IV. Nhận xét chung về tình hình kinh doanh xuất khẩu lạc của Công ty.
2. Những hạn chế.
Hiệu quả sử dụng vốn vẫn thấp dù sức sản xuất kinh doanh của vốn ngày càng cao. Vốn đầu tư ngày càng lớn, nếu Công ty sử dụng có hiệu quả thì hiệu quả kinh doanh sẽ tăng cao hơn. Dù công ty đã có nhiều cố gắng trong sử dụng vốn có hiệu quả nhưng vốn quay vòng còn chậm. Vốn được bảo toàn, có khả năng thanh toán các khoản nợ, song các khoản phải trả, phải thu còn lớn.
Hiệu quả kinh doanh còn thấp và chưa ổn định . Chỉ tiêu lợi nhuận qua các năm đều tăng nhưng còn thấp và lên xuống thất thường. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lạc tăng liên tục nhưng mức độ cao thấp giữa các năm khá chênh lệch cho thấy phần nào tăng trưởng còn bấp bênh chưa vững chắc.
Hiện nay Công ty đang gặp phải những khó khăn cả về thị trường và cơ cấu mặt hàng. Mặt hàng lạc xuất khẩu của Công ty bị cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng của Công ty trong nước như VILEXIM, VINAFOOD và Công ty còn phải cạnh tranh với các Công ty ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu á. Sức tiêu thụ giảm, giá cả xuống thấp do cạnh tranh về giá làm cho hiệu quả kinh doanh của Công ty không cao. Cơ cấu mặt hàng đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thực sự phong phú. Hàng lạc chủ yếu là hàng thô và hàng sơ chế, hàm lượng chế biến thấp nên giá trị chưa cao, chưa có các loại hàng hóa khác nhau chế biến từ lạc ra các thành phẩm để xuất khẩu. Hơn nữa chất lượng sản phẩm chế biến còn thấp.
Hiện nay mặt hàng lạc của Công ty chủ yếu nhằm cung cấp cho khách hàng như cầu về chất dinh dưỡng chứ chưa chú ý đến mức độ thoả mãn khi tiêu dùng , về sự hài lòng hay về những đặc tính khác của sản phẩm hay nói cách khác , mặt hàng nông sản xuất khẩu của Công ty mới chỉ dừng ở mức sản phẩm mong đợi . Thông thường sản phẩm này có đặc điểm là nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu về chất dinh dưỡng nhưng ở mức độ đa dạng hơn và thiết thực hơn . Ví dụ : Lạc nhân xuất khẩu chủ yếu để chế biến thành các dạng bánh kẹo , ép dầu.
Hơn nữa các dịch vụ bổ sung để tạo thêm giá trị cho sản phẩm là chưa có như bổ sung về bao gói, bao bì, quảng cáo, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm.
Qua đó có thể nhận thấy rằng : Cơ cấu mặt hàng của Công ty còn hẹp, chưa dài và chưa sâu, mặt hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, chất lượng thấp chủ yếu nhằm cung cấp ở dạng nguyên liệu thô sang các nước khác chế biến lại. Hàng hoá của Công ty chưa mang nhãn hiệu và thương hiệu của Công ty. Như vậy để có thể đa dạng hoá sản phẩm , Công ty nên tìm hiểu thêm nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó chế biến và bổ sung thêm vào các tuyến sản phẩm xuất khẩu của mình.
Trong kinh doanh và quản lý kinh doanh có lúc, có việc còn sơ hở, hiện tượng sai sót, nhầm lẫn trong thủ tục chứng từ vẫn còn xảy ra. Một số trường hợp ký kết hợp đồng xuất khẩu lạc, lập hồ sơ bảo lãnh, … còn chưa nghiên cứu kỹ pháp lệnh hợp đồng kinh tế và các văn bản pháp quy có thể dẫn tới tổn thất cho Công ty.
Trong việc tìm kiếm nguồn cung , chưa mở rộng tìm thêm các nguồn hàng lạc mới, chưa chủ động tạo nguồn cung mà chỉ thu mua một cách thu động khi tới mùa vụ ở các địa phương, có khi chưa tổ chức thu mua trực tiếp của nông dân mà phải mua qua trung gian chịu giá cao và nhiều chi phí phát sinh. Trình độ thu mua nghiệm thu của nhân viên trong công ty còn thấp nên có khi còn chưa làm tốt công tác thu mua. Đã có thương vụ dù hàng đã xuất đi nhưng do chất lượng không đảm bảo cộng
với thủ tục hải quan rườm rà, hàng bị đọng lâu ở cửa khẩu nên khi sang thị trường nước ngoài , hàng không còn giữ nguyên được chất lượng như hợp đồng đã ký nên Công ty phải chịu các chi phí để giải quyết khiếu nại của khách nước ngoài, phải giảm giá bán và chịu các chi phí liên quan.
