Phân định rõ các chức năng buộc tội, gỡ tội và tài phán

Một phần của tài liệu Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 59)

Các chức năng buộc tội, gỡ tội và tài phán thuộc về bên buộc tội, bên bào chữa và Toà án. Trong đó chức năng tài phán của Toà án không thể bao gồm cả việc buộc tội hay bào chữa. Nội dung này chính là sự khẳng định về vị trí, vai trò của Toà án là người trọng tài trung lập. Toà án là cơ quan Nhà nước thực hiện hoạt động xét xử, có quyền quyết định kết tội, và áp dụng hình phạt đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội; tuyên bố vô tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt đối với người bị buộc tội. Có thể nói chức năng tài phán của Toà án chính là cơ sở xác định vị trí và vai trò, xác định các nhiệm vụ chủ yếu của Toà án trong tố tụng và trong tranh tụng. Trước hết, Toà án là người duy trì trật tự tại phiên toà, giám sát và điều khiển quá trình tranh tụng của tất cả các chủ thể tham gia phiên toà, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật tố tụng của tất cả các chủ thể này. Toà án có nhiệm vụ phải bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa bên buộc tội và bên bào chữa, tạo điều kiện để phát huy được tính tích cực, chủ động của các chủ thể tham gia tranh tụng nhằm làm sáng tỏ các chứng cứ, các tình tiết của vụ án để xác định sự thật khách

quan. Và nhiệm vụ cao cả của Toà án là ra phán quyết cuối cùng khẳng định hoặc phủ nhận sự buộc tội, áp dụng hình phạt và quyết định cách thức thi hành hình phạt đó. Toà án phải là thể hiện thuần khiết của sự không thiên vị, là cơ chế bảo đảm sự bình đẳng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội trong quá trình xét xử vụ án hình sự tại phiên toà, bảo đảm sự thật khách quan được xác định bởi “người trọng tài” với chức năng chuyên nghiệp là phán xét nhằm thực hiện công bằng xã hội. Nếu Toà án đồng thời thực hiện cả chức năng tài phán và chức năng buộc tội hay chức năng gỡ tội sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong tranh tụng tại phiên toà. Toà án sẽ mất đi vai trò của người trọng tài đứng giữa hai bên để phân xử và phiên toà có thể có hai bên buộc tội hoặc hai bên bào chữa tham gia tranh tụng với bên còn lại. Ý nghĩa thực sự của tranh tụng sẽ không còn nữa.

Mặc dù Toà án là phải trung lập và không thiên vị, nhưng ở mức độ cần thiết, vai trò của Toà án còn cần thể hiện tính tích cực chủ động khi tham gia vào quá trình tranh tụng tại phiên toà. Tất nhiên, mục đích của tranh tụng và chức năng của Toà án trong tố tụng là giới hạn việc thể hiện tính tích cực, chủ động của Toà án chỉ nhằm định hướng cho quá trình tranh tụng không đi lạc trọng tâm mà cần tập trung vào việc làm sáng tỏ các chứng cứ, các tình tiết để xác định sự thật khách quan về vụ án. Tuy nhiên vai trò tích cực của Toà án không được ảnh hưởng đến tính chủ động, tích cực của bất kỳ chủ thể nào tham gia tố tụng, không thể hiện sự ủng hộ hay làm thay chức năng của bên buộc tội hay của bên bào chữa trong quá trình tranh tụng, nó cần được thể hiện dưới hình thức bổ sung, định hướng cho các bên trong việc thực hiện chức năng của mình nhằm xác định một cách có căn cứ tất cả những vấn đề mà Toà án thấy còn chưa rõ về vụ án.

Chương 2

TRANH TỤNG TRONG XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ Ở VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 59)