+ Kinh tế
Phú Thọ với nhiều lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên và đặc biệt là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, Phú Thọ là một trong 14 trung tâm vùng của cả nước.Trong tương lai gần, Phú Thọ sẽ là tỉnh kết nối hành lang kinh tế quốc tế Hà Nội – Hải Phòng – Côn Minh với nhiều điểm giao kết, trung chuyển cả giao thông đường sắt và đường bộ trong hành trình xuyên Á. Đây là những lợi thế lớn để Phú Thọ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội “Kết thúc giai đoạn 2006- 2010, kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, duy trì mức tăng trưởng bình quân 10,6%/ năm, với GDP bình quân năm 2010 là 11,8 triệu đồng/người; các ngành kinh tế đều có bước phát triển, quy mô nền kinh tế tăng lên; các lĩnh vực xã hội có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện,
chính trị - xã hội ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, với tỷ trọng: Nông - lâm nghiệp, thủy sản 25,1%; công nghiệp- xây dựng 39,7%; dịch vụ 35,2% ” [44, tr. 9].
Năm 2011 kinh tế tiếp tục phát triển, Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,69%, tổng thu ngân sách đạt 2.153 tỷ đồng, tăng 31,6% , tỷ lệ hộ nghèo còn 17,16%” [4, tr. 11].
Với những lợi thế và những kết quả về kinh tế - xã hội mà Phú Thọ đã đạt được, tuy nhiên Phú Thọ vẫn là một tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp năm 2011 (14.500.000 đồng/người), kinh tế tuy tăng trưởng nhưng thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh chưa cao, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông-lâm, thủy sản. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, lạc hậu, hệ thống hạ tầng còn nhiều hạn chế chưa thể hấp dẫn nhà đẩu tư nước ngoài. Mặt khác do có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, địa hình chia cắt, nên mặt bằng trình độ văn hóa thấp, không đồng đều, dẫn đến thiếu đội ngũ lao động có kỹ thuật, công nhân lành nghề, những hạn chế đó đang là trở ngại rất lớn đối với việc thực hiện những mục tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh.
+ Văn hóa
Phú Thọ có nền văn hóa rực rỡ từ lâu đời những di chỉ khảo cổ văn hóa Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn và nhiều đình, chùa, lăng, tẩm còn lại quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu là một trung tâm văn hóa của dân tộc. Theo số liệu thống kê toàn tỉnh hiện có 1372 ( bao gồm cả phế tích) di tích lịch sử văn hoá, trong đó có trên 160 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 66 di tích được xếp hạng Quốc gia.
Những di tích và lễ hội này đã góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng trên quê hương đất Tổ. Đặc biệt, Phú Thọ có đền Hùng là nơi thờ các Vua Hùng - Quốc Tổ đã có công xây dựng nên Nhà nước Văn Lang, Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Các lễ hội hàng năm trên địa bàn tỉnh rất phong phú, mang đậm nét bản sắc văn hoá của các dân tộc anh em chung sống như:
Lễ hội Đền Hùng, hội phết Hiền Quan (Tam Nông), hội bơi chải Bạch Hạc (Việt Trì), hội rước voi Đào Xá (Thanh Thủy), hội rước chúa gái (Hy Cương), hội ném còn, bắn nỏ, cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, hội hát xoan, hát ghẹo của các phường Xoan, ghẹo, các lễ hội của dân tộc Cao Lan.
Cuối năm 2011, "Hát Xoan Phú Thọ" đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và Hồ sơ "Di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" đang được tỉnh Phú Thọ tiếp tục hoàn thiện, đề nghị UNESCO công di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn phát huy các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể làm nền tảng cho sự giao lưu và hội nhập văn hoá,thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, Phú Thọ chủ trương tập trung phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo các vấn đề xã hội, văn hóa, bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có của một vùng đất nằm trong di sản và lễ hội truyền thống, mà tiêu biểu là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, Phú Thọ đã và đang mở rộng cánh cửa chào đón bạn bè, du khách về thăm vùng đất Tổ cội nguồn. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Phú Thọ tăng cường hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội, tạo tiền đề để Phú Thọ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá, xây dựng tỉnh trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh, xứng đáng "Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, cả nước hướng về Đền Hùng".
Cùng với sự phong phú về thành phần tộc người đã dẫn đến sự đa dạng trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, bên cạnh những tín ngưỡng dân gian như thờ trời, đất, tổ tiên… Có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Với 260 lễ hội, trong đó có 223 lễ hội dân gian, 05 lễ hội tôn giáo, 32 lễ hội cách mạng; hiện chỉ còn 92 lễ hội được bảo lưu.
Đến hết năm 2011 đã có 2464/2874 nhà văn hóa ở khu dân cư được xây dựng, có 221/277 xã, phường, thị trấn đã xây dựng nhà văn hóa hoặc hội trường kiêm nhà văn hóa.
Với bề dày văn hóa, lịch sủ là những nhân tố tích cực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
+ Xã hội
Theo kết quả điều tra ngày 1/4/2009, tỉnh Phú Thọ có 1.313.926 người, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17,16% . Trên địa bàn tỉnh có 28 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh với số dân chiếm 85,89% dân số của tỉnh. Dân số là người dân tộc thiểu số chiếm 14,11% số dân toàn tỉnh. Trong đó dân tộc Mường chiếm 13,62%; dân tộc Dao chiếm 0,92%; dân tộc Sán Chay chiếm 0,22%; dân tộc Tày chiếm 0,15%; dân tộc Mông chiếm 0,05%; dân tộc Thái chiếm 0,04%; dân tộc Nùng chiếm 0,03%; dân tộc Hoa 0,02%; dân tộc Thổ chiếm 0,01%; dân tộc Ngái chiếm 0,008%...
Ðến nay đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 13/13 huyện, thị, thành phố với 100% số xã. Năm 2011, tăng 0,48% ước tính khoảng 1.329 nghìn người, số lao động được giải quyết việc làm là 20,3 nghìn người; xuất khẩu lao động 2,5 nghìn người .
Là một tỉnh còn nhiều khó khăn chính vì thế chính sách an sinh xã hội luôn được bảo đảm: giảm nghèo, thăm hỏi và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ, đảm bảo thực hiện chính sách cho các đối tượng chính sách, công tác bảo trợ xã hội được triển khai tích cực, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo ( năm 2011 cấp cho 197,3 nghìn người đạt 100% kế hoạch).
Giáo dục, đào tạo kết quả năm học 2010- 2011 các chỉ tiêu tuyển mới học sinh đầu năm học đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Số học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học, trung học cơ sở đạt 99,37% là 1/10 tỉnh dẫn đầu trong cả nước về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia và khu vực quốc tế, trong đó cấp quốc gia lớp 12 đạt 59 giải ( tăng 5 giải ), 1 huy chương đồng đội tuyển thi toán quốc tế, 3 huy chương vàng Olimpic tiếng Anh. Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng : công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, cơ sỏ vật chất, trang thiết bị ở các bệnh biện được tăng cường. chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được nâng cao ở các tuyến: Đảm bảo duy trì 100% trạm y tế có bác sỹ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Với những kết quả đã đạt được toàn Đảng toàn dân tỉnh Phú
Thọ quyết tâm thực hiện thắng lợi nội dung của Nghị quyết 25/NQ/ĐH ngày 29 tháng 10 năm 2010 nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010- 2015. Trong giai đoạn hiện nay đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cường khối đại đoàn kết, góp phần vào sự nghiệp đổi mới hiện nay.