- Công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mặt hàng lạc của Công ty vẫn còn dè dặt, thiếu tính thống nhất. Cửa hàng giới thiệu sản phẩm, việc tham gia hội chợ triển lãm còn chưa thực sự phát huy hết khả năng của mình mà mới chỉ làm công tác đơn thuần là trưng bày sản phẩm chứ chưa làm công tác yểm trợ, quảng cáo. Do vậy chưa kích thích, gợi mở nhu cầu, chưa thu hút được khách hàng. Mặt khác, chất lượng sản phẩm còn bị hạn chế vì việc tổ chức nguồn hàng còn phân tán, thiếu quy định cụ thể về chất lượng.
Sau đây là một số nguyên nhân làm cho hoạt động kinh doanh của Công ty có hiệu quả chưa cao:
- Nguyên nhân khách quan:
Kim ngạch xuất khẩu lạc trong những năm gần đây của Công ty biến động không đều và không hoàn thành kế hoạch phần lớn là do ảnh hưởng của các yếu tố khách quan. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á tháng 7 năm 1997 đã tác động không nhỏ đến việc kinh doanh ở Việt Nam nói chung và của Công ty nói riêng, rồi đến sự kiện 11/9 ở Mỹ cũng làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại trên toàn thế giới và ở Việt Nam. Mới thoát khỏi sự ảnh hưởng của việc thiếu thị trường xuất
khẩu lạc do thị trường truyền thống tan rã thì cuối năm 1997 cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ đã làm nhu cầu nhập khẩu của các nước Châu á giảm mạnh, hơn thế nữa nó làm cho giá xuất khẩu sang khu vực thị trường này tăng cao, tức là giảm lợi thế về giá, một lợi thế cơ bản của Việt Nam dẫn đến làm giảm khả năng cạnh tranh của mặt hàng lạc Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Sự cạnh tranh gay gắt của hàng hoá của nước khác như : Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…. trong khi xâm nhập và chiếm lĩnh các thị trường này là rất lớn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu của Công ty. Bởi vì hàng hoá của những nước này có sức cạnh tranh khá lớn do việc họ đã áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất cho nên sản phẩm của họ có chất lượng cao, giá thành lại rất rẻ, hơn nữa họ được hỗ trợ bởi một hệ thống Marketing rất hoàn thiện trong việc quảng cáo và khuyếch trương sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng. Tuy Việt Nam đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh nhưng sự thiếu đồng bộ các yếu tố sản xuất , cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn đến khả năng khai thác và phát huy các lợi thế so sánh kém hiệu quả. Thêm vào đó là công nghệ sau thu hoạch và chế biến mặt hàng lạc nhìn chung còn bấp bênh so với yêu cầu phát triển. Ngoài ra, việc tổ chức hệ thống kinh doanh xuất khẩu lạc tuy đã có nhiều thay đổi nhưng năng lực kinh doanh và tổ chức phân phối còn bộc lộ nhiều yếu kém dẫn đến hậu quả là giá mua trong
nước bị đẩy lên cao còn giá xuất khẩu lại bị đẩy xuống thấp. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc khá lớn vào các điều kiện thời tiết, khí hậu.
Bên cạnh đó là chính sách và cơ chế điều hành xuất nhập khẩu thời gian qua trong đó đặc biệt với quyết định số 55/1998 QĐ - TTG của Thủ tướng Chính phủ cho phép tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được tham gia trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu mà không cần đáp ứng bất kỳ một điều kiện gì, ngoài việc tự ý đăng ký mã số hàng hoá của mình tại hải quan, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc kinh doanh xuất nhập khẩu. Song cũng từ đó xảy ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh trong nước nên hiện tượng “tranh mua, tranh bán” xảy ra khá thường xuyên.
Vốn kinh doanh của Công ty eo hẹp, có khoảng thời gian dài các ngân hàng đã yêu cầu Công ty phải có thế chấp hoặc có bảo lãnh của Vụ kế toán tài chính của Bộ Thương mại mới được cho vay vốn. Hơn nữa, luật thuế GTGT mới được áp dụng từ năm 1999 còn nhiều vướng mắc. Công ty phải vay vốn Ngân hàng để nộp thuế trước nhưng vấn đề khấu trừ lại rất chậm và đầy trắc trở. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách về quản lý xuất nhập khẩu của Nhà nước có mặt còn chưa đồng bộ và còn có những bất cập, công tác hải quan cũng còn khá nhiều khâu rườm rà chưa hợp lý nên gây khó khăn trong khâu giao hàng xuất khẩu của Công ty.
- Nguyên nhân chủ quan.
