Bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa

Một phần của tài liệu Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 57)

Trong tố tụng hình sự, bình đẳng giữa các bên chỉ có được khi bất kỳ chứng cứ hợp pháp nào được chứng minh là phù hợp với sự thật khách quan phải được Toà án chấp nhận không phụ thuộc vào việc chứng cứ đó do ai thu thập, cung cấp. Bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng là cơ sở để xác định địa vị tố tụng của bên buộc tội và bên bào chữa trong tố tụng hình sự. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, để thực hiện quyền tự bào chữa, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và chống lại sự buộc tội, người bị buộc tội không chỉ là một chủ thể mà còn là một bên tham gia tranh tụng có được sự bình đẳng về các quyền năng tố tụng so với bên buộc tội. Cần khẳng định rằng, sự bình đẳng này không phải là sự bình đẳng thực tế về địa vị pháp lý và cũng không có nghĩa là các bên có các quyền và nghĩa vụ như nhau, bởi vì bên buộc tội và bên bào chữa thực hiện các chức năng với các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập nhau trong tố tụng hình sự.

Có thể hiểu, quyền bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong nguyên tắc tranh tụng là quyền ngang bằng nhau trong tư cách tố tụng và quyền năng tố tụng. Ngang bằng nhau trong tư cách tố tụng được thể hiện mỗi bên đều là một bên tham gia tố tụng mà không có bất kỳ sự thiên lệch nào. Ngang bằng nhau về quyền năng tố tụng là các bên đều được pháp luật giành cho những khả năng được xác định là các phương tiện (quyền và nghĩa vụ tố tụng) và các bảo đảm cần thiết khác. Có thể hiểu rằng bên buộc tội, bên bào chữa là mỗi bên đều có quyền ngang nhau trước Toà án trong việc đưa ra các quan điểm của mình về vụ án và bác bỏ các quan điểm của bên đối phương.

Nếu nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi pháp luật tố tụng hình sự phải đảm bảo cho các bên có được các phương tiện cần thiết để có thể thực hiện chức năng của mình trong tố tụng hình sự, thì sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi các phương tiện mà các bên được sử dụng để tranh tụng phải tương xứng với nhau và phải phù hợp với

chức năng của mỗi bên. Sự bình đẳng sẽ không thể có khi pháp luật tố tụng hình sự không đáp ứng được những đòi hỏi này, hoặc giành cho bên buộc tội đủ phương tiện để buộc tội còn bên bào chữa thì lại không đủ phương tiện để thực hiện chức năng gỡ tội của mình và ngược lại. Sự thể hiện của bình đẳng phải là, để thực hiện chức năng gỡ tội, bị cáo và người bào chữa được sử dụng tất cả các quyền tố tụng tương ứng mà bên buộc tội có thể sử dụng để buộc tội.

Việc quy định chính xác, đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của từng chủ thể của các bên cùng các điều kiện bảo đảm cho chúng được thực hiện là một trong những cơ chế để đảm bảo cho nguyên tắc tranh tụng được tồn tại và thực hiện.

Một phần của tài liệu Tố tụng tranh tụng và việc tiếp thu nó trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ở Việt Nam (Trang 57)