8. Kết cấu của luận văn
2.1.4. Tiêu chuẩn chân lý:
Một quan niệm, một tư tưởng, niềm tin chỉ trở thành tri thức, trở thành chân lý khi nó được chứng minh, được xác nhận là đúng đắn. Cái có thể chứng minh, xác nhận tính đúng đắn của một phán đoán, quan niệm, tư tưởng được coi là tiêu chuẩn của chân lý. Trong lịch sử triết học, có nhiều khuynh hướng khác nhau trong quan niệm về tiêu chuẩn chân lý. Chủ nghĩa hiện sinh phủ nhận chân lý khách quan, cho rằng sự vật không có một bản chất khách quan nào và con người cũng không có tiêu chuẩn khách quan nào để xác định một quan niệm, tư tưởng nào đó đúng hay không đúng. Chủ nghĩa hiện sinh không thừa nhận bản chất, tính tất yếu, tính quy luật khách quan của các sự vật, từ đó mà quả quyết rằng, con người được tự do tuyệt đối trong việc lựa chọn niềm tin và hành động của mình. Đối với họ, sự vật không có giá trị khách quan, trái lại, giá trị của sự vật được quyết định bởi sự lựa chọn xuất phát từ cảm xúc chủ quan của từng cá nhân. Hiện sinh có trước bản chất.
Đa số các khuynh hướng thừa nhận chân lý song đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Với chủ nghĩa duy lý thì đó là quy tắc logic; chủ nghĩa kinh nghiệm là kinh nghiệm cảm tính; tôn giáo đó là niềm tin.
Với William James, một đại biểu của chủ nghĩa thực dụng lại cho rằng: tiêu chuẩn của chân lý là "thực tại". Ông viết: "Chân lý là một loại tính chất từ một số quan niệm nào đó của chúng ta, nó có nghĩa là sự phù hợp giữa quan niệm với thực tại, còn giả dối thì có nghĩa là không phù hợp với thực tại. Người
theo chủ nghĩa thực dụng và người theo chủ nghĩa lý trí đều coi định nghĩa này là chuyện tất nhiên. Chỉ hỏi phù hợp cuối cùng có ý nghĩa gì? Thực tại là quan niệm của chúng ta có thể cùng với cái phù hợp lại có ý nghĩa gì, lúc ấy, chúng ta mới bắt đầu tranh luận" [5;97].
Nếu chỉ dừng lại ở một phát biểu rõ ràng như thế này, nhiều người sẽ lầm tưởng rằng, quan niệm này hoàn toàn duy vật và tiến bộ, không khác quan niệm của chủ nghĩa Mác- Lênin là mấy. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ, gắn với quan niệm về chân lý, bản chất chân lý như trên đây, thì vấn đề tiêu chuẩn của chân lý cũng có những vấn đề đáng quan tâm và hẳn nhiên phải tương thích với những nội dung trên. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra sự tương thích này khi phân tích nội dung "thực tại" và "phù hợp với thực tại".
William James giải thích rằng "thực tại" theo ông có ba bộ phận: dòng cảm giác, các mối liên hệ giữa cảm giác với cảm giác và giữa ý tưởng với ý tưởng, trước đây đã có chân lý- chân lý đã được thừa nhận. Rõ ràng, với quan niệm như thế này, "thực tại" phân biệt với khái niệm "tồn tại khách quan" của chủ nghĩa Mác- Lênin. Thế giới chưa biết tồn tại một cách khách quan, bản thân chúng không gì là thật và giả, cũng không có cái gì là thiện và ác; còn "thực tại" liên quan đến loài người. "Thực tại chỉ là quan hệ tương đối đối với đời sống tình cảm và đời sống năng động của chúng ta, đó là ý nghĩ duy nhất của danh từ người ta đã nói trong thực tiễn. Nền tảng và khởi nguồn của mọi thực tại, bất kỳ được xem xét theo quan điểm tuyệt đối hoặc quan điểm thực tiễn, đều là chủ quan, tức là bản thân chúng ta” [5;98]. Như vậy, theo William James, “thực tại” không phải và hoàn toàn phân biệt với khái niệm “hiện thực khách quan”. Nếu hiện thực khách quan ở ngoài kia, nếu không để ý thì chẳng liên quan đến đời
sống của con người; một bộ phận của hiện thực ấy sẽ trở thành “thực tại” khi nó gắn với đời sống cá nhân, mang dấu ấn của con người.
"Phù hợp với thực tại" theo đó là: theo nghĩa rộng, có nghĩa là chúng ta bị cuốn hút đến với thực tại hoặc đến xung quanh thực tại hoặc được tiếp xúc với thực tại. Việc chủ yếu là xem xét quá trình được dẫn đến. "Thực tại" không có nghĩa là tồn tại khách quan mà là tồn tại được con người tin tưởng. Điều quan trọng không phải là quan hệ giữa quan niệm với tồn tại khách quan mà là quan hệ xảy ra giữa ảnh hưởng của quan niệm đối với tồn tại khách quan và chúng ta tức là quá trình dẫn đến thực tại. Phù hợp là sự phù hợp năng động giữa chủ thể đối với khách thể, sự phù hợp đó không phải là trực quan đối mặt với thực tại mà vẫn là thích ứng với thực tại. William James cho rằng quan niệm muốn đúng không chỉ sao chép đối tượng của quan niệm tức không dựa vào tồn tại khách quan bị di chuyển theo ý chí của con người, vì sự phản ánh tĩnh này không thể nhận được tri thức chuẩn xác và toàn diện. Thu nhận được chân lý không chỉ là sự sao chép chân thực tồn tại khách quan mà là nhận thức nó, dẫn đến nó, xem xét hậu quả thực tế của nó. Đó là quan niệm có thể thỏa mãn dục vọng của con người, làm cho con người đạt được thành công và lợi ích. Rõ ràng, nếu cách nhìn chân lý theo cách này được nhấn mạnh thì không những tiêu chuẩn khách quan của chân lý bị phủ định mà còn làm cho giữa con người và con người khó mà tìm thấy tiếng nói, tiêu chuẩn chung. Để thoát khỏi vướng mắc này, William James sáng tạo khái niệm liên quan "chứng thực gián tiếp- chứng thực ẩn". Theo đó, tuy chân lý chủ yếu là quá trình chứng thực, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc rất nhiều quan niệm không dựa vào cuộc sống thì không thể là chân lý vì có những hiện tượng mặc dù chưa được mỗi một người chứng thực nhưng lại đã có người khách chứng thực gián tiếp, điều này cũng có giá trị như chứng thực
trực tiếp vậy thôi; chúng có khả năng đem lại lợi ích cho chúng ta như nhau. Và thế là, người ta thậm chí có thể trao đổi chân lý, hoàn toàn dựa vào nhu cầu của con người để sử dụng hoặc không.