II. Một số GIảI pháp CHủ YếU NHằM NÂNG CAO HIệU QUả hoạt động thu mua và xuất khẩu mặt hàng lạc của Công ty VILEXIM
2. Những giải pháp ở tầm vi mô.
2.2. Chủ động nguồn cung trong nước
Nguồn cung lạc ở Việt Nam rất dồi dào nhưng để hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao thì Công ty phải chủ động nguồn cung ấy. Để giải quyết được vấn đề này , trong thời gian tới đây Công ty cần phải:
-Tích cực bám sát tình hình sản xuất lạc trong năm để có được dự báo chính xác về lượng cung từ đó đưa ra các chính sách thu mua hợp lý.
-Ký kết các hợp đồng thu mua dài hạn với người sản xuất ở vùng lạc trọng điểm như : Vĩnh Phúc , Thanh Hoá, Bắc Ninh . Lạc ở các vùng này có hạt to, đều , chắc hơn các tỉnh khác nên giảm bớt được công việc
kiểm tra ,sàng lọc. Hơn nữa , khu vực này có giao thông thuận tiện , điều kiện đi lại dễ dàng nên giảm bớt được chi phí vận chuyển trong nước .
- Chủ động hợp tác với người sản xuất trong việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Theo cách này thì nông dân các vùng trồng lạc sẽ trồng giống lạc và chăm sóc theo qui trình kỹ thuật Công ty đề ra và hướng dẫn. Công ty có thể chủ động đầu tư ban đầu cho người nông dân để khuyến khích và giúp họ yên tâm sản xuất . Thực tế, sản phẩm lạc xuất khẩu không phải lúc nào cũng cần loại to, đẹp mà còn tuỳ thuộc vào yêu cầu của khách hàng . Có những khách hàng khi đặt hàng không đòi hỏi về mẫu mã nhưng lại yêu cầu hàm lượng dầu trong hạt lớn. Do đó , việc Công ty đầu tư giống vốn ban đầu cho người sản xuất đa dạng hoá được việc trồng lạc ở những vùng ít có điều kiện thuận lợi.
-Liên kết , liên doanh với các đơn vị đầu mối thu mua lạc và các cơ sở chế biến có uy tín. Thực tế hàng năm những đầu mối thu mua này tập trung tới 2/3 lượng sản xuất trong dân. Thu mua từ các đầu mối này tuy có nhược điểm là giá thu mua cao ( vì phải mua qua trung gian) nhưng có thể mua được khối lượng lớn , tập trung, đỡ tốn kém thời gian và chi phí đi lại của cán bộ thu mua. Tuy vậy, trong vấn đề này Công ty cần chú ý đặt quan hệ tốt với những dơn vị sản xuất hay đầu mối thu mua ở các địa phương để đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Việc xuất lạc trái vụ có thể đem lại lợi nhuận cao tới 20% so với xuất vụ chính nhưng thực hiện việc này không phải dễ vì lạc nhân không
để được lâu. Biện pháp giải quyết được vấn đề này là trong mùa thu hoạch lạc ta vừa thu hoạch lạc nhân, vừa thu mua lạc vỏ. Lạc nhân dùng để xuất trong chính vụ còn lạc vỏ dùng để xuất trái vụ. Lạc vỏ có thể để từ 3 – 4 tháng mà không bị hỏng, nếu để đến cuối vụ đem bóc vỏ sẽ thu được lượng lạc nhân là 65% - 68% ( lạc đủ tiêu chuẩn), loại lạc vỏ tốt có thể đạt tỷ lệ 70% lạc nhân.
Việc tạo lạc nhân từ lạc vỏ có những ưu điểm sau:
+ Có lạc nhân xuất trái vụ, giá cao lợi nhuận đều
+ Tạo thêm được công ăn việc làm cho xã hội nhờ việc bỏ vỏ lạc .