Về phía Công ty, công tác Marketing chưa được chú ý. Trong Công ty chưa có một phòng Marketing riêng chuyên trách công tác này mà thường là các phòng nghiệp vụ đảm trách luôn nên hoạt động Marketing mang tính tự phát, không đầy đủ, thiếu phương pháp và không có quy mô, tổ chức tốt. Trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Công ty mới chỉ quan tâm đến thị trường truyền thống mà chưa chủ động liên tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Thông tin thị truờng còn thiếu nên kinh doanh xuất khẩu có khi còn ở thế bị động. Công ty chủ yếu giao dịch bán buôn với các bạn hàng truyền thống nên chưa thực sự chú ý đến việc áp dụng các biện pháp về giao tiếp khuyếch trương. Các công cụ giao tiếp khuyếch trương được Công ty sử dụng hiện nay là :
- Xúc tiến bán hàng: Chủ yếu Công ty tiến hành với các trung gian thương mại bằng các hình thức: chiết khấu với khách hàng, thanh toán nhanh công nợ, giảm giá cho khách hàng quen thuộc hoặc khách mua với số lượng lớn.
-Xây dựng mối quan hệ công chúng : Giữ vững mối quan hệ với bạn hàng cũ , tạo uy tín với bạn hàng mới và tích cực mở rộng quan hệ với bạn hàng tiềm năng.
- Hoạt động tuyên truyền: Công ty chỉ in ấn tài liệu giới thiệu Công ty dưới hình thức tờ rơi , tờ quảng cáo nhỏ .
- Xúc tiến thương mại : Thông qua các hội chợ thương maị quốc tế trong và ngoài nước. Chào hàng là công cụ được sử dụng nhiều nhất trong quyết định giao tiếp khuyếch trương của Công ty. Các hình thức chào hàng của Công ty được thực hiện khá đơn giản bao gồm :
+Khi có nguồn hàng đối với khách hàng quen thuộc Công ty sẽ gọi điện thông báo và fax chào hàng cho họ , nếu khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ với Công ty.
+Đối với khách hàng mới chưa giao dịch với Công ty lần nào thì Công ty sẽ dựa vào quen biết của các nhân viên trong Công ty để chào hàng trực tiếp hoặc thông qua thư chào hàng.
+ Đối với các đối tác, khi làm việc nhân viên dùng catalogue của Công ty để giới thiệu về ngành nghề hoặc sản phẩm của Công ty mình.
Nói chung hoạt động giao tiếp khuyếch trương chưa được Công ty quan tâm chú ý . Do Công ty chủ yếu xuất khẩu hàng nông sản ở dạng thô hoặc sơ chế và khách mua chủ yếu để chế biến và bán lại nên các hoạt động quảng cáo cho sản phẩm của Công ty hầu như chưa có, chỉ ở mức giới thiệu hàng thông quacác hoạt động chào hàng như tổ hoạt động marketing từ xa … cũng như các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng chưa từng được Công ty tiến hành. Hiện nay Công ty VILEXIM chưa dành riêng một khoản ngân sách dành cho hoạt động xúc tiến thương mại . Do đó các khoản chi phí cho những hoạt động này được tính vào chi phí bán hàng xuất khẩu.
Việc tạo nguồn hàng bước đầu đi vào ổn định, song chất lượng mẫu mã hàng hoá còn chưa được đảm bảo. Công tác thu mua hàng nhiều khi chỉ tiến hành một cách thụ động theo mùa vụ mà thiếu một chiến lược phát triển dài hạn như xây dựng quan hệ làm ăn lâu dài bền chắc với các đơn vị sản xuất hay đầu mối thu mua, chưa nghĩ tới việc liên doanh liên kết với địa phương thành lập các nông trang chuyên canh lạc và bao tiêu đảm bảo đầu ra, ...
Cơ cấu tổ chức bộ máy của Công ty chưa thực sự hoàn thiện. Bộ phận hành chính còn cồng kềnh. Các phòng ban chưa làm đúng chức năng, có khi các phòng làm kiêm nhiệm vụ của nhau tạo ra sự chồng chéo. Sự quản lý còn lỏng lẻo, có khi các phòng ban còn hoạt động một cách tự phát (trong ký kết hợp đồng, phương thức làm ăn, sử dụng vốn,...) mà không xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo làm cho hoạt động kinh doanh chung của công ty thiếu sự thống nhất theo chiến lược chung. Nhân viên có khi còn chưa năng động và còn ỷ lại vào các trưởng phòng và Ban giám đốc, chưa chủ động sáng tạo, chịu khó tìm kiếm đầu vào đầu ra.
Trong thời gian vừa qua cho thấy ban đề án và thanh toán công nợ của Công ty hoạt động ít có hiệu quả mà chức năng này phòng kế toán tài chính vẫn phải đảm nhận và giám sát để quản lý vốn. Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.
Chương III:
Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu mua và xuất khẩu mặt hàng lạc của công ty vilexim trong thời gian
tới