiểm sát viên không có một quyền năng tố tụng nào mang tính chất quyết định có giá trị bắt buộc đối với bất kỳ chủ thể tham gia phiên toà nào khác.

Mặc dù theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì sự có mặt của Kiểm sát viên, bị cáo, các người làm chứng... là bắt buộc và là điều kiện tiên quyết để hoạt động xét xử có thể diễn ra. Việc vắng mặt của một trong các chủ thể này đều làm mất đi tính tranh tụng của phiên toà và hiệu quả của xét xử cũng khó có thể đạt được. Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào quy định là bắt buộc Kiểm sát viên không được vắng mặt tại phiên toà để xác định tư cách tố tụng của Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng thì không hợp lý.

Như vậy việc xác định đúng tư cách tố tụng và chức năng của Kiểm sát viên tại phiên toà có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thống nhất lại nhận thức của chúng ta để tiến tới xoá bỏ những biểu hiện bất bình đẳng về mặt hình thức giữa hai bên ở các phiên toà hình sự ở nước ta.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng cần điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát trong lĩnh vực tố tụng hình sự theo hướng Viện kiểm sát chỉ thực hiện chức năng công tố trong tố tụng hình sự.

Tác giả cho rằng chúng ta cần nghiên cứu để xác định chức năng của Viện kiểm sát trong lĩnh vực tố tụng hình sự là chức năng buộc tội, và vì thế cần xác định tư cách của Kiểm sát viên tại phiên toà là một bên tham gia tố tụng. Với chức năng buộc tội, tại phiên toà Kiểm sát viên chỉ cần đưa ra những chứng cứ, lý lẽ buộc tội bị cáo, phản bác những ý kiến đối lập và chức

năng công tố cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Trong phần kết luận vụ án, Kiểm sát viên nêu cả những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo là làm thay phần việc của bên bào chữa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo là không có cơ sở hợp lý vì điều này không liên quan đến chức năng buộc tội, nó liên quan đến chức năng tài phán – hoạt động xét xử của Toà án. Ở đây thiếu sự phân định rạch ròi giữa chức năng công tố - chức năng xét xử cũng như chưa đảm bảo được sự bình đẳng giữa các bên khi tham gia tố tụng tại phiên toà.

Điều cần làm là Viện kiểm sát phải trở lại đúng vị trí là bên buộc tội,

chủ động xét hỏi, tranh luận để bảo vệ cáo trạng (hay quyết định truy tố). Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2.6.2005 của Bộ chính trị đã đề ra nhiệm vụ trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là “Nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố…”. Đây là vấn đề có tính chất mấu chốt để đổi mới hoạt động tố tụng hình sự của Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, xuất phát từ những đặc thù trong nguyên tắc và cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước ta và định hướng tiếp thu có chọn lọc một số nội dung của tố tụng tranh tụng mà không phải là chuyển từ tố tụng thẩm vấn sang tố tụng tranh tụng, nên chúng ta cần điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát trong phiên toà hình sự. Theo đó Kiểm sát viên là đại diện cơ quan công tố thực hiện chức năng buộc tội và là một bên tham gia tố tụng tại phiên toà. Và vì là bên buộc tội nên tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát chỉ có thể đưa ra những chứng cứ, lý lẽ buộc tội bị cáo chứ không thể nêu thêm tình tiết giảm nhẹ hay có quyền đề xuất mức án như hiện nay. Mặc dù, không nằm trong Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng cũng cần xoá bỏ quy định này vì sự ảnh hưởng của nó là tiêu cực với nhận thức cho rằng Viện kiểm sát và Toà án là một, làm mất đi sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội và làm "mờ" đi chức năng tài phán vốn là đặc trưng cơ bản nhất của Toà án vì chỉ có Toà án mới có thẩm quyền “

Coi một người là có tội trong việc thực hiện tội phạm và áp dụng hình phạt đối với người đó”.

Một phần của tài liệu Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 96)