+ Vỏ lạc thu được dùng làm chất đốt , ủ làm phân bón
Xét về hiệu quả , mặc dù phần chi phí cho công tác bóc lạc cao hơn so với phần chênh lệch giữa mua lạc nhân và lạc vỏ , nhưng với lợi nhuận có thể đến 20% nên thừa đủ bù cho chi phí bóc vỏ lạc. Ngoài ra, còn có thêm được khoản tiền do bán vỏ lạc . Không những thế , chi phí bảo quản vỏ lạc ít hơn và dể hơn nhiều so với bảo quản lạc nhân. Tuy nhiên, việc mua lạc vỏ đòi hỏi cán bộ thu mua phải có kinh nghiệm cao để mua được lạc vỏ có chât lượng tốt vì việc kiểm tra chất lượng của lạc vỏ khó hơn nhiều so với kiểm tra chất lượng lạc nhân. Cũng không nên quá lạm dụng biện pháp này và nếu mua quá nhiều lạc vỏ, phải găm hàng
vài ba tháng sẽ gây ra các khó khăn khác như vốn đọng, thiếu kho tàng … các đơn vị kinh doanh phải tính toán hiệu qủa thật chi tiết trước khi quyết định.
Công ty nên kết hợp sản xuất với xuất khẩu thông qua hình thức nông, trang trại… cụ thể là liên kết với dân địa phương lập các nông trang trồng lạc. Sự kết hợp này cho phép nâng cao hiệu quả kinh tế và Công ty có thể thu lợi từ hai phía: sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời sự kết hợp này cho phép tăng nhanh kim ngạch bởi lý do sau:
- Đáp ứng tốt, kịp thời nhu cầu thị trường: qua hoạt động xuất khẩu, Công ty nắm được khách hàng, hiểu được nhu cầu thị hiếu và thói quen tiêu thụ của họ từ đó có cơ sở để tổ chức trồng cây lạc.
- Tạo nguồn hàng chất lượng ổn định, tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu thị trường.
- Chủ động về mặt hàng: Vì trực tiếp sản xuất ra nên Công ty có thể chủ động về số lượng, chất lượng, giá cả.
- Giải quyết công ăn việc làm cho công nhân viên và người nông dân.
Trong khi đó việc xây dựng nông trang, hợp tác xã trồng lạc không đòi hỏi nhiều về chi phí cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Công ty nên thực hiện tốt việc chuẩn bị tiền mặt để thu mua hàng. Đây là công việc quan trọng ảnh hưởng lớn đến toàn bộ quá trình thu mua. Bất kỳ một sự gián đoạn nào xảy ra trong quá trình thu mua đều rất
nguy hiểm trong cạnh tranh. Nếu công tác chuẩn bị tiền mặt được thực hiện tốt sẽ góp phần làm thông suốt quá trình thu mua. Nếu trong quá trình thu mua đơn vị thiếu tiền thì ngay lập tức đối thủ cạnh tranh sẽ thế chỗ, mua số lạc mà đơn vị chưa mua được. Sau đó kể cả khi đơn vị đã chuẩn bị đủ tiền mặt thì nông dân cũng chưa chắc đã muốn bán cho họ vì họ đã có khách hàng và đã quen bán với các đơn vị khác, lúc này sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Việc chuẩn bị tiền mặt cần giao cho những cán bộ có năng lực, có đầu óc, có khả năng dự toán sự biến động giá cả trên thị trường lạc và số lượng lạc sẽ thu mua để xác định số lượng tiền mặt cần thiết phải dự trù. Nếu thiếu tiền mặt sẽ gây gián đoạn thu mua, nếu thừa tiền mặt thì phải chịu một phần lãi vô ích (tiền đi vay ngân hàng). Công tác chuẩn bị tiền mặt phải thực hiện trước vụ lạc sao cho đầu vụ đã có lượng tiền cần thiết để thu mua lạc ngay. Mua vào đầu vụ sẽ thu mua được nhiều lạc, không nên đợi đến lúc giá hạ tới mức thấp nhất mới tập trung mua vì thời gian giá lạc rất ngắn, nếu chỉ tập trung vào thời gian này sẽ không kịp, không thể mua được khối lượng lạc lớn, giá lạc chắc chắn sẽ tăng lên sau một thời gian ngắn bởi sự cạnh tranh trong thu mua và liên tục biến động bởi nhiều yếu tố khác.